Hội chứng sính đẳng cấp

00:00, 08/05/2010

Một người bạn nước ngoài của tôi nói như thế này: “Nếu để nhận xét về thị hiếu tiêu dùng sản phẩm công nghệ, đặc biệt là máy điện thoại di động thì người Việt Nam là vô địch về việc “xính” thương hiệu”.

Câu chuyện Blackberry và iPhone
 
Ai cũng biết, dòng máy Blackberrry (BB) chỉ vài năm trước đây vẫn có thị trường khá đặc chủng, tức là chỉ dành cho những người dùng có hiểu biết khá tốt về máy móc, hệ điều hành, và thao tác với những tiện ích phức tạp bên trong. Thì nay, dường như sự phổ biến của sản phẩm này đã đến mức bão hòa. Thế nên, xu hướng chơi BB có vẻ đã “thu nạp” tất cả các tín đồ mà không phân biệt đẳng cấp. Điều đáng nói là, người dùng khi đến với BB cũng có nhiều kiểu, và không phải ai cũng đủ trình để hiểu, để sở hữu, và để “nghịch” BB.
 
Cái tâm lý “nghe nói”, “bồ hóng”với phong cách thời thượng dường như đang khá phổ biến trong xu hướng tiêu dùng điện thoại di dộng khiến cho nhiều “con giời” ham hố quẳng khá nhiều tiền lao vào công cuộc khẳng định mình bằng những chú dế lạ hoắc với bản thân... mà không biết nhu cầu thực của mình là gì? Có hợp với mình hay không?
 
Ngay tại thị trường máy di động Việt Nam lúc này, cơn sốt thương hiệu iPhone lại lần nữa leo lên đỉnh điểm. Chạy theo những chiêu quảng cáo, tiếp thị đầy sôi động của các nhà cung cấp là nhiều người với tâm lý chới với trong việc có nên dùng iPhone không? Những … “nhanh chân lên”, “cơ hội có một không hai”, “sử dụng đồ sành điệu giá không hàng hiệu”,….đã khiến các “gà” sa vào mê trận.
 
Với những người thực sự hiểu và có cảm hứng với các đặc trưng về thiết kế cũng như phá cách độc đáo trong các ứng dụng đi kèm của sản phẩm quả táo cắn dở này này thì không nói làm gì. Nhưng, ở nhiều góc độ khác thì iPhone lại đang trở thành nạn nhân của những cuộc săn hình ảnh, đẳng cấp, thú chơi… mà suy ra thì đều ảo cả.
 
Bàn luận về iPhone, trên các diễn đàn công nghệ có rất nhiều ý kiến đưa ra... và có nhiều suy luận nhiều chiều. Thậm chí có người còn nói rằng, iPhone bán giá thấp thì không còn đẳng cấp. Nếu vậy, câu hỏi đặt ra là có phải những người dùng iPhone rồi sẽ mất đẳng cấp khi có nhiều người sử dụng IP “giống” mình hay là IP bị mất " đẳng cấp" khi nhiều người sử dụng?
 

Một nick LoveIT, trên diễn đàn của xhtt.vn chứng kiến bối cảnh sôi sục của thị trường iPhone đã thốt lên cảm nghĩ: “Mọi người chúng ta xem sử dụng iPhone là để khẳng đẳng cấp là sao tôi không hiểu. Đẳng cấp là đẳng cấp gì, khoe sự giàu sang, sành điệu à? Chẳng hiểu nổi. Nếu là người có tài, có địa vị xã hội, giàu có thật sự thì không cần phải khẳng định những thứ đó, chỉ những người trưởng giả học làm sang mới xem việc mình sử dụng IP là để khẳng định đẳng cấp, nếu những người vì công việc bận rộn, phải di chuyển nhiều mà sử dụng IP thì không nói làm gì, đằng này tôi thấy nhiều người sử dụng IP như là để lòe thiên hạ, ngồi quán cà phê xem phim, nghe nhạc, vào những trang Web đen ... mà không biết sử dụng các tính năng khác…”

 

Theo một số người đã trải nghiệm và mất tiền phí cho việc tự tô vẽ đẳng cấp của mình thì các dòng điện thoại khác Nokia, Samsung, Sony Ericson cũng có các ứng dụng không thua kém gì iPhone, nhưng số tiền lại rẻ hơn nhiều so với iPhone. Trong khi đó, vừa mất tiền để có iPhone, lại phải lo giữ gìn, chăm sóc thật cẩn thận... như là nô lệ cho nó... Như vậy hỏi có phải là người tiêu dùng sành điệu không? iPhone có rất lâu ở các nước khác, nhưng người ta tại sao lại sử dụng các mạng khác rất nhiều, cụ thể là số liệu Nokia, Samsung, Sony Ericsson sử dụng nó vẫn đứng đầu?
 

Như vậy, theo những luồng ý kiến trên thì đẳng cấp nó thể hiện ở chỗ biết sử dụng hiệu quả nhất, hợp lý nhất số tiền mình bỏ ra chứ không phải là bỏ ra bao nhiêu tiền.

 

Vậy đẳng cấp là gì!
 
Theo cách nói rất phổ thông ngoài xã hội hiện nay thì có thể là hình ảnh một người thơm nức nước hoa, ngồi trong quán café Wi-Fi sang trọng và sử dụng iPhone. 10 cô cậu học sinh nếu được hỏi thì phải có đến 9 cho rằng đó là sành điệu, đẳng cấp. Tuy nhiên, đó cũng chỉ cho thấy anh ta có thể giàu có, sành điệu, hiện đại, chịu chơi... mà theo cách nói cửa miệng ngắn gọn là “đẳng cấp”.
 
Xu hướng khẳng định mình của giới trẻ Việt Nam, có lẽ nhận xét xác đáng nhất là mới chủ yếu dừng lại ở tiêu dùng hay “xài sang”. Các đại gia sắm sửa xe sang hoặc máy bay riêng còn giới trẻ chơi “dế” xịn và thời trang đắt tiền. Vậy thôi!
 
Nếu nói về tiêu dùng các thiết bị số, đặc biệt là điện thoại di động thì đẳng cấp ở đây nên chăng phải hiểu là cách sử dụng, trình độ sử dụng, và cả văn hóa, phong cách sử dụng nữa.
 

Nguyên Lại