Hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp, người lao động gặp khó do COVID-19

07:32, 09/06/2021

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế. BHXH Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cụ thể để doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn, hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Người lao động được hỗ trợ cụ thể khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Sụt giảm số lượng tham gia BHXH, BHTN

Báo cáo tổng hợp của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 31/5, số người tham gia BHXH, bảo hiểm tự nguyện  tuy chưa “bù” lại đủ số đã giảm trong những tháng đầu năm do tác động của dịch COVID-19, nhưng đều có số tăng so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, tổng số người tham gia BHXH trên toàn quốc là trên 16,17 triệu người (đạt 32,49% lực lượng lao động), đạt 91,3% kế hoạch BHXH Việt Nam đặt ra, tăng trên 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm 2020, nhưng vẫn giảm 38.941 người so với hết năm 2020.

Tại hội nghị giao ban công tác tháng 6 của BHXH Việt Nam, ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý thu-sổ, thẻ đã phân tích cụ thể những nguyên nhân của sự sụt giảm trên. Theo đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 với những diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trong các khu công nghiệp lớn tại một số tỉnh, thành phố đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (DN). Bên cạnh đó, những vướng mắc về cơ chế, chính sách (việc xử lý đối với đơn vị, DN phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động...) vẫn chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Mặt khác, nhiều nhóm đối tượng cũng có sự biến động về tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) khi một số chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho đối tượng chính sách (người dân tộc thiểu số, người sinh sống vùng bãi ngang...) được rà soát lại, có khoảng “chờ” chính sách mới được ban hành.

“Tuy nhiên, sự sụt giảm cũng đến từ nguyên nhân chủ quan, do có sự tăng trưởng không đều giữa các địa phương”, ông Dương Văn Hào chỉ rõ. Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện, BHYT có địa phương tăng cao, nhưng có nơi lại “dậm chân tại chỗ”, cho thấy còn nhiều địa phương chưa có sự quyết liệt, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ.

Báo cáo kết quả giải quyết hưởng các chế độ BHXH, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH Đỗ Ngọc Thọ cho biết, trong 5 tháng đầu năm, số người đề nghị hưởng BHXH một lần vẫn có chiều hướng gia tăng.

Trong tháng 5 vừa qua, có 103.918 người hưởng BHXH một lần, nâng tổng số 5 tháng đầu năm lên 469.744 người. Số người giải quyết hưởng mới bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tăng thêm 74.634 người trong tháng 5, lũy kế 5 tháng đầu năm là 295.989.

Bên cạnhh đó, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHTN vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, đơn vị (như giả mạo chứng từ, mua bán, cấp khống giấy tờ, khai khống hồ sơ hưởng chế độ…). Nguyên nhân một phần là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, NLĐ bị mất việc làm, không có đủ thu nhập để đảm bảo cuộc sống. Ông Đỗ Ngọc Thọ cũng cho biết, nhiều NLĐ muốn chốt sổ BHXH để lấy một lần, hoặc được giải quyết chế độ hưu trí, nhưng lại đang “vướng” do DN vẫn còn đang nợ một số tháng tham gia BHXH.

Cài đặt ứng dụng VssID - BHXH số giúp bảo vệ quyền lợi của người lao động

Nhiều hỗ trợ cụ thể

Nhằm chia sẻ khó khăn với các DN và người lao động (NLĐ), BHXH Việt Nam đã thống nhất với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình Chính phủ phương án tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo đó, DN được tạm dừng đóng khi giảm từ 10% số NLĐ tham gia BHXH trở lên (tại thời điểm nộp hồ sơ so với thời điểm tháng 4/2021), đã đóng đủ BHXH đến hết tháng 4/2021 và hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực: Vận tải (hàng không, đường bộ, đường thủy); khách sạn, nhà hàng; du lịch; giáo dục, văn hóa, thể thao hoặc các DN hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp, hoặc khu làm việc tập trung bị cách ly, phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

“Dự báo, có khoảng 39.000 đơn vị, DN với khoảng 1,15 triệu NLĐ và số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất khoảng 8.450 tỷ đồng”, BHXH Việt Nam tính toán.

Cùng với việc cho tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất, BHXH Việt Nam cũng đề xuất chính sách hỗ trợ NLĐ thực hiện cách ly y tế từ quỹ BHTN. Cụ thể, hỗ trợ NLĐ thuộc diện F1, F2 phải cách ly theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, với mức hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày (bằng mức tiền ăn trong thời gian cách ly theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 16 của Chính phủ); thời gian áp dụng từ 1/6 đến hết 31/12/2021.

Cùng với đó, BHXH Việt Nam đang đề xuất trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ quan BHXH thực hiện chi trả cho NLĐ theo phương thức do NLĐ lựa chọn (chi trả bằng tiền mặt, hoặc chi trả qua tài khoản cá nhân). Trường hợp trong thời gian cách ly, NLĐ chưa cung cấp đủ thông tin để xác nhận hưởng hỗ trợ thì có thể hoàn thiện cung cấp thông tin sau khi cách ly để hưởng chính sách hỗ trợ.

Chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc được đề cập theo các lĩnh vực quản lý, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn yêu cầu, trong tuần này sẽ có cuộc làm việc riêng với các đơn vị nghiệp vụ để trao đổi cụ thể, giải quyết những vấn đề còn tồn tại về thực hiện chính sách BHYT.

Về việc giải quyết chế độ cho NLĐ tại những DN đang nợ BHXH, Phó Tổng Giám đốc BHXH Lê Hùng Sơn cho biết, BHXH Việt Nam đã hướng dẫn BHXH TP. Hà Nội giải quyết các trường hợp này theo cách chốt sổ một lần cho người có yêu cầu; giải quyết chế độ hưu trí cho người đã đủ thời gian hưởng lương hưu theo thời gian thực đóng. Số tháng mà DN còn nợ, sau khi DN thực hiện hết nghĩa vụ, sẽ thực hiện điều chỉnh bổ sung cho NLĐ. Giải pháp này sẽ được hướng dẫn cho các địa phương trên toàn quốc.

Theo/baochinhphu.vn