Dùng công nghệ chiếu xạ diệt khuẩn, diệt virus trên thực phẩm

Minh Thùy 11:42, 30/06/2020

Năm nay, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đang nhộn nhịp với việc chiếu xạ vải để xuất khẩu. Loại quả này được chiếu với liều lượng cho phép, không bị nhiễm xạ, có thể bảo quản lâu hơn do vi khuẩn đã bị tiêu diệt.

Diệt côn trùng, vi khuẩn bám dính

Chiếu xạ thực phẩm là quá trình chiếu bức xạ ion hóa lên thực phẩm nhằm tiêu diệt các sinh vật còn tồn dư trong thực phẩm, nhờ đó bảo quản thực phẩm, làm giảm nguy cơ bệnh tật do thực phẩm gây ra, ngăn chặn sự lây lan của các loài xâm hại, và làm chậm trễ hoặc loại bỏ mọc mầm hoặc chín, hỏng. Các bức xạ ion hóa có thể được phát ra bởi nguồn bằng chất phóng xạ hoặc tạo ra bằng điện. Chiếu xạ nói chung còn được dùng trong khử trùng dụng cụ y tế và tương tự. Các dụng cụ hay thực phẩm chiếu xạ không trở thành thể có tính phóng xạ, không gây nguy hiểm về phóng xạ cho người dùng.

Tại Việt Nam pháp luật hiện không đặt vấn đề chính thức công nhận hay phản đối chiếu xạ thực phẩm. Các chiếu xạ đã được thử nghiệm từ lâu, được coi như một tiến bộ kỹ thuật, tuy nhiên không được đưa vào ứng dụng đại trà vì nhu cầu nội địa gần như chưa có. Những năm gần đây cơ sở chiếu xạ ra đời, phục vụ xuất khẩu hoa quả là chính.

Ông Đặng Quang Thiệu, Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, do ảnh hưởng của Covid-19, từ đầu mùa, trung tâm chỉ chiếu xạ vải để xuất khẩu bằng đường biển với số lượng khoảng 30 tấn. Trong khi năm ngoái, vải có thể xuất khẩu qua đường hàng không nên nhu cầu chiếu xạ lớn. Việc chiếu xạ quả vải là cần thiết để đáp ứng các nhu cầu kiểm dịch ở các quốc gia nhập khẩu vải. Quả vải được chiếu xạ nhằm đạt tiêu chí kiểm dịch, bất dục côn trùng và trứng bám khiến chúng không còn khả năng sinh sôi, nảy nở.

Những quả vải sớm được chọn lọc kỹ càng để xuất khẩu, có mã số vùng trồng, được đóng gói, kiểm dịch, chiếu xạ... Cục bảo vệ thực vật cấp mã số riêng cho số hàng rồi gửi sang Australia, sau khi được chấp nhận thì lô vải mới chính thức xuất khẩu.

Quy trình để quả vải có thể xuất khẩu sang các nước phát triển khá khắt khe. Theo đó, vải phải được thu hoạch vào sáng sớm, sơ chế, sàng lọc kỹ lưỡng trước khi chuyển đến Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội. Tại đây, Đội Bảo vệ thực vật sẽ lấy ngẫu nhiên các quả vải để kiểm tra, đạt tiêu chuẩn mới đưa vào chiếu xạ.

Sau khi phân loại, vải được đưa từ container lạnh 1 độ C vào phòng lạnh 10 độ C để dần làm quen với nhiệt độ bên ngoài, tránh bị sốc nhiệt. Mỗi thùng vải đưa vào soi chiếu đều được dán miếng liều kế ở đáy thùng để đo tình trạng phóng xạ. Thùng chứa liều kế được đánh dấu bên ngoài. Mỗi quả vải phải đi qua 24 cửa trong quá trình chiếu xạ, thời gian dừng ở mỗi cửa chiếu xạ là 112 giây.

Anh Vũ Ngọc Kiên, nhân viên vận hành Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, cho biết, thùng kim loại là yếu tố quan trọng để che chắn, không để phóng xạ chiếu trực tiếp vào quả vải. Mỗi thùng vải được chiếu xạ ba mặt từ trên xuống. Mỗi thùng vải đi vào dây chuyền chiếu xạ mất gần 50 phút. Tại khu chiếu xạ có hai đồng hồ đo mức độ phóng xạ. Tường của khu vực này được xây dựng dày 2m theo tiêu chuẩn, không để phóng xạ lọt ra ngoài. Vải sau khi chiếu xạ xong được chuyển về kho bảo quản. Giá thành chiếu xạ mỗi kg vải gần 10.000 đồng.

An toàn cho người

Ông Đặng Quang Thiệu cho biết, việc chiếu xạ sẽ giúp làm mất khả năng sinh sản, nảy nở của côn trùng và trứng bám trên vải và các hoa quả khác. Liều lượng chiếu xạ đạt khoảng 400 gry/kg, an toàn với con người. Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội là cơ sở chiếu xạ thứ ba được Australia công nhận sau hai cơ sở ở TPHCM. Hiện trung tâm này có thể xử lý chiếu xạ 50 tấn hoa quả tươi mỗi ngày, gấp đôi so với năm 2019 (chỉ được 20 - 30 tấn). Việc xuất khẩu trái vải tươi của Việt Nam vào thị trường Australia phải bảo đảm 5 yêu cầu gồm vùng trồng, bao bì, nhãn mác, xử lý chiếu xạ và kiểm dịch.

Không ít ý kiến băn khoăn về ảnh hưởng của thực phẩm chiếu xạ đến sức khỏe người dùng. Ông Đặng Quang Thiệu cho hay, cơ thể người dùng không chịu ảnh hưởng trực tiếp của tia xạ gamma phát ra từ nguồn chiếu Co-60. Vì quy trình chiếu xạ thực hiện như sau: Một hộp đựng các vật phẩm cần chiếu xạ (hoa quả, thực phẩm hay các vật liệu cần nghiên cứu khác) được kéo qua một buồng chiếu xạ bằng băng chuyền. 

Tùy theo loại vật phẩm và mục đích, liều chiếu hay thời gian chiếu được xác định trước, đồng thời được đo bởi các liều kế gắn với các hộp chứa vật phẩm. Như vậy, các vật phẩm không hề tiếp xúc với chất phóng xạ Co-60, chỉ được lướt qua chùm tia phóng xạ tương tự đi qua một luồng ánh sáng rộng trong một khoảng thời gian định trước.

Nếu biện pháp đông lạnh chỉ có khả năng ức chế sự phát triển của vi sinh vật thì chiếu xạ gây tổn thương tính di truyền (phân tử AND) làm mất khả năng sinh sản của vi sinh vật. Như vậy, sau khi chiếu xạ, các vi sinh vật gây bệnh cho người và các vi sinh vật gây hại cho thực phẩm bị bất hoạt, điều này có nghĩa là chiếu xạ giúp kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm. Quá trình tương tác giữa bức xạ và thực phẩm chỉ tạo ra một lượng nhiệt không đáng kể nên chiếu xạ diệt được vi khuẩn nhưng không làm chín, không làm mất các chất dinh dưỡng và không làm biến dạng bao gói thực phẩm bằng plastic... tạo thuận lợi cho khâu lưu trữ, phân phối, xuất khẩu thực phẩm tới các thị trường xa, trái thời vụ.

Tuy vậy, việc xử lý chiếu xạ cũng như các biện pháp khác đều không thể bảo quản vĩnh viễn hoa quả tươi, nên việc phối hợp các biện pháp khác nhau thường được áp dụng.

Virus chết trong quá trình phân bào

Trước đó, để phòng dịch Covid-19, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam chiếu xạ khử khuẩn miễn phí cho thiết bị, vật phẩm y tế phục vụ công tác phòng chống dịch ở nước ta, tiết kiệm thời gian và làm chủ công nghệ. Trước đây người ta thường dùng Ethylene oxide để khử trùng cho các thiết bị y tế sử dụng một lần. Nhược điểm của công nghệ này nằm ở quá trình khử khuẩn kéo dài (thường trong khoảng từ bảy đến mười bốn ngày). Trong tình huống khẩn cấp, các quốc gia đã buộc thay đổi phương pháp khử trùng đối với những sản phẩm đặc biệt này, và phương pháp chiếu xạ đang ngày càng khẳng định ưu thế khi có thể giảm thời gian khử trùng xuống còn một ngày.

Thời gian chiếu xạ một tấn vải khoảng 40 phút, sau đó niêm phong và chuyển tới kho lạnh trước khi xuất.

Ông Đoàn Bình, Trưởng bộ phận QA/QC - Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ, Sở KH&CN TPHCM cho hay, hiện trên thế giới có hơn 126 thiết bị chiếu xạ nguồn CO 60 ở 48 nước và khoảng vài trăm máy gia tốc được sử dụng chiếu xạ khử trùng dụng cụ y tế. 3 tổ chức khuyến khích phát triển công nghệ chiếu xạ khử trùng dụng cụ y tế gồm FAO, WHO và IAEA. Cơ chế diệt vi sinh vật của chiếu xạ là sẽ ion hóa phân tử DNA, tia bức xạ sẽ ion hóa nguyên tử, phân tử tạo nên tế bào vi sinh, đặc biệt là tạo ra đứt gãy phân tử ADN. Nếu liều chiếu đủ lớn, tế bào sẽ bị chết trong quá trình phân bào, vi sinh vật gây bệnh sẽ bị chết. Đối với từng mục đích khử trùng khác nhau mà cài đặt liều chiếu xạ khác nhau.

Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc sát khuẩn luôn luôn được quan tâm đặt lên hàng đầu, kể từ khi bắt đầu nhận được thông tin về dịch bệnh cho đến nay, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã liên tục chiếu xạ thanh trùng miễn phí 7 lần cho khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế dùng trong công tác phòng chống dịch, với 102.300 khẩu trang nano; 22.525 khẩu trang N95 và 960 bộ quần áo bảo hộ y tế trang bị cho cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai.

Minh Thùy (T/h)