“Hóa rồng” từ khoa học, công nghệ
Ngày 22/12, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (gọi tắt là Nghị quyết). Đây thực sự là Nghị quyết mang tầm chiến lược để nước ta đi tắt, đón đầu đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, đưa đất nước “hóa rồng” trong kỷ nguyên mới.
Về mục tiêu, Nghị quyết vạch ra tầm nhìn và mục tiêu cụ thể, bao gồm quy mô kinh tế số tới năm 2030 tối thiểu đạt 30% GDP, đến năm 2045, tỉ lệ này ít nhất đạt 50%. Đồng thời, đưa nước ta trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…
Đặc biệt, theo Nghị quyết, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số do đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban; đồng thời thành lập Hội đồng Tư vấn quốc gia về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước.
Nhìn vào lịch sử phát triển của nhân loại, thế giới đã trải qua các thời kỳ phát triển mang tính đột phá. Từ nền công nghiệp đầu máy hơi nước, đến nền công nghiệp nặng, công nghệ và nay là kỷ nguyên số. Trong tiến trình lịch sử đó, quốc gia nào làm chủ được khoa học, đất nước đó sẽ phát triển. Từ các nước Tây Âu, Mỹ đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel và một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác, sự phát triển của họ đều dựa trên nền tảng công nghiệp, công nghệ, số hóa…
Với nước ta, khởi thủy từ nền văn minh lúa nước, nên nông nghiệp vẫn là một trong những trụ cột của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong dòng chảy của kỷ nguyên số, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc. Chúng ta phát triển khoa học - công nghệ, số hóa vào tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội để thực hiện thành công chính quyền số - kinh tế số - xã hội số; chúng ta ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động, cây trồng, vật nuôi; nâng cao giá trị gia tăng từ nguồn tài nguyên sẵn có (khoáng sản, thủy, hải sản, lâm nghiệp), các sản phẩm từ nông nghiệp. Đặc biệt, đi tắt, đón đầu trong các lĩnh vực công nghệ chip, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp chất bán dẫn (những lĩnh vực được xem là thống trị trong kỷ nguyên số và khoa học, công nghệ, nền tảng trở nên giàu có cho mỗi quốc gia).
Với tố chất thông minh của người Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, có chiến lược phát triển khoa học công nghệ rõ ràng, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, trong thời gian không xa, Việt Nam sẽ vươn lên thành quốc gia của công nghệ, đây chính là điều kiện cần để đất nước “hóa rồng”.