Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị
Theo báo của Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ TT&TT), thực hiện Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ về thông tin và truyền thông trong CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (Nội dung số 08, thành phần thứ 2 của Chương trình) về tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở, Bộ TT&TT đã thiết lập mới trên 2.000 đài truyền thanh cấp xã; nâng cấp trên 3.200 đài truyền thanh cấp xã; nâng cấp trên 300 đài phát thanh, truyền hình cấp huyện và trạm phát lại phát thanh truyền hình; thiết lập mới trên 4.500 trạm truyền thanh thôn, bản thuộc xã khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo xa trung tâm xã. Đến năm 2020, có 95% số xã đạt chuẩn các nội dung khác của tiêu chí số 8 về Thông tin - Truyền thông
Đồng thời, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư số 05/2017/TT-BTTTT hướng dẫn thực hiện nội dung “Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở” thuộc CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Chủ động đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1600/QĐ-TTg, cho phép sử dụng nguồn kinh phí ngân sách cấp cho Chương trình để thực hiện các nhiệm vụ của ngành TT&TT và đã được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Bộ TT&TT đã phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai nội dung “Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở” cho 63 Sở TT&TT. Bộ đã chỉ đạo xuất bản 02 cuốn tài liệu "Hệ thống văn bản quản lý CTMTQG giai đoạn 2016-2020 phục vụ công tác quản lý" để phổ biến, áp dụng trong toàn ngành TT&TT. Bộ đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, Hội Nhà báo Việt Nam phát động Cuộc thi báo chí viết về xây dựng Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; chỉ đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tích cực tham gia cuộc thi, tăng cường thông tin, tuyên truyền về cuộc thi; tập huấn cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền về Chương trình. Bộ cũng đã tham gia tổ chức thông tin, tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới trên báo in, xuất bản phẩm với tổng số gần 2.000 tác phẩm (các thể loại báo chí) và xuất bản 05 đầu sách tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới để phát hành đến các xã trên toàn quốc…
Toàn cảnh Hội nghị
Đối với dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Bộ TT&TT đã tổ chức tập huấn; ban hành các văn bản hướng dẫn, điều hành thực hiện Dự án hằng năm cho các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin” thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông tại cơ sở; ưu tiên cho cán bộ cấp xã và cấp thôn, bản; Hỗ trợ sản xuất, biên tập, phát sóng, phát hành, truyền tải, lưu trữ, quảng bá, phục vụ người đọc các sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, xuất bản phẩm và các sản phẩm thông tin khác để phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ biến các kinh nghiệm, gương điển hình và các thông tin thiết yếu khác; Hỗ trợ phương tiện nghe, xem cho các hộ nghèo sống tại các đảo xa bờ; hộ nghèo thuộc các dân tộc ít người; hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn; Xây dựng nội dung chương trình cổ động cho các đội thông tin cơ sở; Hỗ trợ thiết lập cụm thông tin cơ sở tại các khu vực cửa khẩu, biên giới, trung tâm giao thương…
Cũng trong giai đoạn 2016-2020, Bộ TT&TT đã chỉ đạo sản xuất và phát sóng 100 chương trình truyền hình, 104 chương trình phát thanh; Sản xuất và đăng tải 5.222 tin, ảnh, 3.827 bài và 1.025 video phóng sự chính luận; Xuất bản và phát hành 08 cuốn sách với số lượng phát hành là 105.084 cuốn và 18 ấn phẩm truyền thông với số lượng phát hành là 111.500 ấn phẩm với các chủ đề, thể loại phù hợp với nội dung, mục tiêu của Dự án “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin”, nhằm tuyên truyền về mục tiêu giảm nghèo bền vững đến người dân nghèo sinh sống ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Đồng thời, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ LĐTBXH, Hội Nhà báo Việt Nam phát động được 04 Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Riêng năm 2020, Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ LĐTBXH và các cơ quan liên quan tổ chức Gala Tổng kết trao giải “Cuộc thi các tác phẩm báo chí viết về công tác giảm nghèo” giai đoạn 2016-2020, dự kiến truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam…
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đã hỗ trợ 9.694 tivi và 4.058 radio cho các hộ nghèo đạt 137,5% so với mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1722/QĐ-TTg (mục tiêu hỗ trợ phương tiện nghe xem cho khoảng 10.000 hộ nghèo đến hết năm 2020); Trang bị phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin cổ động cho 234 huyện; Xây dựng, nâng cấp 582 điểm thông tin, tuyên truyền cổ động ngoài trời ở 356 xã nghèo… Các địa phương đã mở 350 lớp tập huấn cho 26.000 lượt cán bộ tuyên truyền viên; sản xuất 2.850 chương trình phát thanh, 281 chương trình truyền hình; xuất bản 5.025 chuyên san, in 460.000 tờ rơi, tờ gấp; xuất bản 42.745 cuốn sách chuyên đề; tổ chức 76 buổi tọa đàm, 798 cuộc đối thoại chính sách với trên 71.000 lượt người...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, CTMTQG xây dựng nông thôn mới và dự ánh truyền thông giảm nghòe về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 còn tồn tại những hạn chế như: Khối lượng thực hiện của dự án còn rất khiêm tốn; việc triển khai có lúc, có nơi còn chập; vốn đối ứng của địa phương còn ít; thông tin phục vụ điều hành dự án không kịp thời; việc lồng ghép thực hiện với các chương trình, đề án, dự án khác còn hạn chế…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết, CTMTQG giai đoạn 2021-2025 sẽ gặp khó khăn về kinh phí, do vậy các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương cần phải lựa chọn kỹ các chương trình, dự án thuộc CTMTQG để đầu tư sao cho hiệu quả, thiết thực.
Hiện các Sở TT&TT đã quan tâm đến các chương trình, dự án thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững và CTMTQG xây dựng nông thôn mới, các Sở cần bắt đầu thực hiện chuyển đổi số gắn với việc thực hiện các CTMTQG trong giai đoạn mới. Trong giai đoạn mới phải thay đổi nhận thức, triển khai đạt hiệu quả. Về chủ trì 2 chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên là Bộ NNPTNT, Bộ LĐTBXH cần thống nhất nội dung đề xuất, ưu tiên bố trí vốn Trung ương và địa phương để thực hiện chương trình, Thứ trưởng đề nghị.
Các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên bố trí vốn thực hiện nhiệm vụ của ngành TT&TT. Bộ TT&TT sẽ hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội, các dự án thành phần triển khai hiệu quả. Sở TT&TT cần hoàn thành các nhiệm vụ còn lại, đánh giá chương trình tại đơn vị mình và đề xuất các việc tiếp theo.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ TT&TT có liên quan đến chương trình khẩn trương hoàn thiện các nhiệm vụ còn lại; hoàn thiện đề xuất các tiêu chí, nội dung, cách làm cho giai đoạn mới. Hướng dẫn cách làm cho các Sở TT&TT để chuẩn hóa cách làm, đặc biệt ưu tiên các địa phương miền núi gặp nhiều khó khăn.../.