Lợi ích 'kép' từ thanh toán không dùng tiền mặt

15:14, 11/06/2024

Từ những khởi đầu đầy lạ lẫm, thanh toán không tiền mặt đang trở thành thói quen với nhiều người dân từ thành thị đến nông thôn, từ các siêu thị, nhà hàng, chợ dân sinh, điểm trông giữ xe, thậm chí cả quán trà đá vỉa hè... đều sử dụng hình thức thanh toán phi tiền mặt.

Người dân quét mã QR thanh toán tại siêu thị. Ảnh minh họa

Bùng nổ quét mã QR code

Thực tế cho thấy, kể từ khi xuất hiện đại dịch COVID-19 năm 2020 nên việc thanh toán hàng hoá không dùng tiền mặt đã trở nên phố biến. Điều đó được duy trì từ đó đến nay và đã "in hằn" vào nếp sống của phần lớn người dân Việt Nam thay thế cho thói quen sử dụng tiền mặt.

Từ việc còn khá e dè, ngại ngần với việc chuyển khoản, quét mã QR code… đến thời điểm này, rất nhiều người từ bà nội trợ, tiểu thương, đến các em sinh viên… ở bất cứ nơi đâu, với một vài thao tác trên chiếc điện thoại thông minh đã khá thành thục trong việc thanh toán phi tiền mặt.

Chị Nguyễn Hồng Nhung (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Hiện nay mạng wifi phổ cập khắp nơi, ai ai cũng có chiếc điện thoại thông minh nên mua cái gì dù nhỏ nhất tôi cũng chuyển khoản luôn mà cũng không mất đồng chi phí nào. Việc quét mã QR rất tiện lợi, tôi không cần phải lo mang theo tiền mặt khi đi mua sắm ở bất kỳ đâu".

Là một tiểu thương ở chợ Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội), chị Bùi Thị Tâm cho biết, việc thanh toán bằng hình thức chuyển khoản tạo thuận tiện cho người bán và người mua hàng, chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR của các ngân hàng là khách hàng có thể thanh toán, chuyển tiền vào tài khoản người bán.

"Bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, tôi không mất thời gian đổi tiền lẻ để trả tiền thừa cho khách hàng, quản lý tốt số tiền bán hàng trong ngày", chị Tâm nói.

"Khách bây giờ mua mớ rau 5 nghìn đồng cũng chuyển khoản rồi, thậm chí nhiều người 1-2 nghìn cũng chuyển vì họ không dùng tiền mặt. Theo tôi, thời gian đầu thấy bất tiện, nhưng lâu dần cũng quen và cảm thấy tiện lợi vì không phải chuẩn bị tiền lẻ nhiều như trước", chị Quyên (chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

"Giờ chẳng mấy ai trả tiền mặt, trừ một số người lớn tuổi chứ người trẻ phần lớn là chuyển khoản. Khách bây giờ mua mớ rau 5 nghìn đồng cũng chuyển khoản rồi, thậm chí nhiều người 1-2 nghìn cũng chuyển vì họ không dùng tiền mặt. Lúc đầu, tôi cũng không có tài khoản, nhưng ngày càng nhiều trả tiền chuyển khoản nên phải làm tài khoản, in mã QR để khách thanh toán", bà Hiền, chủ quán nước trà đá thuộc quận Tây Hồ chia sẻ.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP. Hà Nội cho thấy, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch điện tử ước đạt 45%; tỷ lệ thanh toán hóa đơn tiền nước không dùng tiền mặt đạt 97%. Đặc biệt, tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt lên tới 99,9%...

Lợi ích 'kép' từ thanh toán không dùng tiền mặt- Ảnh 2.

Nhiều tiểu thương chợ dân sinh cũng đã dán mã quét QR để người dân tiện thanh toán. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trên các lĩnh vực

Theo Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, với quyết tâm đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng TP. Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó nhiều nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế số được Thành ủy đề ra hướng tới mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Hà Nội khoảng 30%.

Mới đây nhất, tại Kế hoạch số 239/KH-UBND về việc chuyển đổi số, xây dựng TP. Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng 2030, Thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên tất cả các lĩnh vực.

Đồng thời, triển khai hiệu quả các kế hoạch phát triển hóa đơn điện tử, biên lai điện tử. Khuyến khích các ngân hàng, doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng trên địa bàn Thành phố đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển, cung ứng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích, giá trị thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Để thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn, UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu các cơ quan khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, nhất là các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, các doanh nghiệp cơ sở kinh doanh, người dân phối hợp với đơn vị cung ứng dịch vụ công và các tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Hà Nội.

Trong lĩnh vực giao thông, mới đây, Sở Giao thông Vận tải và UBND quận Hoàn Kiếm giao Công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ xe Hà Nội thí điểm ứng dụng công nghệ vào quản lý, điều hành các bãi trông giữ xe do công ty quản lý. Việc thực hiện được triển khai tại 7 bãi trông giữ xe ôtô và xe máy (bao gồm cả bãi kín và bãi lòng đường) trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Sau hơn 1 tháng triển khai, kết quả thí điểm thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt khả quan. Người dân và cả doanh nghiệp đều nhận thấy hoạt động dịch vụ tại các bãi xe đang thí điểm rất thuận lợi, phần lớn người dân đã quen dần với việc thanh toán qua ứng dụng điện tử tại các bãi đỗ xe.

Đặc biệt, trong chính sách an sinh xã hội, thực hiện Chỉ thị, kế hoạch của UBND TP. Hà Nội về việc tăng cường hỗ trợ công dân mở tài khoản phục vụ chi trả ưu đãi an sinh xã hội không dùng tiền mặt, các địa phương trên địa bản Hà Nội đã đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Qua thực tế triển khai, việc chi chế độ an sinh qua tài khoản mang đến nhiều tiện ích. Rõ nhất là người thụ hưởng không phải chờ đợi, xếp hàng chờ lĩnh tiền và số tiền nhận về bảo đảm an toàn, chính xác. Với những trường hợp ít phải sử dụng đến khoản tiền nhận về hằng tháng, họ có thể để tiền trong tài khoản như một hình thức tiết kiệm và được hưởng lãi…

Có thể thấy, thanh toán không dùng tiền mặt đang góp phần quan trọng lan tỏa tiện ích của những phương thức thanh toán hiện đại tới cộng đồng, qua đó nâng cao chất lượng đời sống người dân, hướng đến mục tiêu xã hội số trong tương lai không xa.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

(https://thanglong.chinhphu.vn/loi-ich-kep-tu-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-103240611115150263.htm)