FPT kiến nghị ứng dụng AI trong ngành bảo hiểm trước làn sóng công nghệ thứ 3

09:01, 06/08/2024

Tại sự kiện Hội nghị cấp cao về Bảo hiểm Việt Nam - Vietnam Insurance Summit 2024 vừa qua, ông Trần Đăng Hoà, chủ tịch FPT IS đã chia sẻ các góc nhìn toàn cảnh về tác động của làn sóng thứ 3 - AI và Data tới cách thức vận hành trong ngành Bảo hiểm. Từ đó kiến nghị lời giải công nghệ kiến tạo văn hoá bảo hiểm an toàn, hạnh phúc...

Ông Trần Đăng Hoà, Chủ tịch FPT IS khẳng định làn sóng thứ 3 về AI và Data sẽ thay đổi cuộc chơi ngành Bảo hiểm.

Sự kiện do IEC và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức, quy tụ hơn 200 nhà lãnh đạo Bộ Tài chính, Cục Giám sát bảo hiểm, Tổng giám đốc và ban lãnh đạo các công ty bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ toàn quốc. Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Tổng giám đốc các doanh nghiệp Bảo hiểm 2024, lấy chủ đề “Hành trình chuyển đổi số bảo hiểm lấy khách hàng làm trung tâm".

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Xuân Việt, Chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam đánh giá ngành Bảo hiểm Việt Nam đang bước vào giai đoạn hứa hẹn với cơ hội phát triển mạnh mẽ. Dự báo, doanh thu phí bảo hiểm bình quân trên GDP đến năm 2025 ước đạt khoảng 3,5%. Nhằm tận dụng tối đa tiềm năng này, việc chuyển đổi số là yếu tố then chốt, góp phần giúp ngành nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới sản phẩm, đáp ứng tối đa nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính chia sẻ: Theo số liệu thống kê, Việt Nam đang có thứ hạng cao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với 55% dân số sử dụng điện thoại thông minh và kết nối internet. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong ngành vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như quá trình chuyển đổi mô hình quản trị, cấu trúc sản phẩm, phòng ngừa rủi ro tài chính, an ninh mạng và bảo vệ thông tin khách hàng. Vậy nên các doanh nghiệp cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Là đại diện công nghệ Việt Nam duy nhất phát biểu tại phiên báo cáo chính của sự kiện, ông Trần Đăng Hoà - Chủ tịch FPT IS đã mang tới các góc nhìn của FPT về ngành Bảo hiểm, các lời giải công nghệ và đề xuất kiến tạo văn hoá bảo hiểm an toàn, hạnh phúc với bài trình bày “Co-create the Next in Insurance by AI".

Phân tích, ông Hoà cho rằng: “Ngành bảo hiểm Việt Nam hiện nay còn nhiều dư địa phát triển. Chúng ta có lợi thế sở hữu nền dân số trẻ 100 triệu dân, FPT tin tưởng Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình và sẽ là “quốc gia ăn đũa” thành công như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… Khi đó, người dân sẽ có mức thu nhập và mức sống tiên tiến, các nhu cầu mới như bảo hiểm sẽ gia tăng. Trong 30 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ của internet, mobile, e-commerce… tôi tin rằng tới đây sẽ là ngành Bảo hiểm".

Nói về bức tranh công nghệ ngành Bảo hiểm, ông Hoà chỉ ra sau 2 làn sóng về số hóa và quy trình hóa, thông minh hoá, ngành Bảo hiểm đang đứng trước làn sóng thứ ba - kỷ nguyên về Data & AI. “Nếu trước kia trong ngành, công nghệ để phục vụ kinh doanh, các anh chị Tổng Giám đốc coi đó là nhiệm vụ của IT, thì bây giờ công nghệ chính là kinh doanh. Các doanh nghiệp bảo hiểm, những nhà lãnh đạo bảo hiểm sẽ phải thực sự làm chủ, tham gia vào làn sóng công nghệ để dẫn dắt sự phát triển”.

FPT chia ra lộ trình 5 bước, từ số hoá, quy trình hoá, dữ liệu hoá, sau đó biến dữ liệu thành business. Với mỗi bước đều có hệ thống xuyên suốt các sản phẩm dịch vụ giúp khách hàng thực hiện. Trong suốt 25 năm qua, chúng ta tập trung vào bước 2.0 - quy trình hoá, từ bước thứ 3 chắc chắn sẽ là “turning point” - điểm thay đổi, ông Hoà khẳng định.

Tại Việt Nam hiện nay, mỗi doanh nghiệp sẽ có mức độ chuyển đổi số khác nhau. Có doanh nghiệp đang chỉ đang triển khai các quy trình bằng giấy. Với những đơn vị như vậy, chúng tôi tư vấn lộ trình phù hợp, từng bước chuyển đổi và đi lên. Điều này dựa trên mạng lưới đối tác toàn cầu AWS, SAP, Google…., cộng hưởng cùng hệ sinh thái giải pháp Made by FPT để thiết kế giải pháp đáp ứng theo từng nhu cầu, từng lĩnh vực.

Với một số bài toán trọng tâm của ngành bảo hiểm, ông Hoà đưa ra các ví dụ điển hình dựa trên trên kinh nghiệm đồng hành cùng các khách hàng bảo hiểm như Hanwha Life, Shinhan Life, Prudential, FWD, PJICO, Bảo Việt Life, AIA, Cathay Life, Fubon Life…

Trong bối cảnh làn sóng thứ 3, AI sẽ là trung tâm trong các bài toán của ngành Bảo hiểm. Tất cả nghiệp vụ quan trọng của ngành Bảo hiểm như thẩm định, giám định underwriting, phê duyệt bảo hiểm, phòng ngừa và phát hiện gian lận bảo hiểm… đều có thể ứng dụng robot, AI. Điều này làm thay đổi cách thức vận hành kinh doanh của công ty bảo hiểm.

FPT cam kết song hành kiến tạo văn hoá Bảo hiểm lành mạnh, hạnh phúc.

Đơn cử với nghiệp vụ TPA (dịch vụ hỗ trợ bồi thường thông qua bên thứ 3), cả thị trường chỉ có 1-2 nhà TPA. Quá trình xử lý khối lượng hồ sơ thủ công, dẫn đến nhiều sai sót, nhiều lạm dụng bảo hiểm với hình thức tinh vi phức tạp. Giải pháp AZINSU được FPT nghiên cứu phát triển dựa trên quá trình hơn 25 năm làm trong ngành Y tế, giúp tiết kiệm 50% nguồn lực, 30% thời gian và giảm thiểu tối đa gian lận.

Trước đây một bệnh nhân đến bệnh viện khám chữa bệnh, mang hồ sơ yêu cầu bồi thường về đưa cho công ty có thể chờ đợi lâu, xảy ra sai sót, gian lận, thì nay hệ thống có thể kết nối chuyển thẳng từ bệnh viện sang công ty bảo hiểm với hàng trăm kịch bản đã được thiết kế sẵn.

Ông Hoà cũng giới thiệu các giải pháp như tự động hóa akaBot - giải pháp có chất lượng tương đương với sản phẩm Top-Tier thế giới về tự động hóa quy trình nghiệp vụ bằng robot RPA. Tại Việt Nam, akaBot đã được ứng dụng ở nhiều công ty bảo hiểm hàng đầu để tự động hóa các quy trình trong phòng Tài chính - Kế toán và CNTT, giúp tiết kiệm 80% thời gian xử lý quy trình, thắt chặt quản trị rủi ro, phòng ngừa 100% sai sót trong đối soát và phân quyền. Giải pháp FPT Confido về thẩm định, giám định tự động bằng AI dựa trên cơ chế học máy từ dữ liệu thẩm định lịch sử; giải pháp Trợ lý ảo FPT.AI giúp thay thế con người thực hiện các nghiệp vụ chăm sóc, nhắc lịch, thu thập insight khách hàng…

Với tư duy kiến tạo hệ sinh thái, FPT mong muốn và đề xuất song hành cùng các doanh nghiệp xây dựng văn hoá bảo hiểm hiện đại, lành mạnh như các quốc gia lớn. Đơn cử như cách người Nhật chi trả trung bình 400 USD/tháng cho bảo hiểm nhờ các dịch vụ chăm sóc, trải nghiệm tốt từ công ty bảo hiểm. “Chúng tôi hiện đang sở hữu hệ sinh thái hơn 1 triệu người, đồng thời các hệ thống về dịch vụ về internet, nhà thuốc… tại FPT có thể tiếp cận, phục vụ tới hơn 40-50 triệu người dùng khác. Đây chính là tập khách hàng xứng đáng để chúng ta cùng nhau khai thác, xây dựng văn hoá bảo hiểm an toàn - lành mạnh và hạnh phúc”, chủ tịch FPT IS cam kết.

Tại triển lãm công nghệ, FPT cùng đối tác Peak 3 trình diễn hệ sinh thái giải pháp “Co-create the Next in Insurance”, đồng hành cùng doanh nghiệp bảo hiểm tận dụng sức mạnh công nghệ, kiến tạo “The Next” trong vận hành và kinh doanh: (1) Next-level experience powered by AI; (2) Next-gen Infrastructure and Security; (3) Next Insurtech Hub; (4) Next Intelligent ecosystem; (5) Next-gen Insurance Cloud Platform.

Triển lãm công nghệ Co-create the Next in Insurance của FPT.

Các sản phẩm dịch vụ nổi bật trình diễn tại sự kiện thu hút sự quan tâm lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm như: Bộ giải pháp quản lý nghiệp vụ bảo hiểm AZINSU; Bộ giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh bảo hiểm FPT.InsuranceX; Hệ thống core bảo hiểm trên Cloud của Peak3; Nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI; Bộ giải pháp trải nghiệm khách hàng FPT CX Suite; Bộ giải pháp Văn phòng số (FPT.eInvoice, FPT.Contract, FPT Spro, akaBot) và hạ tầng Cloud…

* Doanh nghiệp tìm hiểu thêm về hệ sinh thái giải pháp công nghệ toàn diện trong ngành Bảo hiểm tại đây: https://fpt-is.com/bao-hiem/

Theo VnEconomy

https://vneconomy.vn/fpt-kien-nghi-ung-dung-ai-trong-nganh-bao-hiem-truoc-lan-song-cong-nghe-thu-3.htm