Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu: Tượng đài của trí thức cách mạng Việt Nam
Giáo sư, Viện sĩ (GS, VS) Nguyễn Văn Hiệu vẫn luôn được nhắc tới là một nhân vật tiêu biểu với những đóng góp nổi bật cho sự đổi mới, phát triển của nền khoa học cách mạng Việt Nam. Ông vừa qua đời ở tuổi 84, lúc 11 giờ 52 phút ngày 23/1 do bệnh nặng, tuổi cao.
GS, VS Nguyễn Văn Hiệu vừa qua đời ở tuổi 84.
Nhân Dân điện tử xin trân trọng đăng bài đánh giá về sự nghiệp của ông do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cung cấp.
Đam mê nghiên cứu khoa học
GS, VS Nguyễn Văn Hiệu sinh ngày 21/7/1938 tại Cầu Đơ, nay thuộc phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội, trong một gia đình viên chức nhỏ.
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, GS, VS Nguyễn Văn Hiệu đã kể rằng: “Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, gia đình tôi tản cư về một làng ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Tuy còn bé nhưng vì nhà nghèo nên tôi xin vào làm thợ phụ trong một xưởng dệt kim của một người đồng hương từ làng Cự Đà tản cư vào. Tôi thấy rằng chiếc máy dệt kim có năng suất lao động cao gấp mấy trăm lần năng suất lao động của người đan áo bằng tay, từ đó ước mơ một ngày nào đó, khi kháng chiến thắng lợi hoàn toàn, tôi sẽ xin vào học một trường đại học về kỹ thuật”.
Năm 1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng. “Tôi cùng với gia đình trở về Hà Đông. Khi đó, Chính phủ mới chỉ thành lập tại Hà Nội 3 trường đại học, đó là Trường Đại học Y khoa, Trường Đại học Sư phạm Khoa học và Trường Đại học Sư phạm Văn khoa, chưa có trường đại học về kỹ thuật. Trường Đại học Sư phạm Khoa học có Khoa Toán lý, dạy Toán và Vật lý là chính. Chưa có dịp vào học một trường kỹ thuật, tôi thi vào Khoa Toán Lý Trường Đại học Sư phạm Khoa học và xin học ngành Vật lý, vì Vật lý gần với kỹ thuật nhất”, GS, VS Nguyễn Văn Hiệu cho biết thêm về cơ duyên của ông đến với ngành Vật lý.
Năm 1956, sinh viên Nguyễn Văn Hiệu tốt nghiệp cử nhân Vật lý loại xuất sắc, sau đó trở thành cán bộ trẻ, giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội).
Năm 1957, hai nhà khoa học Trung Quốc là Tsun Dao Lee và Chen Ning Yang đạt được một bước tiến dài về lý thuyết về sự không đối xứng của thế giới vi mô đem lại cho họ một giải Nobel về Vật lý. Chủ đề trên được tranh luận sâu rộng trong nhiều ấn phẩm khoa học của Liên Xô (cũ) vào năm 1958 và được giáo sư Tạ Quang Bửu giới thiệu bài giảng ở Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Giảng viên Nguyễn Văn Hiệu lúc đó 20 tuổi, bị cuốn hút bởi sự hấp dẫn của vấn đề khoa học mới mẻ này. Ông tự trang bị cho mình những kiến thức toán học để đọc và hiểu sâu hơn những cuốn sách của các nhà khoa học.
Năm 1960, ở tuổi 22, ông được cử sang làm việc tại Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna, Liên Xô (cũ). Đây được xem là một trung tâm nghiên cứu vật lý nổi tiếng thế giới lúc bấy giờ. Vào thời kỳ này, vật lý năng lượng cao đang phát triển mạnh theo hướng: Vật lý neutrino và tương tác mạnh giữa các hạt.
GS, VS Nguyễn Văn Hiệu tham dự "Gặp gỡ Việt Nam" tại Quy Nhơn, Bình Định năm 2016.
Ở Dubna, việc nghiên cứu theo cả hai hướng ấy đều được tiến hành rất sôi động. Viện sĩ M. A. Markov và Viện sĩ B. M. Pontencorvo chủ trì hướng neutrino. Còn hướng về lý thuyết giải thích tương tác mạnh do Viện sĩ N. N. Bogolyubov và Giáo sư A.A. Logunov chủ trì. Với sự nỗ lực nghiên cứu, nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Hiệu được sự hướng dẫn trực tiếp của GS Markov và GS Logunov.
Tháng 4/1963, sau hai năm rưỡi ở Dubna với 12 công trình nghiên cứu về vật lý neutrino được công bố, nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Hiệu đã dành ra một số tuần lễ để viết bản luận văn tiến sĩ (lúc đó gọi là phó tiến sĩ) dưới sự hướng dẫn của GS Markov. Ông đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ vào năm 1963.
Đây cũng chính là thời điểm những công trình nghiên cứu của GS Logunov phát triển rất mạnh. TS Nguyễn Văn Hiệu tập trung toàn bộ thời gian, sức lực vào một mảng nghiên cứu mới cùng với giáo sư Logunov: Lý thuyết giải tích tương tác mạnh.
“Công việc của mình là phải thực hiện cụ thể, phải chứng minh, viết nó ra thành công thức, viết nó ra thành công trình, cái đấy mất nhiều thời giờ. Nhưng nhờ khi chuẩn bị tại Việt Nam, tôi đã học rất kỹ những vấn đề toán học, những kiến thức cơ bản nên lúc ấy chỉ cần đem ra dùng thôi, cho nên tôi làm rất nhanh. Và GS Logunov đọc xong thì bảo, cái này đáng làm luận án tiến sĩ lắm, ngồi viết luôn đi”, GS, VS Nguyễn Văn Hiệu đã chia sẻ.
Sau 1 năm, ông hoàn thành luận án tiên sĩ (nay là luận án tiến sĩ khoa học) dưới sự dẫn dắt của GS Logunov tại Dubna. Ông bảo vệ năm luận án tiến sĩ với sự đồng ý tuyệt đối của Hội đồng xét duyệt, vào năm 1964.
Sau bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ khoa học, TS Nguyễn Văn Hiệu bắt tay ngay vào một hướng nghiên cứu mới vừa xuất hiện: Tính chất đối xứng cao, thống nhất sự đối xứng nội tại của các hạt cơ bản với tính đối xứng của không – thời gian. Viện Dubna quyết định thành lập một nhóm nghiên cứu mới và giao cho ông phụ trách. Nhóm gồm các nhà vật lý thuộc nhiều quốc tịch: Liên Xô, Hungari, Rumani và Việt Nam. Viện còn đề nghị ông soạn một loạt bài giảng về lý thuyết mới hình thành đề trình bày với các nhà thực nghiệm. Về sau, các bài giảng đó được viết lại thành sách, dưới nhan đề “Các bài giảng lý thuyết đối xứng unita” và được nhà xuất bản Nguyên tử in ở Moscov.
Năm 1968, khi mới 30 tuổi, TS Nguyễn Văn Hiệu được công nhận chức danh giáo sư vật lý lý thuyết và vật lý toán của Viện Dubna và đại học Lomonosov.
Năm 1969, GS Nguyễn Văn Hiệu trở về Việt Nam. Lúc này, chính phủ đang chủ trương thành lập một số viện nghiên cứu khoa học. Ông được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tin tưởng, trực tiếp giao nhiệm vụ làm Viện trưởng Viện Vật lý (một trong hai viện đầu tiên của Viện Khoa học Việt Nam bấy giờ) và là thành viên của Ủy ban khoa học kỹ thuật Nhà nước. Ông là một viện trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa học Việt Nam.
Nhà quản lý của nền khoa học cách mạng
GS, VS Nguyễn Văn Hiệu trong Hội nghị "Gặp gỡ Việt Nam" tại Hà Nội.
GS Nguyễn Văn Hiệu là Viện trưởng Viện Vật lý đầu tiên, đã cùng những người trí thức đi mở đường cho ngành khoa học cơ bản của Việt Nam. Vượt qua nhiều khó khăn, khi trụ sở Viện Vật lý được xây dựng, Viện đã hân hoan chào đón Thủ tướng Phạm Văn đồng đến thăm. Thủ tướng thấy hoàn cảnh của các anh chị em cán bộ trong viện khó khăn quá nên đã ký lệnh cấp cho mỗi người một chiếc xe đạp để thuận tiện cho công việc. “Bây giờ, mỗi lần nghĩ lại về kỷ niệm ấy, tim tôi vẫn còn thắt lại vì xúc động”, GS VS Nguyễn Văn Hiệu đã từng tâm sự với các học trò của mình như vậy.
Năm 1970, tại hội nghị Vật lý Quốc tế ở Kiev, GS Nguyễn Văn Hiệu đã có một bản báo cáo gây tiếng vang lớn và thu hút được sự chú ý của cử tọa khi ông đề cập những kết quả khám phá của mình cùng với Viện sĩ Logunov. Kết thúc hội nghị, Bogolubov đã nói riêng với anh: “Tớ nghĩ rằng, cậu sẽ có được một giải thưởng Lê-nin. Cậu phải quay lại Liên Xô ngay thêm vài năm nữa để tiếp tục nghiên cứu”.
Nhưng lúc này, đối với GS Nguyễn Văn Hiệu, điều quan trọng hơn cả là công việc của Viện Vật lý đang đòi hỏi sự có mặt của ông. Vì vậy, ông đã ở lại Việt Nam để tổ chức các hoạt động nghiên cứu của Viện. Tuy nhiên, ông vẫn không rời những đề tài nghiên cứu của riêng mình. Song song với việc nghiên cứu lý thuyết đối xứng của các hạt cơ bản, ông đã hợp tác với Logunov (về sau là Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô kiêm Hiệu trưởng đại học Lomonosov) nghiên cứu quá trình sinh nhiều hạt ở vùng năng lượng cao. Tham gia nhóm nghiên cứu Logunov – Nguyễn Văn Hiệu còn có nhiều tiến sĩ khoa học khác. Các kết quả nghiên cứu của nhóm được nhà nước Liên Xô cấp bằng phát minh năm 1981.
Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đầu tháng 5/1975, GS, VS Nguyễn Văn Hiệu được cử làm Đại biểu Quốc hội và được tháp tùng đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đi thị sát các tỉnh phía Nam.
Ngày 4/7/1975, Trung ương Cục miền Nam Việt Nam ra quyết định thành lập Viện Khoa học Kỹ thuật miền Nam trực thuộc Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam và cử GS, VS Nguyễn Văn Hiệu làm Viện trưởng. Với đội ngũ các nhà khoa học rất ít ỏi, ông lại bắt tay vào gây dựng một cơ ngơi mới. Tháng 6/1976, sau ngày cả nước đi bầu Quốc hội lần đầu tiên sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, GS, VS Nguyễn Văn Hiệu trở ra Bắc để đảm nhận chức vụ Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam. Đến năm 1983, ông trở thành Viện trưởng.
Từ năm 1993, ông là Giám đốc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia kiêm Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu. Suốt những năm tháng này, bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về vật lý chất rắn, ông còn có đóng góp đặc biệt trong việc tổ chức đưa cây thanh hao hoa vàng vào trồng đại trà ở miền núi phía bắc, tạo nguồn nguyên liệu sản xuất quy mô công nghiệp thuốc chữa bệnh sốt rét, phục vụ cho người dân ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm 1999, nhận lời mời đặc biệt của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, GS, VS Nguyễn Văn Đạo, người đồng nghiệp đã gắn bó với ông nhiều năm trên quãng đường công tác, ông trở về ngôi nhà chung Đại học Quốc gia Hà Nội - nơi ông đã từng học tập và giảng dạy khi mới bắt đầu sự nghiệp - đảm đương chức vụ Chủ nhiệm Khoa Công nghệ.
Năm 2004, Trường Đại học Công nghệ - một mô hình trường đại học công nghệ hiện đại trong đại học đa ngành, đa lĩnh vực được thành lập, và ông lại là người Hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường này. Suốt những năm qua, tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên của trường vẫn luôn khắc ghi hình ảnh vị giáo sư tóc đã bạc luôn say sưa trong các bài giảng, thân tình cởi mở và thẳng thắn trong đời sống thường nhật với tất cả mọi người.
Là một người gắn bó và trưởng thành cùng với sự phát triển của nền khoa học và giáo dục Việt Nam, GS, VS Nguyễn Văn Hiệu đồng thời là một người quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp giáo dục và việc đào tạo thế hệ trẻ. Không ít người trong ngành giáo dục đã biết đến những đóng góp mang ý nghĩa quan trọng của ông khi ông còn là đại biểu Quốc hội. GS, VS Nguyễn Văn Hiệu là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII, VIII và là đại biểu Quốc hội nhiều khóa.
Ông cũng là một trong những người đi tiên phong trong việc nhìn nhận cần có cải cách tiền lương cho ngành giáo dục. Theo ông, để bảo đảm sự công bằng cho đội ngũ những “người đứng bục” cần có các mức phụ cấp khác nhau cho những từng đối tượng làm công tác giảng dạy: phụ cấp dành cho giảng viên - thạc sĩ phải có sự khác biệt với giảng viên - tiến sĩ hoặc giáo sư.
Gắn bó nhiều năm với giảng đường đại học, ông không ngừng suy nghĩ và trăn trở về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Ông cho rằng: “Chất lượng giảng dạy phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có hai yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất. Yếu tố thứ nhất là người học muốn học và có động cơ học tập chân chính: học để hiểu biết, thành người có tài phục vụ cho xã hội và làm giàu cho bản thân. Yếu tố thứ hai là người thầy. Để học trò đạt được những mơ ước chân chính cần phải có những người thầy hết sức tâm huyết, muốn giúp cho học trò của mình đạt được điều đó”.
Trong cương vị một người thầy, ông có một mong muốn thật giản dị nhưng rất thiết thực với đời sống: “Làm sao giảng dạy được cho các học trò của mình: nếu là kỹ sư trong nhà máy thì làm việc thật tốt, nếu là nhà khoa học thì có nhiều phát minh, nếu là thầy giáo thi giảng bài thật hấp dẫn và truyền thụ được nhiều kiến thức cho học trò…”.
Năm 1982, GS Nguyễn Văn Hiệu được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (nay là Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga).
Năm 1984, GS Nguyễn Văn Hiệu được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Czech.
Năm 1986, GS, VS Nguyễn Văn Hiệu được Nhà nước Liên Xô trao tặng Giải thưởng Lê-nin về Khoa học và Kỹ thuật.
Năm 1996, GS, VS Nguyễn Văn Hiệu được Nhà nước Việt Nam trao giải thưởng Hồ Chí Minh về tập hợp các công trình nghiên cứu mà ông đã thực hiện trong nhiều năm trước đó.
GS, VS Nguyễn Văn Hiệu là một trong số rất ít các nhà khoa học Việt Nam coi khoa học là sự nghiệp suốt đời. Số công trình khoa học của ông lên tới trên 200 công trình, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ tương tác yếu và đối xứng của các hạt cơ bản, đến lý thuyết giải tích về tương tác mạnh và lý thuyết trường, rồi phương pháp lý thuyết trường lượng tử trong vật lý chất rắn. Hầu hết số công trình đó đều được công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín.
Lúc sinh thời, ở tuổi 70, GS, VS Nguyễn Văn Hiệu vẫn tràn đầy nhiệt huyết cho nhiều kế hoạch lớn và đang truyền nhiệt huyết của mình cho một thế hệ các nhà khoa học mới đang hăng say học tập, nghiên cứu để chiếm lĩnh một lĩnh vực khoa học và công nghệ mới: Khoa học và công nghệ nano.
Ý thức được vai trò quan trọng của các Hội khoa học kỹ thuật trong sứ mệnh tập hợp, đoàn kết, phát huy chất xám của đội ngũ tri thức trong và ngoài nước phục vụ cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước, GS, VS Nguyễn Văn Hiệu đã và đang tham gia tích cực các hoạt động của các tổ chức hội trên cương vị ủy viên đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam.
Ngày 10/7/2009, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Thị Doan đã thay mặt Chủ tịch nước trao tặng GS, VS Nguyễn Văn Hiệu Huân chương Độc lập hạng Nhất.