Hơn 10 tỷ đồng hỗ trợ thiết bị chuyển đổi số nông nghiệp
Nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 08 của HĐND thành phố Hà Nội về Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, UBND thành phố Hà Nội dự kiến bố trí hơn 10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố Hà Nội cấp bổ sung cho các huyện nhằm hỗ trợ máy móc, thiết bị để chuyển đổi số trong nông nghiệp.
- Diễn đàn quốc tế chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021
- Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam cần tập trung chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm
- Canh tác lúa thông minh, tiền đề cho chuyển đổi số nông nghiệp
- Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp
- Ngành nông nghiệp các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long đề xuất sử dụng một nền tảng công nghệ trong CĐS nông nghiệp
- Chuyển đổi số nông nghiệp Lào Cai góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững
- Chuyển đổi số nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm
- Phú Thọ: Lão nông thành công nhờ “chuyển đổi số” nông nghiệp
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong năm 2024 Hà Nội dự kiến sẽ triển khai thực hiện tại thị xã Sơn Tây và 6 huyện gồm: Thanh Oai, Ba Vì, Mê Linh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Quốc Oai. Dự kiến hỗ trợ cho 28 cơ sở với tổng kinh phí là 3.657 tỷ đồng. Năm 2025, dự kiến sẽ triển khai thực hiện tại các huyện: Thạch Thất, Sơn Tây, Thanh Oai, Ba Vì, Mê Linh, Sóc Sơn, Quốc Oai cho 49 cơ sở, với kinh phí hỗ trợ là 6.551 tỷ đồng.
Hiện nay, thành phố Hà Nội đã xây dựng được 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số hiện nay chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội. Các mô hình ứng dụng hiệu quả tập trung nhiều tại các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…
Nhìn chung, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực ngành nông nghiệp bước đầu đã tạo sự thay đổi từ nhận thức đến hành động cụ thể về chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh nông lâm sản và thủy sản. Một số phần mềm ứng dụng công nghệ số trong tạo lập dữ liệu, cung cấp dịch vụ cho cơ sở sản xuất, kinh doanh đã đạt hiệu quả, được đánh giá cao...
Anh Nguyễn Văn Hanh, Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Hải Anh xã Vân Nội huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, hợp tác xã có hơn 20ha sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ trong đăng ký QRcode tích hợp với thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm như quy trình sản xuất, thu hoạch, đóng gói..., qua đó tạo được niềm tin với người tiêu dùng.
Mô hình trồng nho Hạ Đen của gia đình anh Nguyễn Đăng Quý ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 50% cây giống và kỹ thuật canh tác, đến nay cây trồng đang phát tiển tốt. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN
Tương tự gia đình ông Phạm Văn Cường, ở xã Yên Sở, huyện Hoài Đức (Hà Nội) chia sẻ, gia đình ông có 1ha chăn nuôi cá thương phẩm, nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, từ xử lý nước trong ao nuôi đến cách chọn con giống, chăm sóc cá theo quy trình VietGAP nên cá lớn nhanh, kháng bệnh tốt. Sau 5 tháng nuôi, đàn cá tăng trưởng tốt, khỏe mạnh, đồng đều, không xảy ra dịch bệnh, năng suất đạt hơn 12 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn từ 10% đến 15% so với nuôi cá thông thường.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm thành phố Hà Nội (https://check.hanoi.gov.vn). Hiện tại, hệ thống đã cấp tài khoản tham gia quản lý cho 3.430 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm sản và thủy sản với 13.353 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Mặc dù vậy, đại diện Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Hà Nội nhìn nhận, việc ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp, hợp tác xã phần lớn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số. Nguyên nhân là do chưa có cơ sở dữ liệu lớn phục vụ sản xuất, thiếu minh bạch về nguồn gốc sản phẩm và thiếu kết nối chia sẻ thông tin của các giai đoạn sản xuất, quản lý, logistics, thương mại... Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chuỗi quản lý chất lượng nông sản an toàn đòi hỏi kinh phí lớn, trong khi đó, nguồn lực của doanh nghiệp, hợp tác xã hạn chế nên đầu tư còn chắp vá, chưa đồng bộ…
Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, chuyển đổi số là nhu cầu bắt buộc, có thể tạo đột phá trong phát triển kinh tế nói chung, lĩnh vực nông nghiệp và khái cạnh chất lượng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thuỷ sản nói riêng. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản có sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain). Thử nghiệm, chuyển giao, áp dụng các mô hình, giải pháp nông nghiệp số phù hợp với điều kiện của Hà Nội.
Theo Tạp chí Doanh nghiệp & Thương hiệu nông thôn