Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng

10:26, 28/03/2023

Chiều ngày 24/3, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Hội Tin học Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Tại Hội thảo, nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, xác đáng cho dự thảo đã được đưa ra.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn và ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự hội thảo còn có sự hiện diện của bà Nguyễn Thị Kim Anh, Uỷ viên thường trực Ủy ban KHCNMT Quốc hội, đại diện Ban soạn thảo Lật GDĐT (sửa đổi) là bà Nguyễn Minh Hằng Vụ phó Vụ Pháp chế Bộ TTTT và bà Tô Thị Thu Hương Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia Bộ TTTT. Trên 30 chuyên gia Hội Tin học Việt Nam đã tham dự và gửi góp ý cho dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) phiên bản mới nhất do Uỷ ban cung cấp.

Quang cảnh Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) của Quốc hội cho biết, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào kỳ họp thứ 5 sắp tới. “Trước khi trình Hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách vào ngày 6,7/4 tới, Uỷ ban KHCNMT Quốc hội muốn trao đổi với các chuyên gia một số Hội, Hiệp hội để lắng nghe các ý kiến đóng góp. Nội dung chính của Hội thảo hôm nay là dù đã được chỉnh lý khá nhiều so với dự thảo ban đầu Chính phủ trình, song phiên bản dự thảo Luật mới đây chắc chắn còn có những nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Ngoài pháp lý, các khía cạnh về kỹ thuật, công nghệ (như thuật ngữ, chữ ký điện tử, chữ ký số, chứng thư, nền tảng số, CSDL quốc gia...) rất cần được giới học thuật, chuyên gia am hiểu sâu sắc về lĩnh vực này góp ý thêm. Đây là Luật nền tảng cho thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, nếu còn nhiều khiếm khuyết sẽ có ảnh hưởng sâu, rộng, lâu dài. Rất mong các chuyên gia công nghệ thông tin có đóng góp thêm những nội dung khác theo bản dự thảo Luật GDĐT (sửa đổi) phiên bản ngày 13/3”.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KHCNMT của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn cho biết dự thảo Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào kỳ họp thứ 5 sắp tới. 

Ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam cho biết, Luật GDĐT năm 2005 là Bộ Luật đầu tiên mà Uỷ ban KHCNMT QH chủ trì soạn thảo và thành phần tham gia chính gồm nhiều chuyên gia từ Hội Tin học Việt Nam. Tại buổi Hội thảo hôm nay, Hội Tin học Việt Nam đã mời những thành viên đã tham gia Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Luật GDĐT được Quốc hội thông qua vào năm 2005; các chuyên gia CNTT đến từ các bộ, ngành và đại diện thành phố Đà Nẵng nơi có ứng dụng CNTT, chuyển đổi số được coi là mạnh nhất cả nước; các đại diện đến từ các Câu lạc bộ chuyên môn ngành CNTT, khối nghiên cứu, trường học và các công ty CNTT-VT, khởi nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam.

Ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo. 

Mở đầu Hội thảo, ông Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam đã trình bày Báo cáo đề dẫn và giới thiệu các vấn đề cần trao đổi, làm rõ của dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), ông là cựu thành viên Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập Luật GDĐT năm 2005. Ông cho biết: “Năm 2005 khi Việt Nam ban hành Luật GDĐT thì trên thế giới mới có 55 nước ban hành Luật này. Đến nay, sau 18 năm số lượng các quốc gia đã ban hành các Luật về GDĐT đã tăng gấp 3 lần, khoảng 170 nước, chiếm 81% tổng số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Có thể thấy rằng, thế giới rất quan tâm đến vấn đề này.

Những vấn đề nêu ra để trao đổi làm rõ:

Về cấu trúc luật, Luật GDĐT 2005 và Luật GDĐT (sửa đổi) đều có số lượng chương và điều như nhau, gồm 8 chương 24 điều. Về phạm vi điều chỉnh, Luật GDĐT 2005 có phạm vi điều chỉnh là tất cả giao dịch điện tử liên quan đến cơ quan nhà nước, dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác. Dự thảo mới có phạm vi điều chỉnh là mọi giao dịch bằng phương tiện điện tử. Luật sửa đổi không quy định về nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch. Tuy nhiên, với cụm từ “Trường hợp luật khác không quy định thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì tuân thủ theo quy định của luật đó” nên bỏ vì có thể tạo ra hiểu nhầm.

Ông Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo. 

Tiếp theo về các trường hợp loại trừ, đây cũng là vấn đề có rất nhiều ý kiến khác nhau. Trong Luật GDĐT 2005 có nêu 10 loại giấy tờ không dùng giao dịch điện tử. Trong dự thảo lần này không còn trường hợp loại trừ. Luật GDĐT được tham chiếu đến trong rất nhiều hiệp định thương mại giữa Việt Nam với các nước, chúng ta đã rà soát hết các hiệp định đó xem người ta quy định như thế nào liên quan đến vấn đề giao dịch điện tử có loại trừ hay không? Do đó, cần cân nhắc xem nên xử lý vấn đề này như thế nào?

Về đối tượng áp dụng, bản chất không khác nhau nhưng câu chữ thì khác nhau. Về nội dung chính của Luật, cái đầu tiên mà Luật GDĐT đưa ra là các quy định về thông điệp dữ liệu. Cơ bản giữa hai Luật không có gì khác nhiều về giá trị pháp lý, tuy nhiên cách hành văn có hơi khó hiểu. Khi Quốc hội họp để biểu quyết thông qua Luật GDĐT 2005. Ban Soạn thảo đã phải làm một bộ phim tài liệu dài 30 phút để giới thiệu cho các đại biểu hiểu thế nào là GDĐT. Có rất nhiều khái niệm mới mà phần lớn là dịch từ tiếng nước ngoài ra, đây cũng là một trong những khó khăn trong quá trình soạn thảo. Cái mới của Dự thảo Luật sửa đổi lần này là thêm được nội dung liên quan đến quy định về việc chuyển đổi giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu.

Trong Luật GDĐT (sửa đổi) có khái niệm mới là chứng thư điện tử. Chứng thư điện tử theo Luật 2005 là vật để lưu trữ các thông tin phục vụ cho việc tạo ra chữ ký điện tử. Còn theo dự thảo mới, có thể hiểu là một chứng nhận điện tử. Đây có thể là xung đột về mặt thuật ngữ, vì 18 năm qua theo Luật GDĐT 2005 chứng thư điện tử được hiểu với một ý nghĩa khác, giờ thay đổi thì câu chuyện không đơn giản. Tại điều 25 Luật GDĐT (sửa đổi) có đưa ra khái niệm chữ ký điện tử dùng riêng. Theo tôi, về nguyên tắc chữ ký điện tử không có khái niệm dùng chung, dùng riêng, thế giới cũng không có cách gọi như thế, còn dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử thì có chứng thực điện tử dùng chung (công cộng) hay dùng riêng. Trong dự thảo Luật sửa đổi cũng đưa thêm chữ ký số, quy định hai cái cùng lúc thì rất khó bởi bản chất chữ ký số là trường hợp đặc biệt của chữ ký điện tử, nó không đứng ngang hàng với nhau. Tại điều 27, nêu các quy định về tổ chức sử dụng chữ ký điện tử dùng riêng cũng khó hiểu và không có ý nghĩa thực tế.

Một nội dung nữa là chứng thực thông điệp dữ liệu, nó là gì? để làm gì? dự thảo chưa thật tường minh. Về điều kiện kinh doanh của dịch vụ tin cậy có nên quy định ngay trong luật không? vì điều kiện kinh doanh thì nhiều thứ và có thể thay đổi theo thời gian. Về các quy định liên quan đến dữ liệu, hệ thống thông tin v.v. của cơ quan nhà nước có nên đưa vào trong Luật này không? vì nó thuộc về các kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước chứ không phải của chung trong giao dịch điện tử.

Trong Luật GDĐT 2005 có quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong trường hợp để xảy ra các vấn đề trong giao dịch điện tử giữa nhà nước với công dân, nhà nước với các tổ chức bên ngoài nhưng trong dự thảo sửa đổi lại không nói đến. Về xử lý vi phạm, tại Luật GDĐT 2005 có hẳn nội dung riêng nhưng trong dự thảo mới lại không đưa vào. Trên thế giới rất nhiều nước đưa vào Luật GDĐT những vi phạm liên quan đến hoạt động giao dịch điện tử”.

Ông Hà cũng đưa ra băn khoăn, việc giám sát giao dịch điện tử liệu có làm được không. Bởi khi xã hội đã số hoá thì gần như bất kỳ giao dịch nào cũng là giao dịch điện tử. Khi đưa vào Luật rồi, khó thực hiện, không khả thi và tạo ra sự quản lý quá mức cần thiết. Ông cũng đề nghị cần tránh đưa ra các quy định quá cụ thể, quá chi tiết, nặng tính kỹ thuật hành pháp vì CNTT và giao dịch điện tử phát triển và thay đổi rất nhanh, sẽ không kịp sửa Luật cho phù hợp.


Ông Nguyễn Thanh Hưng, cựu Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cựu thành viên Tổ Biên tập Luật GDĐT 2005.

Các phát biểu góp ý thẳng thắn, cụ thể từ các cựu thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Luật GDĐT 2005:

Tham gia góp ý dự thảo Luật, ông Nguyễn Thanh Hưng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cựu thành viên Tổ Biên tập Luật GDĐT 2005, chia sẻ: “Trong quá trình triển khai Luật GDĐT từ năm 2005 đến nay theo tôi quan sát chưa có gì khúc mắc lớn. Quan điểm của tôi, dự thảo Luật GDĐT sửa đổi cần đảm bảo sự trung lập về công nghệ. Tôi cho rằng, quan điểm của dự thảo mới là khái niệm và chi tiết khác với Luật cũ là chỉ quy định khung thôi”.

TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra nhiều góp ý tâm huyết cho dự thảo Luật GDĐT (sửa đổi) và được các đại biểu quan tâm, ủng hộ.

TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cựu thành viên Tổ Biên tập Luật GDĐT 2005, cho biết: “Trong Luật GDĐT 2005 có loại trừ một số loại giấy tờ quan trọng. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, các nước đều lựa chọn các giao dịch nào mà chắc chắn nó phải bằng truyền thống không thể bằng điện tử. Nếu như chúng ta tự tin rằng 100% tất cả các giao dịch bằng phương tiện điện tử như trong dự thảo Luật mới thì cũng cần lưu ý ngay cả trong Luật mẫu (Liên hiệp quốc) và Luật của những nước tiên tiến thì họ vẫn có những lĩnh vực loại trừ.

Về các chế định trong dự thảo, nếu theo đúng bản chất Luật mới là quan tâm đến làm thế nào để giao dịch điện tử có giá trị pháp lý như giao dịch truyền thống, đáp ứng được yêu cầu của giao dịch truyền thống (yêu cầu về chữ ký, yêu cầu về bản gốc, yêu cầu công chứng, chứng thực,…). Qua rà soát thì cho thấy dự thảo hiện nay có một số lượng đáng kể các điều khoản, thậm chí cả chương không trực tiếp liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật GDĐT mà tôi vừa nêu. Trong trường hợp này cần cân nhắc đưa ra khỏi dự thảo”.

Trong dự thảo mới cần rà soát kỹ theo góc độ tính tương thích của Dự thảo với các cam kết quốc tế. Cần rà soát từ 15 FTA đang có hiệu lực của Việt Nam cho thấy có 07 FTA có cam kết về giao dịch điện tử, trong đó bao trùm và đáng chú ý nhất là cam kết tại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Á Âu (FTA VN-EAEU). Bà Trang cũng liệt kê các một số nội dung chưa bảo đảm tuân thủ yêu cầu của CPTPP và FTA VN-EAEU và gửi tới Ban soạn thảo và UB KHCNMT Quốc hội để xem xét, điều chỉnh.

 Ông Nguyễn Quang Thanh, Chủ tịch Hội Tin học Đà Nẵng trình bày ý kiến đóng góp lấy thực tiễn từ TP Đà Nẵng.

Các phát biểu góp ý cụ thể từ các nhóm lĩnh vực liên quan và doanh nghiệp:

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, Chủ tịch Hội Tin học Đà Nẵng: “Các dịch vụ trong giao dịch điện tử của chúng ta chủ yếu các là dùng trong hệ thống công việc. Các hệ thống để cung cấp dịch vụ về giao dịch điện tử thường là bên thứ 3, do vậy, nếu có hàng rào về quy định về kỹ thuật, nhân sự hay yêu cầu phải có máy chủ đặt tại Việt Nam thì vô hình trung làm cho môi trường về giao dịch từ trong suốt thành môi trường hành chính hoá”.

Ngoài ra, ông Thanh cũng nêu quan điểm, việc định nghĩa thông điệp dữ liệu cũng giống như vấn đề về chứng thư điện tử làm sao phải sát với thực tế, khi ứng dụng không bị vướng mắc nhiều.

Ông Khuất Hoàng Kiên, đại diện Cục CNTT (Bộ TNMT) phát biểu góp ý tại buổi hội thảo. 

Ông Khuất Hoàng Kiên, đại diện Cục CNTT (Bộ TNMT) góp ý: “Liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về thực hiện giao dịch điện tử không có giới hạn cụ thể. Với các giải thích về từ ngữ liên quan đến phương tiện điện tử, cách thức thực hiện các giao dịch, chúng tôi nhận thấy phạm vi rộng, gần như là tất cả mọi hoạt động thực hiện trên môi trường giao dịch điện tử. Điều này sẽ tạo ra những khó khăn liên quan đến các giao dịch về an ninh, quốc phòng cũng như một số lĩnh vực chuyên biệt như ngành Tài nguyên và Môi trường”.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Tổng Thư ký CLB Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) cho ý kiến về nội dung liên quan đến dữ liệu mở. 

Ông Nguyễn Thế Hùng, Tổng Thư ký CLB Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) đề nghị bỏ các nội dung về quy định dữ liệu mở tại dự thảo Luật GDĐT (sửa đổi), không phải vì nó sai mà vì vượt ra ngoài các phạm vi của việc pháp lý hoá các giao dịch điện tử. “Các doanh nghiệp của chúng tôi đặc biệt quan tâm đến tính hiệu lực của Luật. Điển hình trong dịch COVID-19 vừa qua, các doanh nghiệp rất muốn giao dịch bằng hợp đồng điện tử hoặc chữ ký điện tử, tuy nhiên cơ quan nhà nước vẫn không chấp nhận. Đề nghị Ban soạn thảo có thể hiện thực hoá việc này. Về việc lựa chọn chữ ký điện tử quy định phải được chứng nhận của Bộ KHCN, chúng tôi thấy cần trung lập về mặt công nghệ. Vì công nghệ luôn thay đổi và không phải chữ ký nào được chứng nhận cũng an toàn. Về nội dung cuối cùng, chứng thực giá trị pháp lý của chữ ký số công cộng, theo điều 34 có quy định tổ chức chứng thực chữ ký điện tử quốc gia quản lý việc phát hành, thu hồi chứng thư chữ ký số của các đơn vị cung cấp dịch vụ nhưng lại không quy định cơ quan nào chứng thực giá trị pháp lý của chữ ký số đấy. Tôi đề nghị xem xét bổ sung quy định có giá trị pháp lý đối với các nhà cung cấp chữ ký số”.

Đại diện CLB chữ ký số (CA) tham gia đóng góp ý kiến. 

Đại diện CLB chữ ký số (CA) đề xuất tại khoản 3, điều 29 tăng thời hạn cấp giấy phép CA lên 12 năm và tăng thời hạn hiệu lực của chứng thư số cấp cho các CA công cộng lên 10 năm. Bên cạnh đó, trong Luật cần thống nhất được cơ quan ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về dịch vụ chữ ký số và chứng thực chữ ký số để việc áp dụng đồng bộ, thống nhất. Ngoài ra cũng cần cân nhắc xem xét việc bỏ việc cấp phép dịch vụ cấp dấu thời gian và dịch vụ chứng thực thông điệp điện tử.


Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP MISA đóng góp về nội dung chữ ký số được nhiều đại biểu quan tâm.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP MISA cho biết: “MISA là một doanh nghiệp cung cấp các phần mềm CNTT và trong đó có dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Trong phần cung cấp dịch vụ tin cậy thì dự thảo Luật quy định giấy phép kinh doanh dịch vụ tin cậy là 10 năm, theo tôi không cần thiết để thời hạn này mà nên để là không thời hạn. Vì bên Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia sẽ cấp một chứng thư số cho công ty cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, như vậy hết 10 năm thì công ty phải cấp lại chữ ký số cho tất cả khách hàng của mình, gây tốn kém nguồn lực cho xã hội. Hoặc phải có giải pháp tự động gia hạn cho CA trong trường hợp hoạt động bình thường”.

Nhận xét thú vị và góp ý trực tiếp từ cộng đồng khoa học:

GS. TS Nguyễn Thanh Thuỷ cho rằng, dự thảo Luật GDĐT (sửa đổi) chưa rõ được phạm vi.

Theo gợi ý từ Uỷ ban KHCNMT Quốc hội.góp ý các khía cạnh về kỹ thuật, công nghệ (như thuật ngữ, chữ ký điện tử, chữ ký số, chứng thư, nền tảng số, CSDL quốc gia...), GS.TS Nguyễn Thanh Thuỷ Chủ tịch CLB các khoa, viện, trường CNTT-TT Việt Nam (FISU) cho rằng : “Đây là một vấn đề thời sự, cần thiết bởi vì nó quan trọng, cấp thiết. Quan trọng do mức độ lan toả và cấp thiết bởi lẽ Luật GDĐT đã được phê duyệt 18 năm trước đây vào năm 2005. Chúng tôi nhận thấy trong văn bản Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (Dự thảo) sửa đổi có tính cập nhật, công phu.”

GS.TS Nguyễn Thanh Thuỷ đưa ra hai quan sát, hai nhận xét và hai góp ý. Quan sát đầu tiên là chưa rõ được giới hạn các vấn đề được đề cập, có liên quan đến giao dịch điện tử. Trong văn bản Dự thảo xuất hiện từ khoá “điện tử” và “số” (ví dụ, chữ ký điện tử và chữ ký số). Như vậy, Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sẽ quan tâm đến khía cạnh điện tử và cả khía cạnh số hay là chỉ khía cạnh điện tử và chỉ khía cạnh số. Điểm này chưa được nêu rõ. Cụ thể một ví dụ: dữ liệu số là dữ liệu được xử lý bằng phương tiện điện tử. Diễn giải này không logic và nhất quán ngay trong một dòng diễn giải. Một ví dụ khác: Trong Dự thảo vừa nêu ra chữ ký điện tử và chữ ký số. Quan sát thứ hai liên quan đến phạm vi của giao dịch điện tử trong Dự thảo. trong lĩnh vực hành chính, kinh doanh, thương mại, dân sự. Hiện tại, Dự thảo bao quát cả 4 lĩnh vực. Nhưng để rõ ràng và khả thi thì các điều khoản trong Dự thảo cần nêu một cách tường minh.

Nhận xét thứ nhất liên quan đến tính rõ ràng và khúc triết của các thuật ngữ chuyên môn được dùng trong Dự thảo. Tổng cộng có 22 thuật ngữ. Chia các thuật ngữ thành 3 nhóm tương ứng với các màu: màu xanh, màu đỏ và màu vàng. Nhóm màu xanh bao gồm các thuật ngữ đủ rõ ràng và khúc triết. Nhóm màu đỏ bao gồm các thuật ngữ không rõ ràng, thậm chí dẫn đến hiểu sai. Nhóm màu vàng bao gồm các thuật ngữ còn lại, tương đối rõ ràng và có thể chỉnh sửa . Đọc Dự thảo nhận thấy ít màu xanh, thậm chí có thể nói là chưa có.

Ví dụ thuật ngữ màu đỏ thứ nhất là khái niệm “dữ liệu chủ”. Có thể đây là thuật ngữ chuyên dùng trong lĩnh vục văn bản luật pháp, nhưng trong các tài liệu chuyên môn về CNTT chưa thấy có khái niệm này. Thuật ngữ màu đỏ thứ hai liên quan đến 3 thuật ngữ: “xử lý dữ liệu” được diễn giải trong Dự thảo có 16 điểm mô tả, “môi trường điện tử” có 6 điểm mô tả và “dữ liệu số” có 2 điểm mô tả là “lưu trữ” và “xử lý”. Như vậy, “lưu trữ” và “xử lý” là đồng hạng với nhau. Trong khi đó, trong số 16 điểm mô tả về thuật ngữ “xử lý dữ liệu” lại gồm cả “lưu trữ”, nghĩa là “lưu trữ” là khái niệm ở mức thấp hơn“xử lý” . Trong diễn giải của thuật ngữ  “môi trường điện tử”  nhận thấy “xử lý”, “lưu trữ” là ngang nhau.

Thuật ngữ màu vàng thứ nhất là “giao dịch”. Theo từ điển,  giao dịch là một quá trình. Giao dịch điện tử thường được hiểu là mua bán hàng hoá, sản phẩm và dịch vụ. Trong Dự thảo chưa thấy định nghĩa rõ ràng giao dịch là một quá trình các bước, thao tác, hành động để thực hiện việc mua bán hàng hoá, sản phẩm và dịch vụ.  Tương tự, Thuật ngữ màu vàng thứ hai là “Phương tiện điện tử”.

Nhận xét thứ hai liên quan đến mối liên hệ giữa các vấn đề về mặt chuyên môn. Ví dụ, “Thông điệp điện tử” và “trao đổi dữ liệu” cần được xem như hai khía cạnh quan trọng trong giao dịch điện tử. “Thông điệp điện tử” liên quan đến tương tác các bên (bán-mua hàng hóa, cung cấp-sử dụng dịch vụ) trong giao dịch. Còn “trao đổi dữ liệu” liên quan đến nội dung của giao dịch. Dự thảo cần lưu ý đến vấn đề này.

Góp ý thứ nhất bổ sung điều khoản liên quan đến trách nhiệm của các bên trung gian trong giao dịch. Thực tế là giữa bên mua-bên bán, bên nhận-bên giao xuất hiện có thể có nhiều bên trung gian tham gia. Trong xã hội ngày càng hiện đại với các giao dịch điện tử ngày càng đa dạng, phong phú và phức tạp thì cần có phân định rõ ràng để khi xảy ra vấn đề gì đó có thể phân định trách nhiệm các bên tham gia.

Góp ý thứ hai bổ sung điều khoản liên quan đến trao đổi dữ liệu. Hiện tại, Dự thảo có  có 7 chương (chương 1, chương 2: thông điệp dữ liệu, chương 3: chữ ký điện tử, dịch vụ tin cậy, chương 4: cam kết và hợp đồng điện tử, chương 5: giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước, chương 6: hệ thống thông tin đảm bảo giao dịch điện tử và chương 7: an toàn thông tin an ninh mạng). Hiện tại, chưa có điều, khoản, mục liên quan cụ thể đến trao đổi dữ liệu.

TS. Nguyễn Thị Minh Huyền, Chủ tịch CLB VLSP tham gia đóng góp ý kiến.

Bổ xung ý kiến, TS Nguyễn Thi Minh Huyền Chủ tịch CLB xử lý ngôn ngữ và tiếng nói tiếng Việt nhận xét: “Dự thảo trình bày còn nhiều chỗ chưa hợp lý, thí dụ ngay định nghĩa đặt trước sau để người đọc hiểu rất quan trọng chứ không phải sắp theo thứ tự abc đặc biệt khi liên quan đến các thuật ngữ kỹ thuật và công nghệ, nhiều chỗ thành đoạn văn khó hiểu không đúng với hành văn ngôn ngữ Việt. CLB sẵn sàng có thể giúp kiểm tra tự động từ kho dữ liệu ngôn ngữ tiếng Việt để tìm kiếm những lỗi tiếng Việt không đáng có”.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, ông Nguyễn Phương Tuấn hoàn toàn nhất trí và đánh giá cao các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật GDĐT (sửa đổi) từ các chuyên gia CNTT-VT tham dự. Sau Hội thảo Hội Tin học Việt Nam sẽ có báo cáo tổng hợp kèm các góp ý cụ thể để gửi đến cơ quan thẩm tra là Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội./.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Ban soạn thảo dự thảo Luật GDĐT (sửa đổi).

Đại diện Ban soạn thảo Luật GDĐT (sửa đổi) cảm ơn các ý kiến rất hữu ích của các chuyên gia.

Ông Phạm Kim Cương, CEO&Founder CohostAI.

Ông Trần Quang, Bộ phận Pháp chế Tập đoàn CMC.

Ngọc Mai - Đinh Lương