Google đồng ý trả tiền cho các cơ quan truyền thông báo chí tại Canada

15:15, 04/12/2023

Google đã đồng ý chi trả 100 triệu CAD mỗi năm cho các cơ quan sản xuất tin tức tại Canada, nhằm duy trì việc chia sẻ tin tức của họ trên nền tảng của Google.

Thông tin này được CBC News đăng tải vào ngày 29-11, khi Chính phủ Canada và Google đạt được thỏa thuận nhằm giải quyết tranh cãi xoay quanh Đạo luật tin tức trực tuyến, hay còn được biết đến là Dự luật C-18.

Theo thỏa thuận này, tin tức từ các cơ quan truyền thông báo chí Canada sẽ tiếp tục xuất hiện trên nền tảng của Google, và như một phần của giao dịch, Google sẽ chi trả 100 triệu CAD mỗi năm cho các cơ quan sản xuất tin tức.

Thỏa thuận cũng làm rõ cách thức thực hiện Dự luật C-18, mà yêu cầu các công ty công nghệ như Google và Meta phải đạt thỏa thuận với các nhà cung cấp tin tức tại Canada và chi trả phí để chia sẻ nội dung tin tức trên nền tảng của họ. Tổng cộng, dự kiến số tiền chi trả hàng năm sẽ là khoảng 172 triệu CAD.

Cả Google và Meta (công ty mẹ của Facebook và Instagram) đã phản đối Dự luật C-18, và Meta đã thậm chí chặn tin tức của Canada trên nền tảng của mình.

Nguồn tin giấu tên đã chia sẻ với CBC rằng việc tiến triển với Google là một bước quan trọng, nhấn mạnh đây là một giải pháp để bảo vệ sự tồn tại của truyền thông và phục hồi cân bằng giữa các nền tảng thương mại.

Dự kiến Dự luật C-18 sẽ có hiệu lực từ ngày 19-12-2023, và đến thời điểm hiện tại, cuộc đàm phán giữa Meta và Chính phủ Canada vẫn chưa được tiếp tục.

Trước đó, Phó Chủ tịch phụ trách tin tức của Google, Richard Gingras, cho biết mạng tìm kiếm này có thể sẽ bị buộc phải gỡ bỏ những đường link dẫn tới các bài báo trong các kết quả tìm kiếm ở Canada nếu dự luật được thông qua, viện dẫn lý do rằng Google sẽ phải chịu món nợ tài chính không giới hạn nếu phải trả tiền cho các nhà xuất bản vì dẫn link tới các trang mạng của các nhà xuất bản này.

Trong khi đó, người phụ trách chính sách cộng đồng của Meta tại Canada, Rachel Curran, cho biết công ty này cũng sẽ ngừng cho phép tiếp cận các nội dung tin tức tại Canada nếu dự luật được thông qua.

Ảnh minh họa.

Dự luật của Canada khá giống với luật đã được Australia thông qua năm 2021, được coi là luật đặt nền móng hình thành nên các luật tương tự tại các quốc gia khác.

Google và Facebook cũng từng đe dọa sẽ hạn chế dịch vụ tại Australia nhưng đã đạt được thỏa thuận với các công ty truyền thông ở nước này sau khi một số nội dung điều chỉnh luật được đề xuất. Năm nay, Google đã thử nghiệm chặn một số người dùng Canada tiếp cận tin tức. Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã gọi đây là "sai lầm nghiêm trọng".

Theo ông Gingras, năm 2022, Google đã thực hiện hơn 3,6 tỷ lượt cung cấp các link dẫn tới tin tức của các nhà xuất bản Canada, giúp các công ty này có thêm nguồn thu nhập từ quảng cáo và cung cấp các gói tin tức.

Trong khi đó, bà Curran cho biết các dòng thông báo mới trên Facebook đã giúp mang về cho các nhà xuất bản Canada hơn 1,9 tỷ lượt truy cập tin tức trong 12 tháng tính đến tháng 4/2022, ước tính tiết kiệm chi phí tiếp thị khoảng 230 triệu USD.

Theo bà Curran, một khuôn khổ pháp lý yêu cầu các công ty công nghệ trả chi phí cho các nhà xuất bản khi gợi ý các đường link hoặc nội dung tin tức mà các hãng này tự nguyện đăng lên các nền tảng là điều bất khả thi.

Dự luật được Bộ trưởng Di sản Canada Pablo Rodriguez công bố hồi tháng 4/2022. Người phát ngôn Bộ Di sản Laura Scaffidi cho biết chính phủ muốn yêu cầu các công ty công nghệ lớn như Facebook và Google đàm phán các thỏa thuận công bằng với các nhà xuất bản tin tức nếu các công ty có hoạt động sinh lời từ các sản phẩm của nhà xuất bản.

Theo Tạp chí Điện tử & Ứng dụng

(https://dientuungdung.vn/google-dong-y-tra-tien-cho-cac-co-quan-truyen-thong-bao-chi-tai-canada)