Hỗ trợ doanh nghiệp xã hội phát triển sáng tạo, gia tăng tác động xã hội
Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp xã hội đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội Việt Nam đổi mới sáng tạo trong những năm tới trong bối cảnh nền kinh tế số, chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay...
Hội Hữu nghị Việt Nam - Singapore (VSFA), Công ty Cổ phần Nghiên cứu Ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa Hà Nội (BK Fund) và Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển (IID) vừa phối hợp tổ chức lễ công bố “Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp xã hội đổi mới sáng tạo - Social Enterprise Innovation Supporting Program”.
Chương trình ra đời nhằm tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội Việt Nam đổi mới sáng tạo trong những năm tới trong bối cảnh nền kinh tế số, chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.
Doanh nghiệp xã hội tạo ra nhiều việc làm cho cộng đồng.
Chương trình được chính thức triển khai với sự thành công của “Social Enterprise Innovation Program 2024 -Thúc đẩy Doanh nghiệp xã hội phát triển bao trùm” (SEIP 2024).
SEIP 2024 là chương trình đào tạo chuyên sâu nhằm nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ mới, cải tiến tổ chức sản xuất và kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực và quản trị doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong hoạt động của doanh nghiệp.
Đồng thời, cung cấp cho các doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp tạo tác động và doanh nghiệp xã hội khởi nghiệp các công cụ hiệu quả để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, bán hàng và truyền thông.
Sau quá trình mở đơn và tuyển chọn, 17 doanh nghiệp đã được lựa chọn để tham gia vào quá trình đào tạo chuyên sâu, được tổ chức trong tháng 10/2024.
Phát biểu tại lễ công bố, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Singapore, cho rằng sáng kiến Chương trình Social Enterprise Innovation Supporting Program của Hội Hữu nghị Việt Nam - Singapore hướng tới là chương trình được tổ chức thường niên cùng với sự tham gia, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân Việt Nam và Singapore với sứ mệnh đồng hành cùng sự phát triển, đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp xã hội trên cả nước.
Sự kiện sẽ là khởi đầu của một tương lai đầy triển vọng, hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội phát triển sáng tạo, bền vững và gia tăng tác động xã hội.
Ông Jaya Ratnam, Đại sứ Singapore tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, xây dựng một nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo là một ưu tiên và là mối quan tâm của hai nước. Singapore và Việt Nam nằm trong top ba hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu ở Đông Nam Á.
Với mục tiêu chung là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua công nghệ và đổi mới, chúng ta có thể khai thác hệ sinh thái đổi mới của nhau để xây dựng các quan hệ đối tác, thu hút đầu tư và phát triển nguồn nhân lực. Chú trọng vào đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trang bị nguồn lực cho doanh nghiệp xã hội Việt Nam sẽ giúp tăng cường khả năng giải quyết các vấn đề xã hội một cách bền vững.
Nhấn mạnh tại lễ công bố, PGS Trương Thị Nam Thắng, Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân, Nghiên cứu trưởng Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển (IID), cho rằng doanh nghiệp xã hội có vai trò quan trọng trong tạo tác động xã hội.
Cụ thể, tạo việc làm và cơ hội tiếp cận việc làm bình đẳng; đáp ứng các nhu cầu cơ bản trong xã hội; tăng khả năng tiếp cận tài chính; phân phối công bằng các nguồn lực có hạn trong xã hội; bảo vệ môi trường – đảm bảo công bằng cho thế hệ tương lai; đồng thời phát triển con người, phát triển cộng đồng địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay điểm yếu của khu vực doanh nghiệp xã hội là kỹ năng kinh doanh còn hạn chế; khó khăn trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng; năng lực công nghệ kém; khó khăn trong đo lường - báo cáo tác động xã hội; khả năng tăng trưởng, đón nhận đầu tư chưa cao.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua doanh nghiệp xã hội đối mặt với nhiều thách thức như Covid - 19 và các hệ luỵ của nó; thiếu khung chính sách và pháp lý chuyên biệt; thách thức trong tiếp cận hỗ trợ tài chính, kỹ thuật; chịu sự cạnh tranh về giá với các doanh nghiệp thương mại…
Để doanh nghiệp xã hội phát triển bền vững, theo PGS Trương Thị Nam Thắng, đòi hỏi cần có hệ sinh thái cho doanh nghiệp xã hội. Bao gồm sự ghi nhận pháp lý; có tổ chức hỗ trợ, trung gian; đầu tư tạo tác động và cần sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ, các doanh nghiệp lớn.
Cùng với đó, cần có chính sách dành riêng cho khu vực doanh nghiệp xã hội; có Hiệp hội, tiếng nói chung và các tổ chức hỗ trợ phân mảnh.
“Chúng ta có thể học hỏi một số thông lệ trên thế giới dành cho doanh nghiệp xã hội. Họ có Luật riêng cho doanh nghiệp xã hội; thực hiện miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp xã hội; miễn giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp đầu tư vào doanh nghiệp xã hội; đưa ra gói nâng cao năng lực cho khu vực doanh nghiệp này…”, PGS Trương Thị Nam Thắng nói.
Đặc biệt, với sự khởi động “Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp xã hội đổi mới sáng tạo”, đây sẽ là đòn bẩy giúp các doanh nghiệp xã hội của Việt Nam nâng cao năng lực trong hoạt động kinh doanh của mình.