Hà Nội: Sớm đồng bộ, thống nhất việc thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt

10:14, 09/07/2024

Các điểm trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt được triển khai trên địa bàn Hà Nội đã phát huy tính ưu việt. Thời gian tới, Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá điều kiện đối với 100% các điểm trông, giữ phương tiện để tham mưu UBND TP. Hà Nội chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất việc thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt trên toàn thành phố.

Đại diện công an TP Hà Nội cho biết, để cụ thể hóa các nhiệm vụ thuộc Đề án số 06 của Chính phủ, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Cục Cảnh sát QLHC về TTXH - Bộ Công an và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thí điểm việc thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt đối với 3 bãi đỗ xe máy, 4 bãi đỗ xe ô tô tại phủ Tây Hồ và chùa Trấn Quốc.

Trên cơ sở đánh giá các kết quả thực hiện thí điểm tại phủ Tây Hồ và chùa Trấn Quốc, Công an TP đã phối hợp với Sở GTVT Hà Nội tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 17/4/2024 về việc triển khai ứng dụng giải pháp công nghệ để tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không sử dụng tiền mặt trên địa bàn.

Hà Nội: Sớm đồng bộ, thống nhất việc thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt- Ảnh 1.

Sớm nhân rộng các mô hình thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt. Ảnh minh họa, internet

Theo đó, Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ thành phố Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm, UBND quận Tây Hồ được UBND Thành phố giao nhiệm vụ triển khai thực hiện thí điểm. UBND thành phố cũng khuyến khích các địa phương khác thực hiện chủ trương này.

Đến nay, trên địa bàn thành phố đã triển khai 64 điểm đỗ xe thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt, gồm: Hoàn Kiếm (24 điểm), Nam Từ Liêm (9 điểm), Cầu Giấy (9 điểm), Tây Hồ (8 điểm), Đống Đa (4 điểm), Hai Bà Trưng (4 điểm), Bắc Từ Liêm (4 điểm), Ba Đình (2 điểm).

Việc triển khai điểm thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt nhằm thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ và Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; từng bước hình thành hệ thống giao thông thông minh; từng bước tạo thói quen không sử dụng tiền mặt khi thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe của người dân trên địa bàn Thành phố; tăng cường công tác quản lý nhà nước đồng thời minh bạch trong công tác thu giá dịch vụ trông giữ xe tại các bãi đỗ xe, điểm trông giữ xe tạm thời; bảo đảm an ninh, trật tự, đô thị ngăn nắp, xã hội văn minh.

Theo tổng hợp của Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, từ ngày 15/4/2024 đến nay, tại 64 điểm đỗ xe đã có hơn 170.000 lượt giao dịch thanh toán phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt qua hệ thống QR code, ứng dụng VETC, ePass và MTC (đạt 90% tổng số lượt giao dịch), tổng số tiền giao dịch hơn 2,1 tỷ đồng.

Tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đối với xe ô tô đạt 98% và đối với xe máy đạt 87%; các trường hợp sử dụng tiền mặt chiếm tỷ lệ rất ít, chủ yếu là người cao tuổi chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện thanh toán qua các ứng dụng.

Đây là những tín hiệu khả quan, bước đầu cho thấy biện pháp này đã đi vào đời sống, được đa số người dân rất đồng tình, ủng hộ. 

Anh Vũ Toàn Thắng, trú tại quận Đống Đa Hà Nội chia sẻ: “Hàng ngày, tôi thường xuyên di chuyển bằng ô tô cá nhân vào các quận nội thành (như Hoàn Kiếm, Ba Đình) để giải quyết công việc. Từ khi Hà Nội triển khai các điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt, việc gửi xe rất thuận tiện, nhanh chóng và đặc biệt tâm lý của người dân như tôi rất thoải mái khi gửi xe tại các điểm này, không còn tình trạng bức xúc khi bị "chặt chém", thu quá giá dịch vụ trông, giữ xe như thời gian trước đây”.

Hà Nội: Sớm đồng bộ, thống nhất việc thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt- Ảnh 2.

Ảnh minh họa, internet

Tuy nhiên, theo nhận định của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn được doanh nghiệp trông giữ xe phản ánh như hệ thống công nghệ, máy quét biển số vẫn còn bất cập, lỗi hoặc treo. Bên cạnh đó, nhiều người dân vẫn quen với việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch hằng ngày, đặc biệt là người lớn tuổi, có tâm lý e ngại khi sử dụng những công nghệ mới…

Theo giới chuyên gia giao thông, để việc thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt được thuận lợi, tăng nguồn thu ngân sách, Hà Nội cần có những biện pháp chặt chẽ hơn trong việc quản lý những bãi trông giữ xe tự phát.

Có thể xem xét cấp giấy phép tạm cho các bãi trông giữ đủ điều kiện; đồng thời bắt buộc phải ứng dụng công nghệ thu phí không dùng tiền mặt. Càng nhiều điểm trông giữ xe áp dụng thu phí không dùng tiền mặt, lĩnh vực này sẽ càng công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân cũng như cơ quan quản lý Nhà nước.

Những điểm trông giữ xe không đạt yêu cầu, lực lượng chức năng cần mạnh tay xóa bỏ để làm trong sạch toàn hệ thống, bảo đảm công bằng, rõ ràng với doanh nghiệp và người dân.

Tại hội nghị giao ban diễn ra vừa qua, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo: “Trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH chủ trì, phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng thuộc Sở GTVT và các đơn vị có liên quan kịp thời nắm bắt tình hình, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thí điểm; đồng thời, tiến hành khảo sát, đánh giá điều kiện đối với 100% các điểm trông, giữ phương tiện để tham mưu UBND TP chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất việc thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt trên toàn thành phố”.

UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu xây dựng hình ảnh nhận diện chung cho các điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt do UBND Thành phố cấp phép. Nghiên cứu đưa ra chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số trong trông giữ xe.

Theo Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị

(https://doanhnghieptiepthi.vn/ha-noi-som-dong-bo-thong-nhat-viec-thu-phi-do-xe-khong-dung-tien-mat-161240708113404395.htm)