Giảm phí dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, xã hội nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, ngành ngân hàng đã kêu gọi các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí, giảm lương giảm thưởng để giảm lãi, giảm phí, cơ cấu nợ tạm chưa thu lãi,... cho khách hàng. Riêng về việc miễn, giảm phí, hơn 1.000 tỷ đồng là con số ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các TCTD đã miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020.
Ngân hàng SeABank liên tục giảm phí dịch vụ.
Ngân hàng đồng loạt miễn, giảm phí
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Ðào Minh Tú cho biết, bên cạnh giảm lãi suất, bốn ngân hàng thương mại nhà nước cũng cam kết sẽ giảm tất cả các loại phí dịch vụ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh đang thực hiện giãn cách hiện nay.
Từ ngày 1/8 đến hết 31/12/2021, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thực hiện giảm hàng loạt các loại phí dịch vụ trên toàn bộ các kênh: Quầy giao dịch, ATM, Ngân hàng số VCB Digibank, VCB_iB@nking và VCB Money cho tất cả các đối tượng khách hàng. Cụ thể, đối với khách hàng cá nhân, giảm đến 80% phí chuyển tiền trong cùng hệ thống và 25% phí chuyển tiền ngoài hệ thống Vietcombank; giảm đến 33% phí các Gói tài khoản, áp dụng cho các Gói tài khoản VCB Eco và VCB Plus; giảm 17% phí rút tiền mặt tại ATM ngoài hệ thống Vietcombank;... "Như vậy, trong năm 2021, Vietcombank đã và sẽ giảm hàng trăm tỷ đồng tiền phí cho các khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên khắp cả nước" - đại diện lãnh đạo Vietcombank cho biết.
Trong khi đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã thực hiện nhiều chương trình miễn, giảm các loại phí dịch vụ cho khách hàng. Cụ thể, từ ngày 17/5/2021, Agribank miễn phí chuyển tiền trong nước đối với khách hàng cá nhân và tổ chức có tài khoản thanh toán tại Agribank. Từ ngày 5/8 đến hết ngày 31/12/2021, chủ thẻ nội địa Agribank sẽ được giảm 5% phí rút tiền tại ATM của ngân hàng khác trong lãnh thổ Việt Nam, mức phí cụ thể là 2.850 đồng/giao dịch (chưa bao gồm VAT). Ðồng thời, Agribank cũng áp dụng chính sách miễn phí với các giao dịch chuyển tiền đến ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 với tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước, Agribank, các ngân hàng thương mại khác và các tài khoản của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp mở tại địa phương.
Ðến nay, nhiều TCTD khác cũng đã thực hiện miễn phí chuyển khoản cho khách hàng thực hiện giao dịch trực tuyến như Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Ðông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank),... NHNN mới đây cũng đã chỉ đạo Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) tiếp tục triển khai chính sách giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử năm 2021 nhằm hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Và NAPAS đã giảm từ 50 đến 75% phí dịch vụ chuyển mạch và bù trừ so với mức phí hiện hành, áp dụng từ ngày 1/8 đến cuối năm 2021.
San sẻ "gánh nặng" phí
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), hiện tất cả các thành viên của VNBA đã miễn, giảm phí thanh toán cho khách hàng, nhiều loại phí giảm tới 75 đến 100%. Nhưng đến thời điểm này, phí đầu vào các TCTD phải trả cho các nhà mạng viễn thông khi sử dụng dịch vụ SMS trên điện thoại vẫn không được giảm, dù đã qua nhiều lần kiến nghị. Nhất là kể từ khi bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng giao dịch qua các kênh điện tử tại các TCTD liên tục tăng cao và lượng tin nhắn ngân hàng gửi cho khách hàng qua dịch vụ SMS cũng tăng tương ứng.
TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA cho biết, ngày 9/8 vừa qua, lần thứ tư kể từ năm 2020 đến nay, VNBA đã phải tiếp tục gửi công văn tới Bộ Thông tin và Truyền thông, đề nghị Bộ chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông giảm mức giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng. "Tính sơ bộ, một TCTD cỡ nhỏ cũng phải trả cước phí cho 15-20 triệu tin nhắn/tháng, còn các TCTD tầm trung trở lên là 50-80 triệu tin nhắn/tháng. Hiện tại, số lượng các TCTD đang hoạt động tại Việt Nam, bao gồm cả các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có đến cả trăm. Như vậy, số lượng tin nhắn hằng tháng từ các TCTD là rất lớn. Ước tính chi phí viễn thông cả hệ thống các TCTD phải trả cho các nhà mạng lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng" - TS Nguyễn Quốc Hùng dẫn giải. Trong đó mỗi năm, chỉ riêng bốn ngân hàng thương mại Nhà nước đã phải chi trả hơn 1.300 tỷ đồng cho phí SMS.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, FPT, Vietnamobile, SCTV mới đây đã công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10 nghìn tỷ đồng, được triển khai từ ngày 5/8/2021 và kéo dài trong ba tháng. Vì vậy, các TCTD mong muốn các doanh nghiệp viễn thông sẽ giảm cước tin nhắn, đồng hành cùng ngân hàng trong việc giảm phí để hỗ trợ khách hàng.
Cũng theo VNBA, hiện nay, các TCTD đang phản ánh rất nhiều về việc các nhà mạng thu phí cước tin nhắn dịch vụ ngân hàng với các mức khác nhau mà không giải thích rõ việc tính cước phí như thế nào, chỉ nêu lý do vì dịch vụ ngân hàng mang tính bảo mật. Tuy nhiên, thực tế xuất hiện nhiều vụ việc lừa đảo qua tin nhắn gửi từ nhà mạng song nhà mạng không chịu trách nhiệm, không giải thích rõ tại sao có thể lợi dụng để lừa đảo. Ðiều này đã làm ảnh hưởng đến thương hiệu của các TCTD. "Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên bị phương hại nên cần phải làm cho rõ. Trước mắt, chúng tôi gửi văn bản tới cơ quan quản lý, sau đó sẽ gửi các cơ quan chức năng để xem xét một cách khách quan" - Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng nêu rõ.
Ðại dịch Covid-19 đã tác động đến tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Cùng với các bộ, ngành, đơn vị, toàn ngành ngân hàng thời gian qua cũng đã rất quyết liệt trong triển khai và thực hiện các giải pháp để hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có việc miễn, giảm phí. "Bên cạnh việc chịu phí của các nhà mạng, các ngân hàng còn phải chịu chi phí của các tổ chức thẻ quốc tế như Visa, MasterCard. Do vậy, việc chia sẻ khó khăn thông qua giảm cước tin nhắn cho các ngân hàng là kiến nghị hợp lý từ phía VNBA, để ngân hàng có thể bớt thêm một phần chi phí, từ đó gia tăng thêm nguồn lực hỗ trợ các khách hàng và nền kinh tế vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra" - một chuyên gia kinh tế nêu quan điểm.
Theo/nhandan.vn