Hội Tin học Việt Nam họp Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 3 nhiệm kỳ IX

21:19, 18/01/2025

Ngày 18/01/2025, Hội Tin học Việt Nam (VIAP) đã họp Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 3 nhiệm kỳ IX để đánh giá các hoạt động của Hội trong năm qua và đề ra phương hướng nhiệm vụ trong năm mới.

Một số điểm nhấn hoạt động của Hội và các Câu lạc bộ thành viên

Chủ trì hội nghị: GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Hội VAIP, Chủ tịch FISU Việt Nam với tham sự của: ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VAIP; Các Phó Chủ tịch: Lê Hồng Hà, Hoàng Xuân Lâm, Đặng Đức Mai, Nguyên Chủ tịch Hội Tin học Viễn thông Hà Nội (HANICT); Hồ Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn CMC; Nguyễn Hoàng Minh, Tổng giám đốc FPT IS; PGS.TS. Ngô Hồng Sơn, Chủ tịch VFOSSA; TS. Nguyễn Thị Minh Huyền, Chủ tịch CLB VLSP; PGS.TS Lương Chi Mai; GS.TS Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin (ĐHQG Hà Nội); GS.TS Lê Sỹ Vinh, Trưởng khoa CNTT (Đại học Công nghệ - ĐHQG Hà Nội); ThS. Đinh Duy Hợi, Tổng Biên tập Tạp chí Tin học và Đời sống…

Toàn cảnh Hội Tin học Việt Nam họp Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 3 nhiệm kỳ IX.

Phát biểu tại Hội nghị, ThS. Nguyễn Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VAIP đã tổng kết một số hoạt động của VAIP trong năm qua. Theo đó, VAIP và các Câu lạc bộ (CLB) thành viên đã có nhiều hoạt động phong phú, duy trì truyền thống VAIP và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Các hoạt động nổi bật như: kiện toàn nhân sự lãnh đạo Hội, tích cực trong công tác tư vấn phản biện với các chủ chương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về Chuyển đổi số, các Luật liên quan đến CNTT-TT, Chuyển đổi số. Hội cũng tích cực tham gia tổ chức, hỗ trợ chuyên môn cho các hội thảo, các cuộc thi …

Tổng thư ký Nguyễn Long nhấn mạnh, bên cạnh những thành công, Hội vẫn còn tồn đọng một số vấn đề cần bàn bạc, bổ sung và góp ý xây dựng cho phương hướng hoạt động năm 2025 như: Sửa đổi điều lệ của Hội; việc chưa duy trì tổ chức Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam, vắng bóng Giải thưởng Nhân tài Đất Việt; hoạt động kết nối với các Hội Tin học thành viên chưa đạt hiệu quả; Viện Tin học Nhân dân vẫn chưa tìm được được nhân sự lãnh đạo chuyên trách, chưa thực sự đi vào hoạt động.

ThS. Nguyễn Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VAIP phát biểu tại Hội nghị.

“Tuy vẫn còn những vướng mắc, nhưng cách chúng ta duy trì được vị thế của Hội. Từ khi thành lập đến nay, Hội đã có vai trò rất lớn, đặc biệt là VAIP gồm có khối nghiên cứu - giáo dục và quản lý nhà nước liên kết cùng nhau bên cạnh vai trò không thể thiếu của khối Doanh nghiệp. Nòng cốt của VAIP là khối nghiên cứu - đào tạo và khối doanh nghiệp. Hiện nay, chỉ có VAIP có dữ liệu về nguồn nhân lực tiềm năng, tài năng, chất lượng cao và sẵn sàng chia sẻ nguồn dữ liệu hữu ích này với các doanh nghiệp BigTech và Unicorn …”, ThS. Nguyễn Long nhấn mạnh.

Những ý kiến bàn bạc, xây dựng góp ý tháo gỡ

Phát biểu đóng góp ý kiến, ông Lê Hồng Hà cho rằng, việc sửa đổi Điều lệ có liên quan đến các Hội Tin học thành viên do Đại hội biểu quyết nên tiến hành khi có điều kiện tốt nhất là tại Đại hội VAIP gần nhất.  Với cương vị chủ trì nhóm Vietnam ICT Index, ông cho rằng nhóm ICT Index của VAIP sẽ nghiên cứu theo cách của Liên hợp quốc lấy nguồn số liệu công bố (công khai) từ các nguồn chính thống khác nhau để độc lập xây dựng báo cáo.

Ông Lê Hồng Hà góp ý về việc sửa đổi Điều lệ của Hội VAIP.

GS.TS. Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện CNTT (ĐHQG Hà Nội) cho biết sẽ sẵn sàng làm cầu nối với Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam (REV) để ký hợp tác với VAIP và kết nối hợp tác quốc tế. Ông cũng đồng ý với các đánh giá về vướng mắc liên quan đến Điều lệ và các Hội Tin học thành viên và cho rằng Báo cáo Vietnam ICT Index cần nghiên cứu cách khác, có thể là tự thu thập dữ liệu.

GS.TS. Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện CNTT (ĐHQG Hà Nội).

Chia sẻ tại Hội nghị, PGS.TS. Ngô Hồng Sơn, Chủ tịch VFOSSA cho biết, trong thời gian tới, VFOSSA sẽ tiếp tục phát triển cộng đồng. Đặc biệt, CLB sẽ tổ chức Hội thảo VietNam Open Tech, mong muốn đây sẽ là hoạt động thường niên.

PGS.TS. Ngô Hồng Sơn cho biết, trong thời gian tới, VFOSSA sẽ tiếp tục phát triển cộng đồng.

TS. Đặng Đức Mai, nguyên Chủ tịch HANICT cho rằng, VAIP cần nghiên cứu đến phương án về việc kinh doanh dữ liệu, triển khai Hội trợ triển lãm khoa học quốc gia. Liên quan đến Olympic AI và Security, TS. Đặng Đức Mai gợi mở, có thể tổ chức cuộc thi hoặc giải thưởng về AI trong tự động hóa. Bên cạnh đó, việc tăng cường sự hiện diện, góp tiếng nói của Hội cũng cần được quan tâm hơn đặc biệt là vai trò của Người đứng đầu. Các hoạt động kết nối hội viên, các Hội khác và kết nối với nước ngoài cần được thúc đẩy.

TS. Đặng Đức Mai, nguyên Chủ tịch HANICT góp ý về việc tăng cường sự hiện diện, góp tiếng nói của VAIP.

Đóng góp ý kiến, PGS.TS. Hoàng Xuân Lâm, Phó Chủ tịch VAIP cho rằng, có khó khăn trong duy trì Hội thảo HTPT vì vậy VAIP nên tổ chức hội thảo dựa vào các trường đại học vì có điều kiện phù hợp. Theo đó, thay vì tổ chức một hội thảo lớn thì nên tổ chức nhiều hội thảo chuyên môn ở các trường.

PGS.TS. Hoàng Xuân Lâm góp ý về việc Hội nên tổ chức hội thảo dựa vào các trường đại học.

ThS. Hồ Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn CMC mong muốn VAIP phát triển hợp tác quốc tế để có thêm nguồn tài trợ, giao lưu về công nghệ và giúp doanh nghiệp Việt Nam ra thị trường quốc tế. Việc hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học cũng cần được quan tâm, đặc biệt là nguồn nhân sự về tự động hóa và AI.

ThS. Hồ Thanh Tùng chia sẻ tại buổi họp.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Tổng Giám đốc FPT IS cho biết FPT luôn hợp tác và đồng hành cùng VAIP trong nhiều hoạt động. Việc hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học, FPT rất quan tâm và ủng hộ, đặc biệt là tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao về AI, Security ...

Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết FPT luôn hợp tác và đồng hành cùng VAIP.

ThS. Đinh Duy Hợi, Tổng Biên tập Tạp chí Tin học và Đời sống cho biết, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Tạp chí đã rất cố gắng làm tốt nhiệm vụ được giao, tích cực thông tin chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các hoạt động của Hội. Trong thời gian tới, Tin học và Đời sống sẽ nỗ lực phát huy những thế mạnh của Tạp chí chuyên ngành về công nghệ thông tin và tích cực lan tỏa các hoạt động của Hội.

ThS. Đinh Duy Hợi, Tổng Biên tập Tạp chí Tin học và Đời sống cho biết, thời gian tới sẽ tích cực thông tin lan tỏa các hoạt động của Hội.

GS.TS Lê Sỹ Vinh ủng hộ các hoạt động VAIP, về Olympic AI quốc tế sẽ kết nối với Bộ GD&ĐT để nâng tầm như Olympic Toán, Tin.... Riêng về Olympic Security lần đầu tới đây, VAIP nên chủ trì và Trường ĐH Công Nghệ ĐHQG sẽ tích cực và chủ động phối hợp. 

GS.TS Lê Sỹ Vinh ủng hộ các hoạt động VAIP.

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Thị Minh Huyền, Chủ tịch CLB VLSP cho biết, trong năm qua do các quy định về tổ chức hội thảo quốc tế rất chặt chẽ nên Câu lạc bộ tạm “nghỉ một năm” để chấn chỉnh và sẽ tiếp tục triển khai các hội thảo trong năm nay như trong báo cáo tổng kết đã nêu. PGS.TS. Lương Chi Mai cũng đồng tình và ủng hộ kế hoạch của CLB VLSP.

TS. Nguyễn Thị Minh Huyền (trái) và PGS.TS. Lương Chi Mai

Qua báo cáo tổng kết và phương hướng hoạt động năm 2025 cùng các ý kiến đóng góp của các thành viên, Chủ tịch GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy cho biết, VAIP có bề dày lịch sử 36 năm. Trong 19 Hội và Hiệp hội CNTT của Việt Nam, VAIP có vị thế, tiếng nói. “Việc VAIP đứng ra tổ chức gặp gỡ ICT đầu xuân, tôi cho rằng đó là thông điệp rất quan trọng. Đó là những giá trị thiêng liêng mà chúng ta cần gìn giữ. Tôi mong muốn tất cả các thành viên cùng chung tay xây dựng và phát triển VAIP ngày càng vững mạnh hơn nữa”, Chủ tịch VAIP nhấn mạnh.

GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy phát biểu tại Hội nghị. 

Trong năm mới, VAIP sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phát triển Hội viên. Tăng cường và đổi mới phương thức phối hợp hoạt động giữa VAIP và các Hội Tin học thành viên. Bên cạnh đó, Hội sẽ tích cực thực hiện các hoạt động xã hội nghề nghiệp, tiếp tục làm việc với Bộ Nội vụ để phê duyệt được điều lệ sửa đổi. Chủ tịch VAIP mong muốn Ban Chấp hành triển khai nhanh tổ chức các hoạt động cụ thể của Viện Tin học Nhân dân. VAIP sẽ đẩy mạnh các hoạt động của Tạp chí Tin học và Đời sống, định hướng xây dựng chuyên san về nghiên cứu phát triển CNTT-TT.

Trong năm 2025, VAIP sẽ cố gắng tiếp tục giữ các thương hiệu uy tín như: Báo cáo Vietnam ICT Index; Hội thảo Hợp tác phát triển và Giải Nhân tài Đất Việt.

Chủ tịch VAIP cũng đưa ra vấn đề thảo luận về việc, có nên thành lập câu lạc bộ về AI không? Bởi lẽ, đây là xu hướng thời đại, đang nhận được nhiều sự quan tâm của cả xã hội.

Thông tin tại Hội nghị, cũng trong năm 2025, VAIP sẽ tích cực tham gia tư vấn phản biện, tổ chức Hội thảo nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả ứng dụng CNTT, Chuyển đổi số… Bên cạnh đó, CLB tiếp tục tổ chức hoặc hỗ trợ chuyên môn các cuộc thi, sự kiện liên quan CNTT: ICPC Asia Pacific Championship 2025, Hội thi Tin học trẻ, Hội thi Tin học Công chức trẻ (11/2025), Giải thưởng Quả Cầu Vàng, Nhân tài Đất Việt; các kỳ thi HSG Quốc gia, Quốc tế APIO, IOI; định hướng đào tạo nguồn lực, kỹ năng nghề và các hoạt động nghiên cứu, đào tạo mới như: Al, Blockchain, NFC, Tài sản số, Xử lý ngôn ngữ, Dữ liệu lớn…