Dừng 2G để phổ cập điện thoại thông minh đến tất cả người dân Việt Nam
Ngày 18/7/2024, Cục Viễn thông, Bộ TT&TT phối hợp với Báo Vietnamnet tổ chức tọa đàm "Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì?". Tham dự buổi tọa đàm có đại diện Lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT, đại diện các doanh nghiệp viễn thông, đơn vị phân phối smartphone.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Dừng công nghệ 2G là cơ hội để phát triển các dịch vụ trên môi trường số
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, việc dùng 2G để chuyển sang 4G thông minh, đây là cơ hội trải nghiệm dịch vụ mới, để người dân tiếp cận dịch vụ số, dần dần hình thành xã hội số, với mục tiêu tạo điều kiện cho người sử dụng tiếp cận công nghệ mới.
Hơn nữa, việc dừng công nghệ 2G là cơ hội tốt cho người sử dụng làm quen với dịch vụ trên môi trường số. Những đối tượng sử dụng ở các thành phố lớn, thị trấn, thị xã, tiếp nhận thông tin đầy đủ và tương đối sẵn sàng chuyển sang smartphone. Nhưng với những người vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, người già, trẻ em,... thì không có cơ hội tiếp cận thông tin đầy đủ như lớp trẻ.
Các doanh nghiệp đã có những giải pháp truyền thông tốt. Chẳng hạn, Viettel truyền thông cá thể hóa đến đối tượng ở vùng sâu vùng xa; MobiFone có giải pháp nhạc chờ: khi thuê bao 2G nhận cuộc gọi hay thực hiện cuộc gọi đi đều có thông báo liên quan của nhà mạng về dừng 2G, đầu số hỗ trợ, giải pháp hỗ trợ; VinaPhone có những chính sách hỗ trợ cả máy, truyền thông qua người dùng. Trong thời gian tới để cung cấp thông tin đầy đủ nhất, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt nhất, đề nghị doanh nghiệp truyền thông bằng các phương tiện mạnh mẽ hơn và trao đổi kinh nghiệm với nhau để cùng truyền thông đến tập khách hàng từ nay đến 15/9 để có thông tin đầy đủ.
Về thiết bị đầu cuối, Bộ TT&TT cũng đã làm việc với UBND các tỉnh, thành phố, đề nghị các Sở TT&TT đề xuất với UBND sử dụng nguồn vốn, tài trợ hợp pháp trên địa bàn để phối hợp với nhà mạng hỗ trợ cho người dân vùng sâu, vùng xa...
Các doanh nghiệp tiếp tục dựa trên dữ liệu thuê bao để phân tích được các đối tượng sử dụng ở khu vực chưa tiếp cận được thông tin, hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau để bảo đảm người sử dụng được bảo đảm quyền lợi. Từ đó, nhà mạng cũng tăng vị thế, uy tín khi cung cấp dịch vụ quan trọng, cơ bản đến người dùng, cũng như đảm bảo uy tín trong suốt thời gian cung cấp dịch vụ vừa qua. Đây cũng là cơ hội để nhà mạng truyền thông về dịch vụ mới với người sử dụng.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cũng nhấn mạnh, việc tắt sóng 2G là chủ đề quan trọng, các cơ quan báo chí cần đồng hành cùng Bộ TT&TT, nhà mạng để truyền thông chính sách này, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như: truyền thông tới từng thuê bao; có giải pháp hỗ trợ thiết bị đầu cuối cho người dùng đặc biệt là người dùng yếu thế như người già, người có thu nhập thấp; người ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Cùng với các giải pháp truyền thông, các nhà mạng cần chú trọng nâng cao số lượng kênh truyền thông để hỗ trợ, chia sẻ, trao đổi, hướng dẫn để người sử dụng hiểu dịch vụ tường tận trước khi tham gia, nhất là ứng dụng trên smartphone.
Tại buổi tọa đàm, đại diện Lãnh đạo các đơn vi, các doanh nghiệp viễn thông di động đã phóng viên các cơ quan báo chí đã có nhiều chia sẻ, trao đổi những vấn đề liên quan đến việc tắt sóng 2G.
Để thúc đẩy quá trình tắt sóng 2G, Bộ T&TT đang xây dựng nghị định hướng dẫn luật viễn thông để triển khai việc hỗ trợ qua quỹ viễn thông công ích. Bộ TT&TT cũng đã đề nghị các nhà mạng di động phải triển khai hạ tầng mạng 4G bảo đảm có vùng phủ thay thế được các trạm thu phát vô tuyến 2G đã tắt tại tất cả khu vực thực hiện tắt sóng; chú trọng phát triển hạ tầng tại các vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, triển khai kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông bảo đảm đến năm 2025, đạt 100% thôn bản đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động 4G. Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động ngoài việc thực hiện giải pháp hỗ trợ thuê bao 2G Only phải xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể tới những khu vực vùng xâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; cá thể hóa công tác truyền thông và hình thức hỗ trợ để phù hợp với các thuê bao thuộc các hộ nghèo, cận nghèo thực hiện chuyển đổi sang sử dụng điện thoại công nghệ 4G trở lên. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng đã làm việc với các Ủy ban Nhân dân một số tỉnh, chỉ đạo các sở TTTT các tỉnh thành phố tham mưu cho Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân các tình thành phố sử dụng các nguồn hợp pháp trền địa bàn đề hỗ trợ người sử dụng đặc biệt là người sử dụng yếu thế./. |
Theo https://mic.gov.vn