Hội nghị thượng đỉnh Blockchain Việt Nam 2022 sẽ diễn ra tại Hà Nội

09:49, 12/10/2022

Hội nghị thượng đỉnh Blockchain Việt Nam 2022 (Vietnam Blockchain Summit 2022) quy mô nhất được bảo trợ bởi Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ diễn ra vào ngày 19-20/10/2022, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).

Sau 5 tháng chuẩn bị, các công tác chuẩn bị đã được hoàn thiện cho sự kiện quốc tế quy mô nhất về công nghệ blockchain tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Grand View Research, quy mô thị trường công nghệ Blockchain toàn cầu được định giá 5,92 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 85,9% từ năm 2022 - 2030.

Trong khi đó, tại Việt Nam, theo báo cáo của MarketsandMarkets, thị trường liên quan đến blockchain tại Việt Nam dự kiến đạt giá trị gần 2,5 tỷ USD vào năm 2026, tăng gấp 5 lần quy mô so với năm 2021. Trong số top 200 công ty, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dựa trên công nghệ blockchain trên thế giới, có 7 doanh nghiệp do người Việt Nam thành lập. Việt Nam cũng là 1 trong 5 quốc gia đi đầu về blockchain, hiện có hơn 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo người Việt Nam trong lĩnh vực blockchain có vốn hóa trên 100 triệu USD, và có cũng đã xuất hiện những startup "kỳ lân" của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Hội nghị thượng đỉnh Blockchain Việt Nam 2022 sẽ diễn ra vào ngày 19-20/10/2022.

Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, việc tiếp cận các công nghệ mới được đánh giá là rất nhanh. Công ty công nghệ HackerRank đánh giá Việt Nam xếp thứ 23 về chất lượng nguồn nhân lực, nhưng là điểm đến tốt thứ 2 về tìm kiếm nhân sự trí tuệ nhân tạo. Nhân sự blockchain đang rất hiếm và được trả lương cao gấp nhiều lần kỹ sư công nghệ. Nếu nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực này Việt Nam sẽ có lợi thế lớn trong cuộc đua công nghệ blockchain.

Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Hiệp hội Blockchain Việt Nam (Vietnam Blockchain Association) tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Blockchain Việt Nam 2022 (Vietnam Blockchain Summit 2022) vào ngày 19-20/10/2022.

Ban tổ chức Vietnam Blockchain Summit 2022 cho biết đã mời những tên tuổi hàng đầu trên thế giới tới Việt Nam: FTX, OKChain, DFG, BNBChain, NEAR, FioProtocol… cũng như những doanh nghiệp: FPT, Kyber Network, Sky Mavis, Kardiachain, LaunchZone... để chia sẻ kinh nghiệm, định hướng, và giá trị về việc phát triển các nền tảng blockchain cho các ngành: tài chính, nông nghiệp, tài nguyên môi trường, giáo dục và đào tạo…

Các doanh nghiệp cũng sẽ chia sẻ về cách tiếp cận của các tập đoàn công nghệ lớn với Blockchain, bên cạnh sáng tạo những giải pháp mới, còn là câu chuyện đưa blockchain vào các sản phẩm, giải pháp đang có để tối ưu hóa, mang lại giá trị mới cho khách hàng.

Hội nghị Thượng đỉnh Blockchain Việt Nam 2022 sẽ tập trung bàn thảo việc đào tạo nhận thức và nguồn nhân lực phát triển blockchain tại Việt Nam một cách bài bản mang tính chiến lược đang bị bỏ ngỏ.

Bên cạnh cách chương trình phổ cập kiến thức về công nghệ Blockchain, ứng dụng công nghệ blockchain, bản chất và các giá trị của các nền tảng công nghệ Blockchain phổ biến. Các chuyên gia, lập trình viên sẽ được tiếp cận các kinh nghiệm phát triển, tích hợp, và thậm chí một số chương trình, workshop huấn luyện phát triển công nghệ blockchain cho các lập trình viên như của: NEAR, OKChain, PolkaDOT…

Trong giai đoạn chuyển đổi số toàn diện quốc gia, những công nghệ mới có thể tạo ra được những sự tăng trưởng, phát triển đột phá được luôn được quan tâm từ các cấp lãnh đạo. Thủ tướng chính phủ ban hành danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có công nghệ Blockchain. Thủ tướng đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm tiền ảo dựa trên công nghệ Blockchain từ năm 2021 đến 2023.

Mới đây nhât, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao thực hiện đề tài nghiên cứu “Chính sách, pháp luật về quyền sở hữu đối với tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” nhằm đưa ra các kiến nghị góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; bảo vệ tốt quyền dân sự của công dân liên quan đến lĩnh vực này.

Khôi Nguyên (T/h)