Gỡ “nút thắt” cho ứng dụng vay tiền online
Sau một thời gian các app lậu lũng đoạn thị trường, rất nhiều app cho vay không rõ nguồn gốc đang cho vay siêu dễ, siêu nhanh nhưng lãi suất cao đã làm xấu thị trường cho vay online. Bởi vậy cần có những cơ chế quản lý nghiêm ngặt hơn, tránh rủi ro, gây nên nhiều hệ lụy cho người vay và cả doanh nghiệp.
Trước đó, Công nghệ và Đời sống đã đăng tải bài viết: “Cảnh giác với các ứng dụng mượn tiền nặng lãi “đội lốt” vay không lãi suất”. Bài viết trên nhằm cảnh báo người dân tránh khỏi những app tín dụng đen của Trung Quốc. Với những lời quảng cáo “mật ngọt” như “lãi suất vay thấp - cho vay không thế chấp" các “con mồi” nhanh chóng bị thu hút, và làm theo các hướng dẫn trên các app vay tiền. Những tưởng vớ được món hời, thế nhưng đây chính là lúc các “con mồi” chính thức sập bẫy mà không hề hay biết. Do đó, đã có nhiều trường hợp điêu đứng, nợ chồng lên nợ, vay lại thêm vay.
Nhiều công ty Fintech của Việt Nam cho rằng nếu cơ quan quản lý nhà nước không sớm có những biện pháp ngăn chặn, nạn tín dụng đen với lãi suất "cắt cổ" như hiện nay sẽ gây ra nhiều hệ lụy với xã hội, với người vay và cả doanh nghiệp của Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng P2P.
Dễ dàng tìm kiếm các app cho vay hiện lên trên ứng dụng.
Nếu như trước đây, một số công ty Fintech của Việt Nam mới bắt đầu nhảy vào lĩnh vực này, thị trường còn rất trong sạch, chưa có sự tham gia ồ ạt của các app lậu. Lúc đó, đa phần khách hàng đều rất trung thực. Moii trường cho vay cũng "sạch" hơn. Do vậy, người dùng sẽ không vướng vào những "ma trận" từ các app vay tiền liên quan.
Đưa ra giải pháp “gỡ rối” cho người vay cũng như cách kiểm soát thông tin khách hàng cho doanh nghiệp, bà Đào Thị Trang - Giám đốc Công ty Vay Mượn cho biết: “Cần quy định các app cho vay khi đưa lên App store, Google Play phải dùng tài khoản công ty, email công ty. Nếu app nào đưa lên từ tài khoản cá nhân và hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam về lĩnh vực tài chính, vay online thì cơ quan chức năng hoàn toàn có quyền report và truy tìm xử lý vì không đăng ký và hoạt động trái quy định. Khi đã có quy định thì cho vay ngang hàng sẽ là một ngành nghề có điều kiện. Do đó, nếu thực hiện không đúng các quy định, cơ quan chức năng đều có quyền yêu cầu gỡ bỏ trên các hệ thống”.
Tin nhắn đe dọa người vay của các app cho vay nặng lãi "đội lốt" vay không lãi suất.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Thế Vĩnh - Tổng giám đốc Tima - một công ty hoạt đông theo mô hình P2P chia sẻ: “Chúng ta cần tăng cường truyền thông tới người dân về đặc điểm chung của các app lậu. Đó là thông tin công ty không rõ ràng, thủ tục để vay quá dễ dàng nhưng kèm theo là chi phí vay phải trả lại quá cao. Đi kèm theo đó là việc đòi nợ không lành mạnh như dùng lời lẽ thoá mạ, phát tán thông tin xúc phạm nhân phẩm... Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát kiểm tra các công ty có dấu hiệu tiêu cực để ngăn chặn, trong dài hạn là ban hành khung pháp lý đưa loại hình này thành một loại hình kinh doanh có điều kiện và phải có giấy phép mới được hoạt động".
Với những cách thức và quy định trên, người vay sẽ giảm bớt nỗi lo vướng vào những app vay nặng lãi “đột lốt” vay không lãi suất. Bên cạnh đó, người dùng cũng cần nâng cao ý thức cảnh giác, tìm hiểu rõ trước khi vay, báo cho cơ quan chức năng những trường hợp có các dấu hiệu tiêu cực.
Thùy Dung