Friendster tiến vào thị trường mạng xã hội Việt

07:31, 20/05/2008

Phiên bản tiếng Việt của mạng xã hội lớn thứ ba thế giới Friendster đã được thừ nghiệm trên website Friendster, đánh dấu bước chân đầu tiên của "gã khổng lồ" này vào thị trường mạng xã hội Việt Nam. So với MySpace và Facebook, Friendster chiếm ưu thế hơn tại thị trường mạng xã hội châu á với 50 trên tổng số 68 triệu tài khoản thành viên, khoảng 34 triệu lượt người truy cập hằng tháng. Theo số liệu thống kê gần đây nhất của hãng comScore (tháng 3-2008), mạng xã hội Friendster lớn thứ 3 về số lượt truy cập.
Giao diện Friendster tiếng Việt.
Ông David Jones, phó chủ tịch marketing toàn cầu của Friendster, nhận định: "Thị trường Internet tại Việt Nam đang bùng nổ nhanh chóng, hơn hẳn các quốc gia khác trong khu vực. Giới trẻ ở Việt Nam rất năng động và số lượng người dùng Internet thực sự gây ấn tượng, đạt 18 triệu, nên việc Friendster có phiên bản tiếng Việt chỉ là điều sớm muộn". Như MySpace và Facebook, Friendster cũng sở hữu nền tảng mở qua chương trình Friendster Developer Program, cho phép các lập trình viên các hãng thứ ba có thể tự do phát triển các ứng dụng, module nhúng, phục vụ cho các thành viên Friendster theo nhiều lĩnh vực khác nhau như: âm nhạc, video, kinh doanh, quảng cáo... miễn phí lẫn có phí. Hiện tại Friendster hỗ trợ 8 ngôn ngữ gồm: Anh, Việt, Indonesia, Trung Quốc phồn thể, Trung Quốc giản thể, Nhật, Hàn Quốc và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, khác với mạng khác, Friendster giữ nguyên hệ thống website, chỉ thay đổi ngôn ngữ trên giao diện thay vì tạo ra các phân vùng hay phiên bản khác nhau theo từng ngôn ngữ. Friendster tiếng Việt cho người Việt Khi truy cập vào Friendster.com, nếu đang sử dụng các IP Việt Nam hoặc người Việt truy cập từ các nước khác đều có thể chọn lựa ngôn ngữ tiếng Việt làm mặc định dễ dàng theo vị trí trên cùng bên tay phải. Hiện tại, phần giao diện và các chức năng Friendster đã được Việt hóa hơn 80%. Người dùng không thể dùng tiếng Anh đã có thể đăng ký và sử dụng Friendster dễ dàng cùng bạn bè trên thế giới.
Số liệu thống kê về các mạng xã hội toàn cầu (Theo comScore tháng 3-2008)
Việc ra mắt ngôn ngữ tiếng Việt của Friendster sẽ khuấy động thêm cuộc chiến mạng xã hội Việt tại Việt Nam, nhất là vào thời điểm Yahoo vừa thừ nghiệm Yahoo! 360 Plus. Các mạng xã hội Việt Nam khác đang rục rịch chuyển mình để bắt kịp nhịp độ phát triển chung như YoBanBe, VietFace, CyVee, CyWorld... có thể phải đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt hơn. Thanh Trực (Tuổi Trẻ Online)
TIN LIÊN QUAN