Giới công nghệ Mỹ tận dụng cơ hội để củng cố lĩnh vực mạng viễn thông
Liền trong vòng 1 tuần, hai thương vụ tỷ USD tiềm năng của các doanh nghiệp Mỹ đã được báo chí đề cập.
Điểm chung của 2 kế hoạch là đều liên quan đến thiết bị viễn thông, một lĩnh vực từ lâu ít được giới công nghệ Mỹ quan tâm nhưng lại đang nổi lên trong bối cảnh ông lớn Huawei gặp khó từ các quy định hạn chế của Mỹ.
Năm 2013, Microsoft thâu tóm mảng di động Nokia với giá hơn 7 tỷ USD. Dù vậy, thương vụ này lại được xem là một trong những thất bại lớn nhất trong lịch sử.
Năm 2020, hai ông lớn này có thể sẽ lại bắt tay lần nữa nhưng không còn liên quan đến điện thoại di động. Theo báo chí, mục tiêu thâu tóm lần này của Microsoft là lĩnh vực thiết bị viễn thông, chủ lực của Nokia sau khi bán mảng điện thoại. Đây là mảng mà hãng công nghệ Phần Lan hiện chiếm vị trí số 3 trên thị trường toàn cầu.
Kế hoạch của Microsoft vẫn chỉ ở mức đồn đoán. Tuy nhiên, một thương vụ khác đang hiển hiện rõ ràng hơn, đó là AMD và Xilinx - hai tên tuổi lớn trong ngành chip tại Mỹ đang đàm phán cho một vụ sáp nhập, ước tính trị giá 30 tỷ USD.
Vụ M&A này cũng được cho là nằm trong chiến lược thâm nhập thị trường viễn thông của AMD bởi Xilinx hiện là một trong những hãng dẫn đầu về chip cho các trạm phát sóng mạng 5G, trong khi đó, đối thủ chính của AMD là Intel đã có những bước đi trước đó.
Những thương vụ này được nhắc đến đúng ở thời điểm nước Mỹ được xem là không quá mạnh ở mảng thiết bị viễn thông và hạ tầng mạng. Top 4 nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới hiện nay đều không đến từ Mỹ.
Tuy nhiên, Huawei - tên tuổi lớn nhất trong ngành - lại đang đứng trước nguy cơ "tê liệt" từ các biện pháp cấm vận của Chính phủ Mỹ. Chiến lược của Mỹ không chỉ chặn nguồn cung linh kiện và công nghệ mà còn muốn "đóng cửa" Huawei khỏi mạng viễn thông của Mỹ và các đồng minh, đặc biệt là mảng 5G.
Hiện tại, giới chức Mỹ cũng đang tích cực vận động giới công nghệ nước mình tham gia mạng viễn thông. Quốc hội Mỹ đang dự thảo ngân sách 1 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển mạng 5G, thiết lập các tiêu chuẩn chung cùng với các đối tác nước ngoài như Ericsson và Nokia - một nước đi có thể giúp các tên tuổi như Microsoft hay AMD tiến sâu vào phát triển tính năng và thiết bị mạng 5G cho Mỹ với chi phí thấp hơn.
Châu Anh