Grab thống trị mảng giao đồ ăn ở Đông Nam Á
Grab đóng góp gần một nửa Tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) trong lĩnh vực giao đồ ăn của khu vực Đông Nam Á, đạt 5,9 tỷ USD. Họ cũng đang đứng đầu tại 5/6 thị trường vào năm ngoái theo báo cáo của công ty Momentum Works.
Đứng vị trí thứ 2 là Foodpanda với GMV đạt 2,5 tỷ USD và Gojek xếp thứ 3 với 2 tỷ USD.
Báo cáo nhấn mạnh rằng GMV trong lĩnh vực giao đồ ăn tại Đông Nam Á đã tăng 183% so với năm trước, đạt 11,9 tỷ USD trong năm 2020. Sự cạnh tranh trên thị trường giao đồ ăn trong khu vực cũng được đẩy lên cao bởi đại dịch, cùng với những yếu tố như tốc độ tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa và sự phổ biến của điện thoại thông minh.
Trong khi những siêu ứng dụng như Grab và Gojek đã mở rộng sang dịch vụ B2B để tiếp cận các làn sóng doanh thu mới nhưng những công ty toàn cầu như Foodpanda và Deliveroo chỉ tập trung vào việc thu hút những khách hàng mới thông qua chi tiêu cho những khuyến mại khủng.
Tuy nhiên, Momentum Works nói rằng các công ty cần kiếm soát chi phí giữ chân và thu hút khách hàng và tìm cách tạo ra được doanh thu phụ gồm quảng cáo và tài chính để có thể có lợi nhuận và bền vững trong dài hạn.
Indonesia, Thái Lan và Singapore hiện xếp là những thị trường giao đồ ăn lớn nhất tại Đông Nam Á, đóng góp lần lượt 3,7 tỷ USD, 2,8 tỷ USD và 2,4 tỷ USD GMV.
"Thành công của Meituan ở Trung Quốc – một quốc gia mà chi phí đồ ăn và lao động khá rẻ cho thấy tốc độ tăng trưởng và lợi nhuận có thể cùng đạt được với các siêu ứng dụng. Đây là bài học để những đơn vị trong khu vực có thể tham khảo".
Để chiếm được thị phần cao hơn trong dịch vụ giao đồ ăn tại Đông Nam Á, những công ty tham gia cần phải cân bằng được mức giá thấp với khối lượng giao dịch và mật độ lớn hơn.
Các công ty cũng có thể cung cấp dịch vụ chuyên biệt hóa cho những nhà hàng độc lập với nguồn lực giới hạn. Họ cũng cần xem việc thực hiện những khoản đầu tư tương xứng với cơ sở hạ tầng nhằm giải quyết các vấn đề ở những thị trường khác nhau như một yếu tố chủ chốt.
Theo Techinasia