Hơn 100 triệu lượt truy cập Cổng Dịch vụ công quốc gia sau một năm
Chiều ngày 30/12, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện các tổ chức quốc tế...
Chương trình được truyền hình trực tuyến tại điểm cầu chính và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hơn 100 triệu lượt truy cập sau một năm
Sau 1 năm triển khai, Cổng Dịch vụ Công quốc gia trở thành địa chỉ kết nối, cung cấp thông tin về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ thực hiện, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị.
Từ 8 dịch vụ công được cung cấp từ thời điểm khai trương, đến ngày 30/12/2020 đã có 2.700 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số gần 6.700 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền (đạt tỷ lệ 39%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 9%).
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, sau một năm triển khai, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có hơn 417 nghìn tài khoản, hơn 100,5 triệu lượt truy cập, hơn 27,5 triệu hồ sở thủ tục hành chính được đồng bộ trạng thái lên cổng.
Dịch vụ thanh toán trực tuyến đã tích hợp, cung cấp đến 14 bộ/ngành và 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đã có 48 ngàn lượt giao dịch thành công. Cổng dịch vụ công quốc gia không chỉ mang lại tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp, giúp tiết kiệm số tiền hơn 8 ngàn tỷ đồng.
Công bố dịch vụ công thứ 2.700
Hội nghị chiều nay cũng đánh dấu sự kiện dịch vụ công thứ 2.697, 2.698; 2.699 và 2.700 được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Theo đó, dịch vụ công thứ 2.697 là dịch vụ: "Thanh toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân".
Các doanh nghiệp ký cam kết đồng hành xây dựng, vận hành, phát triển Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Dịch vụ cho phép người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính (thuế, lệ phí trước bạ) trực tuyến trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai của mình hoặc người thân, giúp cắt giảm thời gian, chi phí đi lại các cơ quan.
Dịch vụ công thứ 2.698 là dịch vụ: "Cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng". Quy trình từ nộp hồ sơ đến tiếp nhận, xử lý, trả kết quả giải quyết hoàn toàn thực hiện trên môi trường mạng và giúp tiết kiệm 281 tỷ đồng/năm.
Dịch vụ công thứ 2.699 là dịch vụ: "Cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ", cho phép người dân chỉ cần ngồi tại nhà đăng nhập Cổng Dịch vụ công quốc gia, gửi hồ sơ kèm theo trực tuyến và đăng ký nhận kết quả (giấy phép xây dựng) tại nhà theo địa chỉ do mình yêu cầu, mà không phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước như trước đây.
Với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, người dân sẽ tiết kiệm được ít nhất 3 ngày công, với 4 lần đi lại và thời gian, chi phí chuẩn bị hồ sơ để thực hiện thủ tục. Ước tính, nếu có khoảng 50% người dân lựa chọn thực hiện trực tuyến thì số tiền tiết kiệm được mỗi năm ít nhất đã lên tới 54,6 tỷ đồng.
Dịch vụ công thứ 2.700 là dịch vụ: “Kê khai, nộp lệ phí trước bạ và cấp đăng ký, biển số xe nhập khẩu".
Dịch vụ này giúp người dân, doanh nghiệp hoàn toàn có thể ngồi tại nhà để thực hiện khai, nộp lệ phí trước bạ, đồng thời chỉ cần đến cơ quan công an một lần để bấm biển số và lấy biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe.
Như vậy, so với trước đây, với dịch vụ này, người dân có thể tiết kiệm ít nhất được 1/2 ngày công và 2 lượt đi lại để làm thủ tục khai, nộp lệ phí trước bạ đồng thời tiết kiệm được ít nhất 1 ngày công và 2 lượt đi lại để làm thủ tục cấp đăng ký, biển số xe.
Việc tích hợp, công bố 4 dịch vụ nói trên có thể giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 1.376 tỷ đồng/năm.
Sau một năm vận hành, đến nay Cổng Dịch vụ công quốc gia ngày càng trở trở thành cầu nối tin cậy, thiết thực và hiệu quả giữa cơ quan Nhà nước với người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hóa thủ tục hành chính, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng Chính phủ không giấy tờ và là một trong những giải pháp quan trọng phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Văn phòng Chính phủ, vẫn còn một số tồn tại hạn chế như tại một số địa phương việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến còn chưa nghiêm, chưa đúng quy định, vẫn còn tình trạng yêu cầu bổ sung bản giấy trong khi đã có văn bản ký số. Một số bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành việc tích hợp để cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến cho người dân./.
Theo vietnamplus