Giao dịch trực tuyến tăng trưởng, thách thức an toàn bảo mật

14:24, 29/05/2024

Sự phát triển một cách nhanh chóng của công nghệ, kèm với đó là số lượng giao dịch trực tuyến ngày càng gia tăng đã vô tình tạo ra những cơ hội mới cho những cuộc tấn công tội phạm mạng. An toàn bảo mật đang là thách thức lớn với các nhà cung cấp, đặc biệt là các ngân hàng để đảm bảo an toàn cho người dùng.

Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ

Thông tin từ Vụ Thanh toán (NHNN), số lượng giao dịch thanh toán qua kênh Internet và Mobile bình quân giai đoạn 2021-2023 lần lượt tăng trưởng ở mức 52% và 103,3%; tăng trưởng về số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR Code đạt hơn 170%.

Ngoài ra, đến hết 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và có 87,08% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán. Về mở tài khoản qua phương thức eKYC, 40 ngân hàng báo cáo đã triển khai chính thức với gần 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động…

Số liệu 4 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 cho thấy, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt có mức tăng trưởng khá: tăng 57,11% về số lượng và 39,49% về giá trị; qua kênh Internet tăng 47,48% về số lượng và 30,20% về giá trị; qua kênh điện thoại di động đạt tăng 59,26% về số lượng và 35,91% về giá trị.

Giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 14,15% về số lượng và giảm 7,84% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toàn không dùng tiền mặt.

Tại sự kiện “Ngày chuyển đổi số” ngành ngân hàng năm 2024 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 8/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, cả nước có hơn 87% người trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số.

Hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830.000 tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20 - 25 triệu giao dịch/ngày. Các công nghệ số mới, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 cũng được ứng dụng mạnh mẽ để phục vụ nhu cầu phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân, doanh nghiệp.

Thách thức bảo mật thanh toán trực tuyến

Mặc dù, chuyển đổi số ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ nhưng theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.

Cụ thể, một số thể chế, chính sách vẫn còn nhiều vướng mắc; hạ tầng số, nền tảng số còn chưa theo kịp nhu cầu thực tế; công tác bảo đảm an ninh an toàn, bảo mật thông tin chưa ngăn chặn được các mã độc tống tiền; các doanh nghiệp tham gia phát triển các công nghệ mới (Fintech) còn hạn chế; còn thiếu hụt nhân lực trình độ cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin…

Mới đây, chia sẻ tại buổi họp báo về “Chương trình Ngày không tiền mặt - 16/6” năm 202, Vụ phó Vụ Thanh toán (NHNN) Lê Anh Dũng cho biết về đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho hoạt động thanh toán: NHNN đã thường xuyên có các văn bản chỉ đạo toàn ngành về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán, trong đó yêu cầu các TCTD, tổ chức trung gian thanh toán rà soát quy trình, quy định nội bộ; ưu tiên áp dụng mở tài khoản thanh toán/Ví điện tử bằng phương tiện điện tử (eKYC) đối với khách hàng sử dụng CCCD gắn chip; tăng cường công tác quản lý rủi ro, thực hiện hậu kiểm 100% đối với các tài khoản/Ví điện tử mở bằng eKYC…

Ngoài ra, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức kiểm tra về an toàn hệ thống thông tin và hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại nhiều TCTD, TGTT (trung gian thanh toán). NHNN cũng thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trong ngành ngân hàng làm tốt công tác truyền thông để nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, phòng chống lừa đảo, gian lận thanh toán cho toàn thể cán bộ ngành ngân hàng và khách hàng.

Cuối cùng, ngành ngân hàng đã và đang tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06/QĐ-TTg ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ cho công tác làm sạch dữ liệu, xác minh thông tin khách hàng thông qua Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, tài khoản VneID và hỗ trợ trong việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Đến nay, đã có 60 TCTD đang triển khai ứng dụng thẻ CCCD gắn chip qua thiết bị tại quầy (25 TCTD đã triển khai chính thức); 48 TCTD đang triển khai qua ứng dụng di động (15 TCTD đã triển khai chính thức); 22 TCTD đang triển khai ứng dụng tài khoản VneID…

Xây dựng khuôn khổ pháp lý, truyền thông giáo dục tài chính

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, xu hướng chuyển đổi số ngành ngân hàng trong thời gian tới cần được xem xét, thúc đẩy qua các khía cạnh; đầu tiên cần phải khai thác hiệu quả dữ liệu thông qua thí điểm, xây dựng các quyết định pháp lý liên quan...

Điều này sẽ giúp tạo nên nhiều giá trị cho ngành ngân hàng nói riêng và hoạt động của nền kinh tế nói chung. Nếu không có sự hỗ trợ đầy đủ của dữ liệu, các ứng dụng thực tế, công nghệ của ngành tài chính - ngân hàng sẽ chưa đạt yêu cầu về chuyển đổi số. Đồng thời, NHNN xem xét triển khai một số nội dung liên quan như: AI (trí tuệ nhân tạo) ứng dụng trong dữ liệu, điều hành chính sách tiền tệ; xây dựng hệ thống kết nối online để phục vụ công tác quản lý nhà nước và bảo đảm hoạt động của các tổ chức tín dụng an toàn, hiệu quả…    

Do đó, chuyển đổi số ngành ngân hàng cần nâng cao năng lực quản trị số của NHNN và các cơ quan quản lý tài chính khi đưa ra các quyết sách dựa trên dữ liệu. Đặc biệt, hiện nay tình hình tấn công vào hệ thống cũng như đánh cắp thông tin của người dùng trên các nền tảng trực tuyến ngày càng gia tăng và có chiều hướng phức tạp, nhất là về vấn đề chiếm quyền hệ thống thông tin đe dọa nghiêm trọng đến các ngân hàng và nền kinh tế…

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), khuôn khổ pháp lý, hạ tầng công nghệ, truyền thông giáo dục tài chính là những trụ cột quan trọng tạo nền tảng cho thanh toán không dùng tiền mặt phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội và thành quả là những thách thức về vấn đề an ninh, bảo mật, sự đồng bộ, kết nối hạ tầng kỹ thuật và hành lang pháp lý cho thanh toán không dùng tiền mặt. Do đó, ngành ngân hàng cần tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, cơ quan liên quan đồng bộ các giải pháp để dần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện nay, cơ quan quản lý đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về TTKDTM có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Điểm quan trọng trong đó là mở tài khoản bằng phương thức điện tử (eKYC) phải bằng căn cước công dân gắn chip.

Bên cạnh đó, theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng của NHNN, từ ngày 1/7, 100% các giao dịch chuyển tiền với giá trị trên 10 triệu đồng qua ứng dụng ngân hàng sẽ bắt buộc phải thực hiện xác thực sinh trắc học (khuôn mặt, vân tay).

Được biết, nhận dạng, xác thực qua sinh trắc học là biện pháp tối ưu nhất hiện nay để hạn chế tối đa làm giả và có tính bảo mật rất cao, bảo đảm chính chủ đang thực hiện giao dịch. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã chủ động áp dụng việc xác thực sinh trắc học khi giao dịch trên ứng dụng, bao gồm từ khâu mở tài khoản hay đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng qua số điện thoại đã đăng ký.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với việc mở tài khoản bằng eKYC, ngoài việc tuân thủ các quy định chung về mở, sử dụng tài khoản thanh toán phải có giải pháp, công nghệ để thu thập, kiểm tra, đối chiếu, bảo đảm sự khớp đúng giữa thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học của khách hàng với các thông tin, yếu tố sinh trắc học tương ứng trên giấy tờ tùy thân của khách hàng.

Đồng thời xây dựng quy trình quản lý, kiểm soát, đánh giá rủi ro, trong đó có biện pháp ngăn chặn các hành vi mạo danh, can thiệp, chỉnh sửa, làm sai lệch việc xác minh thông tin nhận biết khách hàng trước, trong và sau khi mở tài khoản thanh toán cho khách hàng.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục áp dụng một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy TTKDTM toàn diện, mạnh mẽ hơn. Trong đó, tăng cường phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong quá trình nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách và thực hiện công tác bảo đảm an toàn, an ninh, phòng chống lừa đảo, gian lận, ngăn ngừa kịp thời các đối tượng tấn công có chủ đích vào hệ thống ngân hàng.

NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động thông tin tuyên truyền và giáo dục tài chính đến người dân, doanh nghiệp có đầy đủ kiến thức, kỹ năng giao dịch cần thiết và yên tâm trải nghiệm, sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, hợp lý thông qua những chương trình truyền thông, giáo dục tài chính.

Theo Tạp chí Thương trường

https://thuongtruong.com.vn/news/giao-dich-truc-tuyen-tang-truong-thach-thuc-an-toan-bao-mat-121885.html