Giám đốc FBI yêu cầu truy cập dữ liệu cá nhân của người dùng trên điện thoại
Giám đốc FBI, James Comey cho biết FBI đang yêu cầu có những quy định pháp luật cho phép các cơ quan thực thi pháp luật tiếp cận thông tin cá nhân người dùng trên điện thoại một cách công khai và minh bạch.
Giám đốc FBI James Comey tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Quốc gia ngày 19/9/2014 tại Washington, DC
“Thông tin trên điện thoại bị mã hóa là một rào cản gây khó khăn trong việc Chính phủ liên bang ngăn chặn những kẻ khủng bố và quấy rối trẻ em, trừ khi chính phủ đưa ra những tiếp cận đặc biệt đối với dạng thông tin này” – Đây là phát biểu của Giám đốc Văn phòng Liên bang Điều tra James Comey tại Washington ngày thứ Năm vừa qua.
Ông Comey cho rằng, cả giao tiếp thời gian thực và việc lưu trữ dữ liệu đều ngày càng được mã hóa chặt chẽ, xu hướng cung cấp dịch vụ giúp mã hóa dữ liệu khách hàng đồng thời đã ngăn chặn chính phủ hợp pháp theo dõi tội phạm. "Tư pháp có thể bị từ chối, vì điện thoại bị khóa hoặc một ổ cứng được mã hóa," Comey cho biết trong bài chuẩn bị phát biểu của ông tại Viện Brookings. Ông giải thích rằng trong khi Đạo luật hỗ trợ truyền thông cho thực thi pháp luật (Calea) từ năm 1994 đều yêu cầu bắt buộc các công ty điện thoại xây dựng backdoors nghe lén điện thoại vào thiết bị của họ, tuy nhiên hiện nay không có luật nào buộc các công ty truyền thông mới làm như vậy. Tuy nhiên, ông không đề cập đến việc Đạo luật Calea đã được mở rộng tới các lĩnh vực bao gồm hệ thông Internet băng thông rộng và VoIP như ứng dụng Skype vào năm 2004.
Ông Comey gọi việc mặc định mã hóa thông tin trên hệ điều hành iOS 8 của Apple và tùy chọn mã hóa dữ liệu trên Android sẽ trở thành lựa chọn mặc định chứ không phải tùy chọn nữa của hệ điều hành Android 5.0 với tên mã Lollipop sẽ phát hành vào tháng tới sẽ là yếu tố tiếp tục cản trở việc các cơ quan chức năng thực thi pháp luật thu thập chứng cứ chống lại những kẻ tình nghi. Ông tuyên bố FBI không tìm kiếm một giải pháp “cửa sau” nữa, mà cần có những điều luật cho phép các cơ quan thực thi pháp luật tiếp cận thông tin cá nhân người dùng trên điện thoại một cách công khai và minh bạch, có quy định hướng dẫn rõ ràng của pháp luật, trong đó có lệnh của tòa án.
Sau vụ bê bối do Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) tiết lộ những thông tin về nhiều chương trình theo dõi bí mất, bao gồm chương trình siêu dữ liệu nghe lén điện thoại của Mỹ và Châu Âu, âm thầm thu thập dữ liệu người dùng điện thoại và Internet. Những gã khổng lồ công nghệ như Apple, Google, Yahoo, Microsoft và Facebook đều lên phương án bảo vệ dữ liệu người dùng do bên họ kiểm soát chặt chẽ hơn bằng những giao thức mã hóa tinh vi hơn. Chính điều này đã khiến FBI phải lên tiếng.
Cuộc chiến giữa việc bảo vệ thông tin người dùng của các công ty công nghệ lớn và chính phủ Mỹ không phải mới diễn ra lần đầu tiên. Từ những năm 1990, “cuộc chiến mã hóa” này đã diễn ra và những người ủng hộ sự bảo mật thông tin trên Internet đã đấu tranh buộc chính phủ Mỹ bãi bỏ luật coi mật mã là vũ khí.
Ông Comey thừa nhận rằng "kẻ xấu sẽ khai thác bất kỳ lỗ hổng nào họ thấy", nhưng những người khai thác sẽ có những phương án ngăn chặn được điều đó bằng cách "phát triển các giải pháp đánh chặn trong giai đoạn thiết kế," ông nói. Còn nhiều tranh cãi xung quanh yêu cầu của đại diện FBI đưa ra, tuy nhiên Google từ chối đưa ra bình luận cụ thể về báo cáo của Comey, nhưng hãng này tái khẳng định sẽ hỗ trợ cho mã hóa. "Mọi người trước đây sử dụng các bước xác thực kết hợp để giữ cho thông tin của họ an toàn. Bây giờ họ sử dụng mã hóa. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã làm việc chăm chỉ để cung cấp các giải pháp tăng cường bảo mật cho người dùng của chúng tôi," một phát ngôn viên của Google cho biết. Còn một gã khổng lồ về mã hóa thông tin người dùng khác là Apple đã không đưa ra yêu cầu bình luận cụ thể nào.
Hải An (Theo CNET)