Google đối mặt với làn sóng khởi kiện lên tới 12 tỷ euro trên toàn châu Âu

07:15, 14/05/2025

Google đang phải đối mặt với các khiếu nại từ hàng chục trang web so sánh giá tại Liên minh châu Âu (EU) với số tiền lên tới ít nhất 12 tỷ euro. Theo đó, các trang web này cáo buộc gã khổng lồ tìm kiếm và quảng cáo đã đánh cắp khách hàng của họ.

Google đối mặt với 12 vụ kiện dân sự cáo buộc vi phạm quy định chống độc quyền

Các vụ kiện dân sự có liên quan đến phán quyết năm 2017 của Ủy ban châu Âu (EU), trong đó phạt Google 2,4 tỷ euro vì đã lạm dụng vị thế thống lĩnh trên thị trường tìm kiếm trực tuyến bằng cách ưu tiên có hệ thống dịch vụ so sánh mua sắm của riêng mình hơn dịch vụ của các đối thủ cạnh tranh.

Điều này đã dẫn tới một loạt các vụ kiện tiếp theo, đã bị trì hoãn trong nhiều năm khi Google kháng cáo. Sau đó, vào năm 2024, một tòa án đã ra phán quyết rằng Google thực sự đã vi phạm luật chống độc quyền - nghĩa là các nguyên đơn có trụ sở tại EU không còn phải chứng minh điều đó tại tòa án nữa. Hiện tại, nhiều vụ kiện hiện đang được tiến hành.

Theo trang Bloomberg, có 12 vụ kiện dân sự đang chờ xử lý tại 7 quốc gia châu Âu. Mặc dù không phải tất cả các tòa án và các bên liên quan đều tiết lộ số tiền liên quan, nhưng 9 trong số các khiếu nại đã yêu cầu bồi thường số tiền lên tới hơn 12 tỷ euro (20,8 tỷ USD).

Trong những năm gần đây, các vụ kiện này đã tăng vọt, đánh dấu một mặt trận mới trong các cuộc chiến pháp lý của Google tại châu Âu. Nếu thành công, các vụ kiện này có thể khuyến khích nhiều công ty hành động chống lại gã khổng lồ công nghệ và làm tăng thêm các khoản tiền phạt mà các cơ quan quản lý EU áp dụng trước đây đối với Google.

Christian C. Kesting, một giáo sư luật tại Đại học Düsseldorf, tuyên bố số tiền yêu cầu bồi thường trong các vụ kiện tiếp theo thường cao hơn nhiều lần so với số tiền phạt mà EU áp dụng cho cùng một hành vi. Sau khi Google thua trong hai vụ kiện chống độc quyền, Bộ Tư pháp Mỹ đang cố gắng buộc công ty này phải thoái vốn khỏi khỏi Chrome để tạo ra sân chơi bình đẳng hơn cho các đối thủ trong lĩnh vực tìm kiếm và những khiếu nại này đã làm trầm trọng thêm những rắc rối pháp lý của công ty.

Google và cuộc chiến pháp lý tại châu Âu

Hiện tại, Google phủ nhận mọi vụ kiện dân sự liên quan được đệ trình tại châu Âu, bao gồm cả việc từ chối tiết lộ số vụ kiện cũng như số tiền liên quan đến phán quyết chống độc quyền.

Nhiều vụ kiện sẽ sớm được đưa ra xét xử. Theo đó, vào cuối tháng 6 tới, một toà án ở London sẽ thụ lý vụ kiện trị giá 1 tỷ bảng Anh (1,6 tỷ USD) từ trang web Kelkoo của Anh và trang web Foundem hiện đã không còn tồn tại. Đến tháng 9, một tòa án ở Amsterdam sẽ thụ lý vụ kiện do công ty Compare Group của Hà Lan đệ trình.

Hamburg có kế hoạch tổ chức hai phiên điều trần vào tháng 10, và các thẩm phán ở Berlin cũng có kế hoạch tổ chức thêm hai phiên điều trần nữa vào tháng 11, bao gồm vụ kiện trị giá 3,3 tỷ euro do Idealo, một công ty thuộc Axel Springer đệ trình. Google cũng đang phản đối yêu cầu bồi thường trị giá 2,1 tỷ euro từ trang web Pricerunner của Thụy Điển (hiện thuộc Klarna) và yêu cầu bồi thường trị giá 500 triệu euro từ trang web Ceneo của Ba Lan.

Trong khi đó, các yêu cầu bồi thường mới vẫn tiếp tục xuất hiện. Theo công ty kiện tụng LitFin, tháng trước tại Amsterdam, công ty này đã đệ đơn kiện trị giá 900 triệu euro thay mặt cho một số công ty, bao gồm trang web PreisRoboter của Đức hiện đã không còn tồn tại và KuantoKusta của Bồ Đào Nha.

Tuần trước, Moltiply, nền tảng so sánh giá của Italy, đã đệ đơn kiện đòi Google bồi thường thiệt hại 2,97 tỷ euro cho những tổn thất mà trang web so sánh giá mua sắm Trovaprezzi của họ phải chịu từ năm 2010 - 2017.

Moltiply cáo buộc công ty con 7Pixel của mình, đơn vị điều hành trang web so sánh Trovaprezzi.it, đã bị tổn hại do các hoạt động tự ưu tiên của Google, lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường để kìm hãm sự cạnh tranh và cản trở sự phát triển của 7Pixel bằng cách ưu tiên nền tảng mua sắm của mình hơn các nền tảng so sánh của đối thủ. Thiệt hại ước tính lên tới khoảng 2,97 tỷ euro, bao gồm cả các tác động về mặt cấu trúc của hành vi lạm dụng này.

Theo thời gian, một số nguyên đơn đã tăng yêu cầu bồi thường của họ và cáo buộc Google tiếp tục vi phạm luật chống độc quyền bằng cách thao túng kết quả tìm kiếm và không tuân thủ phán quyết năm 2017 của EU. Họ lập luận rằng điều này đã cho phép gã khổng lồ công nghệ thống trị lưu lượng truy cập web và lợi nhuận một cách không công bằng.

Google đã phủ nhận những cáo buộc này, tuyên bố rằng tính năng hiển thị quảng cáo được ra mắt cho các trang web so sánh giá vào năm 2017 đã hoạt động tốt. Một người phát ngôn của Google cho biết công ty không phân biệt dịch vụ mua sắm của mình với các dịch vụ mua sắm của đối thủ cạnh tranh và lưu ý rằng hiện tại, hơn 1.550 trang web so sánh giá ở châu Âu sử dụng tính năng hiển thị của họ, so với chỉ con số 7 trang web vào năm 2017.

Một người phát ngôn của Google tuyên bố: "Chúng tôi phản đối mạnh mẽ các kiếu nại này, được đệ trình bởi các công ty tìm kiếm sự bồi thường thay vì đầu tư vào sản phẩm của riêng họ".

Trước đó, Google đã phải chịu mức tiền phạt kỷ lục lên tới khoảng 8 tỷ euro vì vi phạm các quy tắc cạnh tranh của EU trong giai đoạn 2017-2019. Ngoài khoản tiền phạt 2,4 tỷ euro được đưa ra trong phán quyết sử dụng dịch vụ so sánh giá mua sắm, Google còn bị phạt lần lượt 4,34 tỷ euro và 1,49 tỷ euro vì sử dụng hệ điều hành di động Android để chặn các đối thủ và chặn các nhà quảng cáo tìm kiếm trực tuyến đối thủ.

Trong khi đó, rắc rối tại tòa án của Google không chỉ giới hạn ở châu Âu. Năm ngoái, Yelp đã đệ đơn kiện chống độc quyền chống lại Google tại tòa án liên bang ở San Francisco. Đơn kiện cáo buộc rằng công ty này ưu tiên các đánh giá từ hệ thống xếp hạng do cộng đồng đóng góp của mình hơn là của các đối thủ cạnh tranh - một cáo buộc mà Google cho là không có căn cứ./.