Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực trình độ cao
Việt Nam có nguồn lao động trẻ dồi dào, nhưng chất lượng đào tạo chưa đồng đều, thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực trình độ cao, đặc biệt là chuyên gia những lĩnh vực AI, an ninh mạng hay dữ liệu lớn.
Đảng và Nhà nước ta đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW (Nghị quyết 57), được Tổng Bí thư ví như một "Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học", mở đường cho những bước đột phá táo bạo, đưa đất nước đi lên.
Trong đó, nguồn nhân lực đóng vai trò là một trong những yếu tố then chốt, được nhắc tới nhiều lần trong Nghị quyết mang tính rường cột này.
Báo Dân trí có cuộc trò chuyện với Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy - Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam về nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao, thực trạng, những điểm nghẽn trong đào tạo và những giải pháp để chúng ta có thể có được nguồn nhân lực đáp ứng được những đòi hỏi mới của thời đại.
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy nói về nguồn nhân lực chất lượng cao
(Video: Thành Đông- Khánh Vi).
Cuối tháng 12/2024, khi tiếp cận Nghị quyết 57, giới khoa học chúng tôi rất tâm đắc. Nghị quyết thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong việc đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành động lực cốt lõi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Đây là một bước đi mang tính chiến lược, đặt nền móng để Việt Nam không chỉ bắt kịp mà còn vượt lên trong cuộc cạnh tranh toàn cầu của thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, Nghị quyết 57 khẳng định định hướng mạnh mẽ, rõ ràng về cơ chế, chính sách nhằm phát huy tiềm lực khoa học công nghệ trong nước, đồng thời tận dụng tri thức và thành tựu từ thế giới.
Nghị quyết 57 không chỉ là kim chỉ nam mà còn là lời hiệu triệu, kêu gọi hành động quốc gia một cách toàn diện, rộng khắp để Việt Nam tránh nguy cơ tụt hậu, đồng thời tận dụng tối đa lợi thế dân số trẻ, năng động và vị trí địa chính trị chiến lược.
Về thực trạng, Việt Nam có nguồn lao động trẻ dồi dào, nhưng chất lượng đào tạo chưa đồng đều, thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực trình độ cao, đặc biệt là các chuyên gia trong những lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng hay dữ liệu lớn.
Theo khảo sát và thống kê, có sự mất cân đối giữa chương trình đào tạo và nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động, chỉ khoảng 30% sinh viên CNTT tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết, thiếu thực hành, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại nhiều cơ sở đào tạo cũng chưa đáp ứng được yêu cầu và chưa bắt kịp các xu hướng công nghệ toàn cầu như AI, blockchain hay công nghệ bán dẫn.
Liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp còn hạn chế, dẫn đến khoảng cách giữa học thuật và thực tiễn.
Ngoài ra, khả năng ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) và kỹ năng mềm của sinh viên CNTT còn yếu, gây khó khăn trong việc cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Một vấn đề khác là hiện tượng "chảy máu chất xám" khi nhiều nhân tài chọn làm việc ở nước ngoài do chênh lệch thu nhập và điều kiện làm việc.
Nghị quyết 57 đặt ra yêu cầu rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn như vi mạch bán dẫn, lượng tử, trí tuệ nhân tạo, và blockchain. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy còn nhiều thách thức cần giải quyết.
Thực tế sinh viên ra trường chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, có khoảng cách lớn giữa đào tạo ở nhà trường và yêu cầu của doanh nghiệp, chưa tạo thế cạnh tranh nhân lực CNTT trên thị trường lao động quốc tế là do đào tạo công nghệ thông tin có các điểm nghẽn như: chương trình đào tạo chưa theo kịp thực tiễn, thiếu đội ngũ giảng viên chất lượng cao, thiếu cơ hội thực hành và trải nghiệm thực tế, chất lượng đầu vào không đồng đều, hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo còn yếu...
Trong đó, điểm nghẽn chương trình đào tạo chưa theo kịp thực tiễn là nghiêm trọng nhất.
Giải pháp cho vấn đề này là: Cập nhật chương trình giảng dạy định kỳ (2-3 năm/lần) theo xu hướng công nghệ, áp dụng mô hình học theo dự án (Project-Based Learning - PBL), tạo điều kiện sinh viên thực hành nhiều hơn, hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo theo nhu cầu thực tế, đưa chuyên gia từ công ty vào giảng dạy, tạo điều kiện thực tập có lương ngay từ năm 2-3 để sinh viên làm quen với môi trường doanh nghiệp sớm.
Cần có sự gắn kết mật thiết hơn nữa giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần tham gia sâu hơn vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo, cung cấp cơ hội thực tập, thực hành cho sinh viên.
Các trường đại học, cao đẳng cần mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với công nghệ mới, dự án thực tế. Cần đổi mới phương pháp giảng dạy, chú trọng phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng tư duy sáng tạo cho người học.
Không chỉ truyền đạt kiến thức chuyên môn, giảng viên cần hướng dẫn sinh viên cách làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng tự học, tự nghiên cứu. Đồng thời, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, sử dụng các phương pháp giảng dạy trực tuyến, mô phỏng thực tế ảo, giúp sinh viên có những trải nghiệm học tập sinh động và hiệu quả.
Cần đầu tư vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, tạo điều kiện cho họ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, cập nhật kiến thức mới. Giảng viên không chỉ cần có kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn phải có kỹ năng sư phạm tốt, khả năng truyền cảm hứng cho sinh viên.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng giảng viên, nâng cao kinh nghiệm thực tiễn cho các giảng viên, các cơ sở giáo dục chủ động mời chuyên gia nước ngoài, gửi giảng viên đi đào tạo ở các nước phát triển.
Để giúp sinh viên khắc phục rào cản ngoại ngữ yếu, khó tiếp cận tài liệu quốc tế và làm việc trong môi trường toàn cầu, rất nên lồng ghép đào tạo tiếng Anh song song với chuyên môn. Nhằm xây dựng môi trường thực hành, cơ sở giáo dục và doanh nghiệp chủ động áp dụng các mô hình hợp tác đầu tư các phòng thí nghiệm, khu công nghệ cao để sinh viên có cơ hội ứng dụng kiến thức.
- Trong năm vừa qua, các cơ sở giáo dục đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ thông qua ban hành hàng loạt chính sách nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực trong ngành bán dẫn.
Công điện số 83/CĐ-TTg ngày 23/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây.
Quyết định 916/QĐ-TTg ngày 27/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đến năm 2030.
Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình ''Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050''.
Chỉ thị 43/CT-TTg ngày 04/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và một số ngành công nghệ số cốt lõi.
Có thể nói hàng loạt chính sách được Chính phủ đưa ra kịp thời, sẽ giúp khắc phục các điểm nghẽn trong thời gian tới.
Một số giải pháp trước mắt chúng ta có thể thực hiện gồm:
- Cập nhật chương trình đào tạo: Đưa các chuẩn quốc tế vào giảng dạy, tăng cường thực hành và học theo dự án thực tế.
- Thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp - đại học: Khuyến khích doanh nghiệp tham gia thiết kế khóa học, cung cấp thực tập chuyên sâu và hỗ trợ học bổng, tạo mô hình phối hợp để doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo, từ xây dựng chương trình đến tổ chức thực tập, khuyến khích các chuyên gia, người có kinh nghiệm tham gia vào quá trình giảng dạy.
- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để phục vụ cho việc đào tạo chuyên sâu, định hướng nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp.
- Đào tạo lại và nâng cao kỹ năng: Tổ chức các khóa ngắn hạn về reskilling (đào tạo lại) và upskilling (nâng cao kỹ năng) để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ.
Về lâu dài chúng ta cần đổi mới giáo dục, cải tiến chương trình đào tạo theo hướng linh hoạt, cập nhật, chú trọng phát triển kỹ năng mềm và tư duy sáng tạo cho sinh viên, đưa STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) vào chương trình phổ thông, khuyến khích tư duy sáng tạo.
Cập nhật nội dung đào tạo theo xu hướng công nghệ mới, tích hợp kiến thức thực tiễn và kỹ năng mềm. Đẩy mạnh mô hình đào tạo trực tuyến và học tập suốt đời. Đổi mới phương pháp giảng dạy (Áp dụng phương pháp học theo dự án, Dạy học theo mô hình Bootcamp), Sử dụng công nghệ trong giảng dạy (Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) để nâng cao trải nghiệm học tập).
Chúng ta cần xây dựng trung tâm nghiên cứu: Thành lập các cơ sở đào tạo công nghệ mũi nhọn, liên kết với các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Việc giữ chân và thu hút nhân tài, cần áp dụng chính sách đãi ngộ như giảm thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia CNTT, đồng thời thu hút Việt kiều và nhân tài quốc tế bằng môi trường làm việc hấp dẫn. Nâng cao chất lượng đầu vào và chính sách hỗ trợ: Tuyển sinh có chọn lọc, Hỗ trợ tài chính cho sinh viên xuất sắc.
Chúng ta rất cần có chiến lược tổng thể và bài bản phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển đội ngũ giảng viên chất lượng cao: Bồi dưỡng chuyên môn cho giảng viên và Tăng cường nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
Ngoài ra, cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tinh thần kỹ thương và chuyển đổi số nhằm đáp ứng các thay đổi mới. Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, khuyến khích sinh viên khởi nghiệp, tạo môi trường thực hành qua Hackathon, cuộc thi lập trình.
Chúng ta cũng cần tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp: Hợp tác đào tạo theo mô hình "học đi đôi với hành", mời chuyên gia từ doanh nghiệp giảng dạy, xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các dự án nghiên cứu và ứng dụng thực tế trong doanh nghiệp.
Cuối cùng, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của tập đoàn công nghệ hàng đầu để nâng cao chất lượng đào tạo.
Vai trò của Hội Tin học Việt Nam, với tư cách là cầu nối giữa cộng đồng công nghệ thông tin, doanh nghiệp, viện nghiên cứu và cơ quan quản lý nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết 57.
Điều này được thể hiện ở rất nhiều khía cạnh và xuyên suốt trong tất cả các hoạt động của Hội.
Thứ nhất, Hội Tin học Việt Nam là cầu nối giữa các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực CNTT và các cơ quan quản lý nhà nước. Thông qua các hoạt động như tổ chức hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, chúng tôi sẽ tạo ra một không gian để trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy KHCN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia.
Thứ hai, Hội Tin học Việt Nam có đội ngũ các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực CNTT sẽ tham gia tích cực vào việc xây dựng, tư vấn, phản biện các chính sách liên quan đến CNTT và CĐS, góp phần tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của ngành CNTT.
Thứ ba, Hội Tin học Việt Nam là cầu nối giữa các trường Đại học đào tạo chuyên về lĩnh vực CNTT với doanh nghiệp để đào tạo những ngành nghề đang rất "hot" mà doanh nghiệp đang cần… đặc biệt là trong các lĩnh vực mới như AI, Big Data, an ninh mạng.
Một cách cụ thể, Hội Tin học Việt Nam thúc đẩy các hoạt động: Tư vấn chính sách (đóng góp ý kiến, đề xuất cơ chế cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo), Kết nối cộng đồng (tạo nền tảng để các chuyên gia, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp trao đổi về xu hướng công nghệ và chuyển đổi số).
Đồng thời phổ biến tri thức (tổ chức hội thảo, diễn đàn để nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho xã hội), Thúc đẩy khởi nghiệp (hỗ trợ các startup công nghệ tiếp cận nguồn lực tài chính, cố vấn và kết nối với quỹ đầu tư).
Trong kế hoạch dài hơn, Hội Tin học Việt Nam tích cực tham gia xây dựng chiến lược:
Tư vấn hỗ trợ Chính phủ cụ thể hóa các chính sách trong Nghị quyết 57, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia, tổ chức các diễn đàn quốc gia (mời chuyên gia từ Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Israel, Singapore chia sẻ kinh nghiệm, tạo cơ hội hợp tác và học hỏi)
Đẩy mạnh đào tạo: Triển khai các chương trình chứng nhận kỹ năng CNTT, cập nhật xu hướng mới như AI, blockchain, điện toán đám mây cho sinh viên và nhân lực hiện tại,
Hỗ trợ địa phương: Tư vấn cho các tỉnh, thành phố xây dựng lộ trình chuyển đổi số phù hợp với điều kiện thực tế, Tăng cường hợp tác quốc tế: Liên kết với các tổ chức CNTT toàn cầu để thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Xin cảm ơn những chia sẻ của Giáo sư!