Giải pháp nào thúc đẩy giáo dục STEM?
Thúc đẩy giáo dục các khối ngành KHCN, kỹ thuật, toán học (STEM) là giải pháp được lưu ý để phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghệ cao.
Khuyến khích đầu tư vào giáo dục STEM
Theo ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong kỷ nguyên số, khi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và phát triển nhanh chóng.
Trong bối cảnh đó, xây dựng thế hệ nhân lực Việt Nam sẵn sàng cho tương lai, được trang bị tư duy đổi mới, kỹ năng công nghệ và khả năng thích nghi với nền kinh tế số là điều quan trọng. Chính vì vậy, thúc đẩy giáo dục các khối ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM) được các quốc gia, trong đó có Việt Nam coi là một trong các giải pháp để nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.
Sinh viên Trường Đại học Việt Đức. Ảnh minh họa: NTCC
Đồng quan điểm, GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành công nghệ cao là nhiệm vụ thiết yếu, quyết định sự thành bại trong công cuộc xây dựng đất nước.
Một trong những thành tố trung tâm trong quá trình này là giáo dục, đặc biệt giáo dục đại học. Các giải pháp lấy giáo dục làm trọng tâm gồm: Cải thiện hệ thống giáo dục và đào tạo, tăng cường liên kết Nhà nước - doanh nghiệp - cơ sở giáo dục, chính sách cho nhân tài, phát triển các chương trình đào tạo tinh hoa, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo...
Theo GS.TS Chử Đức Trình, sự phát triển của các quốc gia, vùng lãnh thổ, doanh nghiệp, tập đoàn lớn về lĩnh vực công nghệ cao đã mang đến cho Việt Nam những bài học kinh nghiệm thực tiễn quý báu để vận dụng vào điều kiện thực tiễn đất nước.
Sự liên kết chặt chẽ giữa trường đại học và ngành công nghiệp giúp sinh viên có cơ hội thực tập và làm việc trong các công ty công nghệ lớn, tạo ra lực lượng lao động chất lượng cao vượt trội. Ngoài ra, các chính sách khuyến khích đầu tư vào giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) cũng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Những năm gần đây, ngành công nghệ cao tại Việt Nam tăng trưởng vượt bậc, với sự phát triển của các ngành như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu và điện tử viễn thông... Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích đầu tư và phát triển công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho sự gia tăng nhu cầu về nhân lực trong các lĩnh vực này.
Triển lãm Công nghệ Chip bán dẫn của Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NTCC
Hình thành mạng lưới
GS.TS Chử Đức Trình viện dẫn, theo báo cáo từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam thiếu hụt một lượng lớn nhân lực có kỹ năng cao, đặc biệt trong lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu và công nghệ sinh học. Sự thiếu hụt này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm chất lượng đào tạo chưa đồng đều, thiếu các chương trình đào tạo chuyên sâu và chảy máu chất xám khi nhiều nhân tài lựa chọn làm việc tại các quốc gia phát triển hơn.
Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành công nghệ cao tại Việt Nam còn hạn chế. Nhiều sinh viên tốt nghiệp thiếu kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ hiện đại. Các chương trình đào tạo tại các trường đại học thường chưa được cập nhật kịp theo xu hướng công nghệ mới nhất, dẫn đến khoảng cách không nhỏ giữa kiến thức hàn lâm và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
“Từ những phân tích trên có thể thấy giải pháp chung cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghệ cao có gốc rễ từ giáo dục và đào tạo ở tất cả bậc học, đặc biệt giáo dục đại học”, GS.TS Chử Đức Trình nhấn mạnh.
Tại Tọa đàm “Đào tạo nhân lực chất lượng cao: Xung lực từ Nghị quyết 57”, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay, quy mô tuyển sinh năm 2024 có khoảng hơn 180.000 sinh viên theo học các ngành liên quan STEM. Đây là những ngành then chốt trong phát triển nhân lực khoa học và công nghệ.
Bộ GD&ĐT khuyến khích các cơ sở đào tạo không ngừng học hỏi để liên minh với nhau, từ đó có thể hình thành mạng lưới cùng đào tạo STEM. Trong đó, góp phần khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước thông qua các liên minh, liên kết, phối hợp công tác đào tạo trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, tận dụng mọi nguồn lực có thể đồng hành, trước mắt trong liên minh đào tạo về vi mạch bán dẫn.
“Các cơ sở đào tạo đã và đang nỗ lực, đầu tư tăng cường chất lượng để tạo ra sản phẩm đầu ra, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, mong muốn của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động”, ông Nguyễn Anh Dũng ghi nhận, đồng thời mong muốn các doanh nghiệp, nhà trường đồng hành trong quá trình đào tạo.
Đứng trên phương diện doanh nghiệp, ông Ian Crichton - Tổng Giám đốc điều hành của Tập đoàn Giáo dục Study Group nhận thấy, thị trường lao động luôn thay đổi và tới đây có thể sẽ trải qua chuyển đổi lớn.
“Nếu nói về việc làm dành cho những người đang học đại học thì các lĩnh vực tăng trưởng lớn nhất nằm trong STEM - chủ yếu liên quan đến công nghệ, sự phát triển của sản xuất và chăm sóc sức khỏe”, ông Ian Crichton nhận định và nghĩ đến điểm khác biệt lớn nhất hiện nay là tăng cường tương tác với người bên ngoài quốc gia. Điều này ngày càng trở nên quan trọng hơn, có thể do họ đến từ nước ngoài, hoặc chúng ta cần ra nước ngoài để kết nối với họ.
Vì vậy, ông Ian Crichton cho rằng, dù nhiều công việc vẫn giữ nguyên về bản chất nhưng kỳ vọng đối với những công việc đó đã thay đổi. Chỉ tập trung vào nội bộ không còn đủ, mà cần mở rộng ra phạm vi toàn cầu. Con người cần sự kết nối và trong bối cảnh hiện nay, việc kết nối trên phạm vi toàn cầu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta không thể chỉ sống và phát triển trong giới hạn nhỏ hẹp của một quốc gia, mà phải mở rộng ra thế giới để thích nghi và tiến xa hơn.
“Kỳ vọng công việc hiện nay có thay đổi, ngay cả khi không phải là những công việc thuộc khối STEM. Giờ đây, người lao động phải biết sử dụng công nghệ, họp trực tuyến qua video, sắp xếp lịch làm việc sao cho có thể chia sẻ với người khác, biết tận dụng Internet và hiểu được tầm quan trọng của dữ liệu. Vì vậy, dù tên công việc có thể như cũ, nhưng yêu cầu thực tế để làm thì rất khác so với trước đây”, ông Ian Crichton lưu ý. |