Việt Nam cần hoàn thiện hành lang pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường số
Sáng 12/10, tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả tổ chức Hội nghị - Hội thảo hướng dẫn, phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; tuyên truyền, phổ biến nội dung cơ bản của một số Hiệp ước về quyền tác giả; cuộc biểu diễn và bản ghi âm và lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết về quyền tác giả, quyền liên quan.
Chủ trì hội nghị có các Lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả: ông Trần Hoàng - Cục trưởng, bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng, ông Trịnh Tuấn Thành - Phó Cục trưởng. Ngoài ra còn có sự tham dự của đại diện Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành; đại diện các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, các hội, hiệp hội, các tổ chức phát sóng, thư viện, trung tâm điện ảnh, triển lãm, bảo tàng, nhà hát, nhà xuất bản, khách sạn, siêu thị, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, cung cấp nội dung số, các tổ chức nghiên cứu, trường đại học, văn phòng luật, các chuyên gia và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.
Toàn cảnh Hội nghị - Hội thảo.
Hội nghị - Hội thảo hướng dẫn, phổ biến là dịp để các cán bộ quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, các tổ chức khai thác và sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan trên toàn quốc tiếp nhận các quy định pháp luật mới về quyền tác giả, quyền liên quan; trao đổi, thảo luận góp ý cho việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực này. Góp phần đưa pháp luật Sở hữu trí tuệ đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả chủ trì Hội nghị - Hội thảo.
Hội nghị - Hội thảo còn nhằm hướng dẫn, phổ biến với mục đích giới thiệu các nội dung sửa đổi, bổ sung về quyền tác giả, quyền liên quan trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; các nội dung của Hiệp ước WCT, Hiệp ước WPPT; dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; giới thiệu các quy định về thực thi, xử lý xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian; giới thiệu các quy định về tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; giới hạn và ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Bộ VHTTDL lấy ý kiến góp ý trực tiếp của các quý vị đại biểu, các chuyên gia… nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị định, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 11.2022.
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Trần Hoàng phát biểu khai mạc.
Phát biểu tại Hội nghị - Hội thảo, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Trần Hoàng cho biết tại Kỳ họp thứ III, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung 102/202 điều. Về quyền tác giả, quyền liên quan, Luật đã sửa đổi 26 điều, bổ sung 5 điều để đáp ứng yêu cầu quản lý và thực thi trên môi trường số.
Ông Trần Hoàng cũng nêu rõ, để hoàn thiện hàng lang pháp lý về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, cùng với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ VHTTDL cũng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền gia nhập 2 Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng là Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT). Việt Nam đã trở thành thành viên của Hiệp ước WCT từ ngày 17.2.2022 và là thành viên của Hiệp ước WPPT từ ngày 1.7.2022. Đây cũng là những hành động cụ thể để góp phần thực hiện chủ trương chủ động, tích cực tham gia chuyển đổi số cũng như hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Cũng theo Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2023. Để đảm bảo văn bản quy định chi tiết được ban hành và có hiệu lực cùng thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung, Bộ VHTTDL đang tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan và Thông tư quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký.
Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Phạm Thị Kim Oanh giới thiệu một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan
Thông tin thêm về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, Luật mới sẽ có nhiều quy định nhằm siết chặt quản lý, buộc các bên liên quan phải thực thi Quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan. Với những quy định này, bà Phạm Thị Kim Oanh khẳng định: “Sẽ không có chuyện các bên vô tư khai thác tác phẩm mà không đoái hoài gì đến lợi ích của chủ thể, tác giả. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa Luật sẽ hạn chế hạn chế sự tiếp cận của người dân với những tác phẩm văn học - nghệ thuật. Các quy định vẫn có “độ mở” nhất định nhằm tạo điều kiện để người dân được tiếp cận, tìm hiểu một cách hợp pháp, dễ dàng các tác phẩm này và thụ hưởng những giá trị mà các tác phẩm đó đem lại. Một số ngoại lệ cũng được Luật đưa ra dành cho người khuyết tật nhằm tăng cơ hội được tiếp cận tri thức với đối tượng gặp nhiều thiệt thòi này.”
Hội nghị - Hội thảo thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia.
Tại Hội nghị - Hội thảo, các chuyên gia trong lĩnh vực cùng các bên liên quan đã đóng góp nhiều ý kiến để việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đi vào thực chất, hiệu quả.
Ngoài ra, những góp ý về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan cũng sẽ được gửi về Bộ VHTTDL để tổng hợp, nghiên cứu, sớm hoàn thiện tờ trình trình Chính phủ.
Các đại biểu cũng đã sôi nổi, thẳng thắn góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan như: Vấn đề quản lý các trang web vi phạm nhưng máy chủ ở nước ngoài; tỉ lệ sao chép 10%; ngoại lệ không xâm phạm QTG dành cho người khuyết tật...
Nguyệt Hằng