Lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Ngày 23/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
- Hơn 644.000 giao dịch thanh toán trực tuyến trên CDVCQG trong tháng 1/2023
- Đã có hơn 1 tỷ giao dịch được thực hiện thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu
- Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
- Luật Giao dịch điện tử - Hướng tới chuyển đổi số toàn dân toàn diện
Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được triển khai nhằm đảm bảo mục tiêu khắc phục hạn chế, bất cập của luật hiện hành, phát triển giao dịch điện tử, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Luật sửa đổi, bổ sung quy định pháp lý về một số dịch vụ đảm bảo tin cậy cho hoạt động giao dịch trên môi trường số, có độ phủ rộng và tính khả thi khi áp dụng đồng bộ với các luật khác. Do đó, cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) mong muốn lấy ý kiến về phạm vi điều chỉnh của Luật, phân loại nền tảng giao dịch điện tử, thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ (Điều 13 của Dự thảo). Cùng với đó, dự thảo Luật chú trọng các vấn đề như chứng thực chữ ký số công vụ (Điều 7 và 26), thẩm quyền cung cấp dịch vụ tin cậy...
Theo cộng đồng doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, các nguyên tắc mang tính nền tảng của Luật Giao dịch điện tử 2005 cung cấp cơ sở pháp lý phù hợp cho hoạt động giao dịch điện tử. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều quy định cho thấy không phù hợp với trong môi trường thương mại điện tử, Internet vạn vật và dữ liệu lớn. Việc sửa đổi luật có ý nghĩa vô cùng hệ trọng, nhất là đối với hoạt động chuyển đổi số của Việt Nam.
Đóng góp hoàn thiện dự án luật, các ý kiến cho rằng, Chương V của dự thảo chưa có quy định về tính pháp lý của các giao dịch điện tử diễn ra giữa cơ quan nhà nước và cá nhân, tổ chức ngoài cơ quan nhà nước. Đặc biệt, dự thảo chưa đưa ra nguyên tắc pháp lý chung mà cơ quan nhà nước phải tuân thủ khi xử lý dữ liệu cá nhân, dữ liệu nhạy cảm liên quan đến cá nhân.
Ở góc độ chuyên gia, bà Trần Thị Thanh Thư, đại diện Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn ALB & Partners đề nghị sửa đổi khoản 8 Điều 3 dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) thành “Chứng từ điện tử là chứng từ được thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khấu trừ thuế cấp cho người nộp thuế hoặc do tổ chức thu thuế, phí, lệ phí cấp cho người nộp bằng phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật phí, lệ phí, pháp luật thuế”. Bên cạnh đó, sửa đổi khoản 22 Điều 3 thành “Thông điệp dữ liệu hay dữ liệu điện tử là dữ liệu được tạo ra, truyền đi, được nhận hoặc được lưu trữ bằng phương tiện điện tử”.
Luật sư Lê Thu Minh, Công ty Luật Baker & McKenzie Việt Nam cho rằng, dự thảo luật định nghĩa nền tảng số vẫn đang khá rộng và không cụ thể, dẫn đến việc nền tảng số có thể bao gồm tất cả loại dịch vụ kỹ thuật số/dịch vụ trực tuyến liên quan trực tiếp đến giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, thông điệp dữ liệu về bản chất cũng là một loại dữ liệu không có tính đặc thù nổi bật như dữ liệu cá nhân nên không cần thiết phải được bảo vệ chuyên biệt. Quy định tại Điều 52 có sự trùng lặp và chồng chéo đối với Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn, dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng giải đáp ý kiến của các đại biểu tại hội thảo.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và bổ sung, điều chỉnh phù hợp. Luật Giao dịch điện tử sẽ sửa đổi theo nguyên tắc "thực sao thì số vậy" và phải đảm bảo có độ phủ rộng, chi phí phải thấp hơn trong môi trường thực, tránh việc lên môi trường số thì phức tạp hơn. Đồng thời, cơ quan soạn thảo bổ sung quy định pháp lý về một số dịch vụ, đảm bảo tin cậy cho giao dịch trên môi trường số.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) là vấn đề rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, đây là yêu cầu tất yếu để đáp ứng nhu cầu hội nhập thị trường thương mại tự do. Dự thảo luật phải đảm bảo không cản trở các ngành nghề, lĩnh vực phát triển, không gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và đơn vị liên quan.
Cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan phải nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, đề xuất của nhiều thành phần kinh tế trong hoàn chỉnh dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 5 sắp tới.
Khôi Nguyên (T/h)