Hoàn thiện quy định liên thông điện tử thực hiện thủ tục khai sinh, khai tử

16:40, 10/01/2024

Văn phòng Chính phủ đang dự thảo Nghị định quy định về hồ sơ, quy trình liên thông điện tử thực hiện tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả đối với 02 nhóm thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất.

Hoàn thiện quy định liên thông điện tử thực hiện thủ tục khai sinh, khai tử- Ảnh 1.

Liên thông điện tử thực hiện thủ tục khai sinh, khai tử.

Văn phòng Chính phủ cho biết, với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ người dân trên cơ sở ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử, ngày 06 tháng 01 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030 (Đề án 06), trong đó, yêu cầu phải thực hiện chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình hai (02) nhóm thủ tục hành chính thiết yếu (Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, hưởng mai táng phí) trên cơ sở xác thực, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cung cấp cho người dân.

Đây là các thủ tục hành chính gắn liền và phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân, liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân, có số lượng đối tượng thực hiện lớn với mỗi năm khoảng 1,4 triệu hồ sơ khai sinh và 680 nghìn hồ sơ đăng ký khai tử. Bên cạnh đó, các thủ tục này thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều ngành: y tế, tư pháp, công an, lao động, thương binh và xã hội, bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, các văn bản pháp luật mới chỉ quy định việc thực hiện thủ tục hành chính riêng lẻ hoặc thực hiện liên thông bằng hình thức trực tiếp (hồ sơ giấy) đối với các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, hưởng mai táng phí. Việc thực hiện liên thông này, bước đầu đã giúp người dân giảm thời gian đi lại để nộp hồ sơ, người dân chỉ cần trực tiếp đến một đầu mối để nộp hồ sơ và nhận kết quả, thay vì phải đi lại nhiều cơ quan để giải quyết thủ tục hành chính như trước đây, tuy nhiên, người dân vẫn phải chuẩn bị và nộp nhiều tờ khai, nhiều loại giấy tờ khác nhau, các thông tin phải khai báo nhiều lần và trùng lặp; việc luân chuyển hồ sơ giữa các cơ quan (Tư pháp; Công an; Lao động, Thương binh và Xã hội; Bảo hiểm xã hội) vẫn bằng hình thức thủ công, mất nhiều thời gian, chi phí, trong khi nhiều giấy tờ, dữ liệu đã được số hóa nhưng chưa được xác thực và tái sử dụng như: Căn cước công dân, hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, giấy chứng sinh,... Bên cạnh đó, trường hợp kiểm tra, xác minh thông tin trên hồ sơ giấy do người dân cung cấp cũng mất nhiều thời gian, nhất là việc đòi hỏi sự phối hợp của các cơ quan.

Liên thông điện tử 02 nhóm thủ tục hành chính

Chính vì vậy, để khắc phục những hạn chế trên, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ người dân cũng như nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí, giúp người dân sớm được thụ hưởng thành quả thiết thực của việc chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội, hệ thống thông tin của ngành y tế, ngành lao động – thương binh và xã hội, thời gian qua, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành: Tư pháp, Công an, Lao động – Thương binh và Xã hội, Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng quy trình thực hiện liên thông điện tử đối với hai (02) nhóm thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng (Văn bản số 2084/VPCP-KSTT ngày 30 tháng 3 năm 2023) triển khai thí điểm tại 02 địa phương là: Hà Nội, Hà Nam và triển khai toàn quốc từ ngày 10 tháng 7 năm 2023.

Theo tính toán sơ bộ, việc thực hiện liên thông điện tử đối với hai (02) nhóm thủ tục hành chính này sẽ cắt giảm hoặc tái sử dụng lại (theo hướng người dân chỉ khai báo thông tin, giấy tờ một lần) đối với tối thiểu 09 loại giấy tờ, gồm: 02 mẫu đơn, tờ khai, Danh sách, giấy báo tử, sổ bảo hiểm xã hội, giấy chứng sinh, trường hợp thanh toán phí giám định y khoa thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định, bảng kê các nội dung giám định, các loại giấy tờ tùy thân phải xuất trình (chứng minh nhân dân, hoặc căn cước công dân…) và 06 trường thông tin về họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch, nơi cư trú, trong đó có nhiều trường thông tin trùng lặp. Ước tính sơ bộ chi phí tiết kiệm khoảng 331 tỷ đồng/năm; trường hợp áp dụng chữ ký số trên ứng dụng của thiết bị di động giúp triển khai dịch vụ công toàn trình (mức độ 4) thì chi phí tiết kiệm được sẽ là 358,1 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, còn giúp giảm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết; rút ngắn thời gian luân chuyển hồ sơ; khắc phục được tình trạng sai lệch thông tin, làm giả hồ sơ; đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính; nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; góp phần thúc đẩy hình thành công dân số, xã hội số.

Tuy nhiên, quy trình này vẫn chưa liên thông xử lý hết các thủ tục hành chính có liên quan, ví dụ như nhóm thủ tục hành chính liên thông khai tử mới liên thông giải quyết hỗ trợ chi phí mai táng chưa liên thông giải quyết chế độ trợ cấp tuất hằng tháng và trợ cấp một lần dẫn đến đối tượng khi đi làm thủ tục phải thực hiện cả trực tuyến và trực tiếp gây phiền hà, khó khăn, người dân phải đi lại nhiều lần, nhiều cơ quan, tăng thời gian, chi phí tuân thủ.

Để triển khai hiệu quả, thực chất việc liên thông các thủ tục hành chính nhằm hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện hai (02) nhóm thủ tục hành chính thiết yếu, gắn liền với đời sống hằng ngày của người dân, Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về 02 dịch vụ công Đăng ký khai sinh – đăng ký khai tử - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú – trợ cấp mai táng phí theo trình tự thủ tục rút gọn, hoàn thành trong tháng 4 năm 2024. Việc ban hành Nghị định này làm cơ sở pháp lý cho việc hiện thực hóa các nội dung cải cách tại Đề án 06, giải quyết các bất cập, vướng mắc hiện nay.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây

Theo Báo điện tử chính phủ

https://baochinhphu.vn/hoan-thien-quy-dinh-lien-thong-dien-tu-thuc-hien-thu-tuc-khai-sinh-khai-tu-102240110144536745.htm