Hết rồi, thời miễn phí nghe nhạc

10:06, 13/08/2012

Thông tin một công ty mua lại bản quyền nhạc số trên di động và internet dù chưa chính thức được “bung” ra nhưng sẽ được công bố sớm trong thời gian tới.


Trước đây, những người bạn nước ngoài của tôi chia sẻ rằng, họ cảm thấy ganh tỵ với người Việt bởi không ở đâu như ở ta, khi mà tất cả những sản phẩm âm nhạc dù nổi tiếng, đình đám cỡ nào cũng có thể dễ dàng có được từ... trên mạng. Từ lâu, internet được coi là “mảnh đất vàng” cho những ai yêu thích nghệ thuật nhưng không thích phải... trả tiền. Chỉ một cú nhấp chuột, thế là tất cả đã nằm gọn trong máy để tha hồ sử dụng.


Hình minh họa


Thật ra Việt Nam đã ký công ước Berne từ cách đây gần 10 năm (2004) nhưng việc đưa công ước này vào thực tế vẫn còn là rất hạn chế. Cách đây vài ba năm, khán giả hoàn toàn có thể tự do tải về từ ZingMP3, một trong những trang web nghe nhạc trực tuyến lớn của Việt Nam đủ các thể loại nhạc cả Việt Nam lẫn quốc tế mà không cần phải suy nghĩ gì.


Hiện tại, theo tiết lộ từ phía công ty đã mua bản quyền nhạc số kia, các đại diện của các trang web kinh doanh trực tuyến đã ngồi lại với nhau để nói về... bản quyền. Như đã nói, nhiều người tỏ ra nuối tiếc vì thời miễn phí sẽ dần đi qua, nhưng tôi cho rằng, điều đó là cần thiết để phát triển.


Cá nhân tôi cho rằng, tình trạng bê bối của âm nhạc Việt Nam hiện tại một phần cũng là bởi chúng ta quản lý bản quyền khá... tệ. Ở nước ngoài, ca sĩ phát hành đĩa hoàn toàn có thể trông chờ vào một nguồn thu kha khá từ việc bán đĩa, còn ở Việt Nam việc phát hành đĩa mang ý nghĩa... PR nhiều hơn. Bởi ngay khi đĩa vừa phát hành, nó đã xuất hiện ngay trên mạng và vài ngày sau đã có... đĩa lậu.


Ở một khía cạnh khác, các ca sĩ đã mặc nhiên chấp nhận việc khán giả sử dụng chùa sản phẩm của mình, nhiều người còn tỏ ra rất “hợp tác” với các trang web âm nhạc trực tuyến khi sẵn sàng cung cấp miễn phí. Vậy nên, ca sĩ Việt cũng khá lười... ra đĩa, đầu tư ít hơn, thay vào đó, họ lựa chọn cách ra single, vừa rẻ tiền hơn mà vẫn đảm bảo được yếu tố PR.


Nói chuyện với Phùng Tiến Công, một người đã lăn lộn lâu năm với “nền kinh doanh” âm nhạc trực tuyến, anh nói việc xiết chặt bản quyền này cũng là điều hiển nhiên và cần thiết. “Thật ra, việc trả tiền để nghe nhạc cũng sẽ có lợi cho cả khán giả, bởi họ sẽ được phục vụ một cách tốt hơn, các trang web nghe nhạc trực tuyến cũng sẽ buộc phải đầu tư tốt hơn bởi với việc cho tải miễn phí, họ cũng không được lợi lộc gì ngoài việc tăng view để quảng cáo.”


Có một góc nhìn mà tôi nghĩ khá chủ quan từ phía tôi, đó là với việc xiết chặt bản quyền này, chúng ta cũng sẽ góp phần nâng cao hơn mặt bằng ca sĩ. Bởi khi bạn phải bỏ tiền ra để mua nhạc thay vì tải miễn phí, bạn sẽ phải lựa chọn những sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Do đó, các ca sĩ hát dở sẽ không còn nhiều đất để sống.


Vấn đề nào cũng có tính hai mặt, có thể tôi hơi lạc quan bởi với việc xiết chặt bản quyền trên internet và di động này sẽ không thể xoá hết nạn “xài chùa”, xài lậu hiện nay nhưng nó có lẽ sẽ hạn chế phần nào. Cho đến khi nào ý thức của những người dùng hãy còn chưa được nâng cao, thì bản quyền vẫn sẽ chỉ là câu chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi...


Theo VnNew/TinNhanh
TIN LIÊN QUAN