Hợp tác sản xuất thiết bị điện tử, công nghệ “Make in Việt Nam”

10:46, 06/07/2022

Sáng ngày 05/7/2022, tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Điện Quang phối hợp cùng Công ty Cổ phần Công nghệ Xelex tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất các thiết bị Điện tử, CNTT và Viễn thông “Make in VietNam” nhằm góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp Điện tử và Vi mạch Việt Nam phát triển đúng hướng và bền vững.

Hội thảo

Đồng chí Nguyễn Đăng Lực, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ (ngồi giữa) tham dự Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Đăng Lực, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ và đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Ban; ông Nguyễn Ái Hữu, Chủ tịch HĐQT - Nhà sáng lập Tập đoàn Xelex; ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện Quang.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Ái Hữu, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ Xelex đánh giá, ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam mặc dù được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nhưng chủ yếu vẫn là gia công và lắp ráp sản phẩm với các bảng mạch và linh kiện nhập khẩu, khai thác dịch vụ. Năng lực sản xuất các sản phẩm công nghiệp phụ trợ trong nước cũng đang dần được cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, không cung cấp đủ các vật liệu điện tử cần thiết cho ngành công nghiệp vi mạch. Các thiết kế, nghiên cứu về linh kiện hay vi mạch bán dẫn vẫn còn rất hạn chế, đa phần là nhập khẩu. Tuy nhiên, nguồn ngoại nhập này lại bị phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan như phương tiện vận tải, dịch Covid-19 hoặc chiến tranh thương mại,... đứt gãy chuỗi cung ứng khiến sản xuất bị động, dẫn đến một số ngành sản xuất trong nước bị ngưng trệ hoàn toàn.

Hội thảo

Ông Nguyễn Ái Hữu, Chủ tịch HĐQT - Nhà sáng lập Tập đoàn Công nghệ Xelex phát biểu khai mạc Hội thảo.

Ông Nguyễn Ái Hữu nhấn mạnh, ngành công nghiệp Điện tử là một ngành công nghệ cao rất đặc biệt. Do vậy, sự thành công của nền công nghiệp điện tử của Việt Nam không những đòi hỏi các nguồn kinh phí đầu tư ban đầu khổng lồ mà còn cần có một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các chuyên gia, kỹ sư có trình độ chuyên môn vững vàng.

Ông Nguyễn Ái Hữu cũng phân tích một số lợi thế phát triển tại Việt Nam có thể kể đến như: Nguồn nhân lực dồi dào khi có gần 100 triệu dân, trong đó 25% là dân số trẻ; Chi phí nhân công thấp (Việt Nam đứng thứ 4 về phí nhân công lao động trong khu vực); Chính trị ổn định, đây là một đảm bảo cho sự gắn kết để thực hiện chính sách kinh tế nhất quán; Khả năng tiếp cận khoa học kĩ thuật nhanh; Có nhiều chính sách ưu đãi (thuế, đất), đặc biệt là các ngành khoa học kĩ thuật, khu công nghệ cao; có nhiều chuyên gia gốc Việt giỏi về khoa học kĩ thuật, đây là nguồn nhân lực vô cùng quan trọng để giúp Việt Nam phát triển.

Hội thảo

Ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT Điện Quang phát biểu tại Hội thảo.

Ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT Điện Quang nhận định: “Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quá trình chuyển đổi số, ngành Điện - Điện tử lại càng thể hiện được tầm quan trọng hàng đầu. Điện - Điện tử được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, chi phối nhiều lĩnh vực khác như cơ khí, điện, nhựa và hóa chất,... tác động mạnh mẽ đến sự phát triển bền vững của đất nước. Hiện tại, doanh nghiệp nào tự chủ được công nghệ và một phần vật liệu sẽ có nhiều lợi thế để phát triển các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, qua đó góp phần thúc đẩy ngành Điện - Điện tử phát triển. Đó chính là những lý do chính yếu thôi thúc Điện Quang, Xelex cùng cộng đồng Điện tử, CNTT, Viễn thông và các ngành công nghiệp phụ trợ hợp tác với nhau để đẩy mạnh nghiên cứu và chế tạo các sản phẩm điện tử, CNTT và Viễn thông”.

Hội thảo quy tụ các chuyên gia hàng đầu là người Việt Nam tại Mỹ trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo; đại diện các Bộ, Ban ngành và các cơ quan Nhà nước; các trường Đại học danh tiếng tại Việt Nam; các doanh nghiệp tiêu biểu của ngành công nghiệp Điện - Điện tử và một số ngành công nghiệp phụ trợ,…

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày các báo cáo về thực trạng ngành công nghiệp Điện tử, CNTT và Viễn thông Việt Nam, đề xuất phương thức phát triển đúng hướng, đồng bộ và bền vững cho ngành. Một số tham luận nổi bật có thể kể đến như: Software & AI – Trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng thực tế của ông Khanh Nguyễn, đến từ Cisco, Mỹ; Hướng tới làm chủ thiết kế Chip AI do ông Sang Nguyễn, Giám đốc bộ phận thiết kế Chip AI – Xelex trình bày; Quy trình phát triển sản phẩm đạt chất lượng quốc tế của ông Jon Nguyễn, Phó Tổng Giám đốc, đồng sáng lập Tập đoàn Xelex….

Hội thảo

Lễ ký kết hợp tác triển khai giải pháp quản lý thiết bị di động tập trung Soti Mobicontrol cho các dòng máy tính Xelex.

Trong khuôn khổ hội thảo còn diễn ra lễ ký kết hợp tác quan trọng giữa các doanh nghiệp liên quan đến việc phát triển các thiết bị Điện - Điện tử, CNTT và Viễn thông gồm:

Lễ ký kết Hợp tác phát triển Các dòng máy tính xách tay trên nền tảng Qualcomm Snapdragon và thiết bị 5G router “Make in VietNam” giữa Xelex và Qualcomm. Lễ ký kết này đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử ngành công nghiệp máy tính Việt Nam khi máy tính xách tay được thiết kế bởi người Việt Nam trên nền tảng chip snapdragon của Hãng Qualcomm - một trong các hãng chip hàng đầu trên thế giới;

Lễ ký kết hợp tác chiến lược phát triển các giải pháp Smart City giữa Tập đoàn Điện Quang và Công ty Beowulf Việt Nam. Lễ ký kết nhằm góp phần khẳng định vị trí và những đóng góp của Tập đoàn Điện Quang trong lĩnh vực IoT;

Lễ Ký kết hợp tác triển khai kết hợp giữa thiết bị phần cứng và giải pháp phần mềm bảo mật cao cấp nhất giữa Công ty Xelex và Công ty Total Logistics Solution.

PV