Đưa Việt Nam vào giai đoạn phát triển mới bằng KHCN, ĐMST và CĐS

15:35, 14/07/2025

“Bộ KH&CN mới có sứ mệnh quan trọng là đưa Việt Nam vào giai đoạn phát triển mới, phát triển dựa trên khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS), từ thu nhập trung bình cao trở thành thu nhập cao”. Đó là chỉ đạo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.

Những chuyển dịch trọng yếu để bứt phá

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam cần thực hiện những chuyển dịch mang tính chiến lược trong từng lĩnh vực.

Bưu chính sẽ trở thành hạ tầng logistics của nền kinh tế số, đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu. Dòng chảy vật chất phải nhanh, chính xác và an toàn đến tận tay doanh nghiệp và người tiêu dùng. Càng chuyển đổi số mạnh mẽ, tải lên mạng lưới bưu chính càng tăng.

Viễn thông sẽ là hạ tầng số quốc gia, trở thành hạ tầng chiến lược giống như giao thông và điện. "Phải phổ cập, băng thông siêu rộng, dung lượng siêu lớn, xanh và an toàn. Phủ sóng 5G sâu và rộng toàn quốc là nhiệm vụ cấp bách từ nay đến cuối năm", Bộ trưởng chỉ rõ.

CĐS không chỉ là ứng dụng công nghệ mà là thay đổi mô hình hoạt động. Chuyển đổi số là số hóa toàn diện, rồi sử dụng công nghệ số, nhất là AI để xử lý dữ liệu số. Nhưng thay đổi mô hình hoạt động mới là công đoạn quan trọng nhất để phát huy hiệu quả CĐS. Chi ngân sách nhà nước cho CĐS là 1% thì xã hội phải chi cho CĐS gấp 3-4 lần như vậy. CĐS phải tạo ra tăng trưởng kinh tế từ 1-1,5%.

KHCN phải mang lại tác động kinh tế cụ thể. KHCN phải hướng tới kết quả cuối cùng là nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Nhà nước chi 1 đồng cho nghiên cứu thì kết quả nghiên cứu này đến doanh nghiệp phải tạo ra 5-10 đồng doanh thu mới.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Nhà khoa học bây giờ không chỉ dừng lại ở học hàm, học vị, bài báo hay giải thưởng mà quan trọng là kết quả nghiên cứu phải có tác động đến kinh tế - xã hội".

ĐMST là con đường đưa công nghệ vào cuộc sống. Ứng dụng công nghệ, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu suất sử dụng công nghệ, cải tiến công nghệ và tiến tới sáng tạo công nghệ. ĐMST phải giúp Việt Nam tăng trưởng 3% GDP. Mỗi bộ ngành, mỗi địa phương phải có một trung tâm ĐMST.

Với sở hữu trí tuệ, Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển dịch từ bảo vệ quyền sang thương mại hóa, tài sản hóa các kết quả nghiên cứu. Một quốc gia phát triển là quốc gia có tới 80% tài sản là tài sản trí tuệ. Chúng ta cần xây dựng nhận thức xã hội, đạo đức xã hội, văn hóa xã hội về sở hữu trí tuệ. Ăn cắp ý tưởng, sáng chế cũng như ăn cắp trong xã hội, là vấn đề vi phạm đạo đức, cần bị lên án và trừng phạt.

Trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, trọng tâm thời gian tới là phát triển điện hạt nhân thế hệ mới, lò hạt nhân module quy mô nhỏ. Điện hạt nhân là điện xanh và điện nền, là chiến lược quốc gia và Việt Nam phải làm chủ công nghệ hạt nhân.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho các lãnh đạo đã chỉ đạo xây dựng 5 luật và triển khai chính quyền địa phương hai cấp.

Hành lang pháp lý đã sẵn sàng

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua đồng thời 5 luật lớn liên quan đến KH, CN, ĐMST và CĐS. Từ nay đến cuối năm 2025, Bộ KH&CN tiếp tục trình thêm 4 luật, nâng tổng số luật chủ trì soạn thảo trong năm lên 9 luật.

Trong 4 luật trọng tâm sắp tới, Luật CĐS sẽ xây dựng khung thể chế quốc gia số, quản lý dữ liệu, phát triển nhân lực số, đưa ngôn ngữ số thành ngôn ngữ thứ ba bên cạnh tiếng Việt và tiếng Anh.

Luật Công nghệ cao (sửa đổi) tạo mảnh đất phát triển công nghệ cao, thu hút nhân tài về khu đô thị công nghệ cao, ưu đãi nhà đầu tư dựa trên chuyển giao công nghệ và R&D tại Việt Nam.

Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) giải quyết khâu thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đưa công nghệ đến doanh nghiệp, ngăn chặn công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.

Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) biến kết quả nghiên cứu thành tài sản giao dịch được, gắn sở hữu trí tuệ với đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ mới trong môi trường số.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Trước đây, một khóa 5 năm thông qua 1-2 luật đã là nhiều. Nay riêng năm 2025, Bộ KH&CN chủ trì 9 luật. Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn, quyết tâm rất cao, có cách làm mới, làm việc không kể ngày đêm mới có thể hoàn thành."

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho các tập thể có nhiều thành tích đóng góp trong công tác xây dựng 5 luật.

Doanh nghiệp, viện trường chung tay hiện thực hóa chính sách

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận nhiều giải pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa định hướng lớn của Bộ KH&CN.

Luật sư Lê Quang Vinh, sáng lập Bross & Partners, cho biết doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang tăng tốc đổi mới trong các lĩnh vực thiết kế sản phẩm, phần mềm, nông nghiệp công nghệ cao, thương hiệu. Tuy nhiên, phần lớn sáng tạo không được bảo hộ kịp thời dưới dạng quyền sở hữu trí tuệ.

Theo ông Vinh, doanh nghiệp thường ngại nộp đơn bảo hộ vì thủ tục rườm rà, chi phí cao, lo ngại lộ bí mật kỹ thuật. Hệ quả là sáng tạo không được định danh pháp lý, không thể bảo vệ trước hành vi sao chép.

Hiện nay, chi phí nộp đơn, duy trì hiệu lực, tư vấn và giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ vẫn ở mức cao. Quy trình phản đối, xét nghiệm, khiếu nại kéo dài và khó dự đoán. Thiếu cơ chế định giá tài sản chấp sở hữu trí tuệ khiến việc đưa tài sản trí tuệ vào hệ thống tài chính còn nhiều vướng mắc.

Ngoài ra, cơ chế bảo vệ hiện hành chưa đủ hiệu quả. Hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, phổ biến như nhái bao bì, lấy cắp nội dung số, nhưng biện pháp dừng vi phạm khẩn cấp khó thực thi. Tâm lý "bảo hộ trên giấy, vô hiệu ngoài đời" vẫn còn phổ biến.

Luật sư Lê Quang Vinh đề xuất: Cải thiện quy trình pháp lý để sở hữu trí tuệ thực sự trở thành "xương sống pháp lý" cho nền kinh tế số; hỗ trợ doanh nghiệp định giá, thương mại hóa, khai thác tài sản trí tuệ một cách hiệu quả.

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) nhấn mạnh vai trò của nghiên cứu cơ bản trong phát triển KH&CN và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Mỗi năm, ĐHQGHN có hơn 2.000 công bố quốc tế trên WoS/Scopus, trong đó 70% thuộc Q1/Q2; 80–100 đơn đăng ký độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích.

ĐHQGHN đã chuyển hướng từ "nghiên cứu để tìm ứng dụng" sang "lấy bài toán của doanh nghiệp, địa phương làm định hướng nghiên cứu". Từ 2022 - 2024, ĐHQGHN đã đề xuất thương mại hóa khoảng 300 sản phẩm KH&CN, thu hút hơn 252,5 tỷ đồng đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, doanh thu chuyển giao đạt 130,4 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2025, doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu khoảng 50 tỷ đồng.

ĐHQGHN cam kết tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, vừa duy trì xuất sắc học thuật, vừa kết nối thực tiễn, đồng hành cùng Bộ KH&CN triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW và Luật KH, CN&ĐMST mới ban hành.

Tại Hội nghị, Bộ KH&CN đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng 5 luật thuộc lĩnh vực KH&CN vừa được Quốc hội thông qua và trong công tác triển khai chính quyền địa phương 2 cấp. Đây là sự ghi nhận kịp thời với những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học đã góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy ĐMST và CĐS quốc gia.

Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Bây giờ là lúc chúng ta hãy làm, làm thật nhiều, hướng đến kết quả cuối cùng là tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao năng lực quản trị quốc gia để bộc lộ các khó khăn và tiếp tục tháo gỡ".