Intel vượt dự báo doanh thu quý II, cắt giảm mạnh chi phí xây dựng nhà máy chip
Intel vừa công bố kết quả kinh doanh quý II vượt kỳ vọng Phố Wall về doanh thu, trong bối cảnh CEO mới Lip-Bu Tan tuyên bố sẽ cắt giảm mạnh hoạt động xây dựng nhà máy chip. Dù vậy, cổ phiếu Intel vẫn giảm khoảng 5% trong phiên giao dịch ngoài giờ.
Cụ thể, kết quả kinh doanh của Intel so với ước tính đồng thuận từ LSEG như sau:
-
Lỗ trên mỗi cổ phiếu (EPS): 10 cent/cổ phiếu (điều chỉnh)
-
Doanh thu: 12,86 tỷ USD so với mức dự báo 11,92 tỷ USD
Intel dự kiến doanh thu quý III đạt khoảng 13,1 tỷ USD, cao hơn mức dự báo trung bình 12,65 tỷ USD. Công ty cũng cho biết sẽ hòa vốn trong quý tới, trong khi các nhà phân tích kỳ vọng lợi nhuận 4 cent/cổ phiếu.
Logo của Intel được hiển thị trên một tấm biển phía trước trụ sở chính của công ty vào ngày 16/7/2025 tại Santa Clara, bang California.
Trong quý II, Intel ghi nhận khoản lỗ ròng 2,9 tỷ USD, tương đương 67 cent/cổ phiếu, tăng mạnh so với mức lỗ 1,61 tỷ USD (38 cent/cổ phiếu) cùng kỳ năm trước. EPS không hoàn toàn so sánh được với kỳ vọng do công ty ghi nhận khoản giảm giá tài sản 800 triệu USD liên quan đến “thiết bị dư thừa không thể tái sử dụng”, khiến EPS điều chỉnh khoảng 20 cent.
Đây là báo cáo tài chính quý thứ hai kể từ khi Lip-Bu Tan nhậm chức CEO hồi tháng 3 với cam kết đưa sản phẩm Intel trở lại tính cạnh tranh, tinh giản bộ máy và cắt giảm nhân sự tại các cơ sở ở Oregon và California.
Trong một bản ghi nhớ gửi nhân viên ngày thứ Năm, ông Tan thừa nhận “những tháng đầu nhiệm kỳ không hề dễ dàng”. Ông cho biết Intel đã hoàn tất phần lớn kế hoạch cắt giảm nhân sự, tương đương 15% lực lượng lao động, và sẽ kết thúc năm với 75.000 nhân viên. Trước đó, Intel từng công bố mục tiêu giảm chi phí vận hành 17 tỷ USD vào năm 2025.
Tính đến cuối phiên giao dịch ngày thứ Năm, cổ phiếu Intel đã tăng khoảng 13% trong năm 2025, sau khi giảm tới 60% trong năm 2024 – mức giảm tồi tệ nhất trong lịch sử công ty.
Tan cũng công bố hàng loạt biện pháp cắt giảm chi tiêu khác, đặc biệt trong mảng sản xuất chip theo hợp đồng (foundry), vốn đang tìm kiếm khách hàng lớn để làm điểm tựa phát triển. Theo báo cáo, mảng foundry của Intel ghi nhận khoản lỗ hoạt động 3,17 tỷ USD trên doanh thu 4,4 tỷ USD.
Intel đã hủy kế hoạch xây dựng nhà máy tại Đức và Ba Lan, đồng thời hợp nhất hoạt động kiểm tra và lắp ráp chip tại Việt Nam và Malaysia. Ngoài ra, tiến độ xây dựng nhà máy chip tiên tiến tại bang Ohio cũng sẽ được điều chỉnh chậm lại, tùy thuộc vào nhu cầu thị trường và khả năng thu hút khách hàng lớn.
“Trong những năm qua, công ty đã đầu tư quá nhiều, quá sớm – khi chưa có đủ nhu cầu,” ông Tan viết. “Hệ quả là hệ thống nhà máy của chúng ta trở nên phân mảnh và kém hiệu quả.”
Intel cho biết quy trình sản xuất chip thế hệ tiếp theo, mang tên 14A, sẽ chỉ được triển khai dựa trên các cam kết đặt hàng đã xác nhận từ khách hàng.
“Sẽ không còn những tấm séc trắng. Mọi khoản đầu tư phải mang lại hiệu quả kinh tế,” ông Tan nhấn mạnh.
Doanh thu từ mảng điện toán khách hàng – chủ yếu là chip xử lý trung tâm (CPU) cho máy tính cá nhân – đạt 7,9 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu từ mảng trung tâm dữ liệu – bao gồm một phần chip AI nhưng chủ yếu là CPU cho máy chủ – tăng 4%, đạt 3,9 tỷ USD. Trong bản ghi nhớ, ông Tan cho biết Intel đặt mục tiêu giành lại thị phần chip trung tâm dữ liệu và đang tìm kiếm lãnh đạo lâu dài cho mảng này. Đối thủ lâu năm AMD đang ngày càng chiếm ưu thế trong mảng máy chủ nhờ các khách hàng đám mây.
Ông Tan cũng cho biết sẽ trực tiếp xem xét và phê duyệt mọi thiết kế chip trước khi được đưa vào giai đoạn sản xuất cuối cùng.



