iOS và Android sớm bị "soán ngôi" ?
03:00, 20/03/2013
Hầu hết các smartphone có mặt trên thị trường đều sử dụng hệ điều hành iOS của iPhone hoặc Android của Google. Theo IDC, hơn 90% trong số 228 triệu smartphone bán ra trong quý cuối cùng của năm ngoái thuộc về một trong hai hệ điều hành này.
Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh trên thị trường công nghệ ở trong năm 2013 không giống với thời kỳ của 4 năm trước, khi mà Android mà iOS bắt đầu phát triển và chiếm lĩnh thị trường. Cũng theo IDC, cuối năm 2012, Android chiếm 68,3% thị phần nền tảng di động, iOS đứng thứ hai với 18,8%, BlackBerry OS chiếm 4,7%, Windows Phone sau hơn một năm phát triển mới đạt 2,6% và các nền tảng khác là 5,6%.
Tại Diễn đàn Di động Thế giới (Mobile World Congress) mới đây, Firefox công bố kế hoạch phát triển hệ điều hành mới dành cho di động là Firefox OS. Nền tảng mới này nhận được sự ủng hộ của 18 nhà khai thác di động từ châu Á đến châu Mỹ La tinh.
Mozilla không phải là hãng duy nhất tin rằng các hệ điều hành khác có thể phát triển được dù gặp phải sự cạnh tranh của iOS và Android. Microsoft gần như đặt cược vào Windows Phone 8 với sự hậu thuẫn của Nokia.
BlackBerry hy vọng sẽ khôi phục vinh quang đã mất với BlackBerry 10, được xây dựng dựa trên nền tảng QNX được RIM triển khai từ năm 2010 và đã có mặt trên máy tính bảng PlayBook. Hệ điều hành mới này đánh dấu sự thay đổi đặc biệt trên điện thoại BlackBerry đã chuyển sang xu hướng cảm ứng giống như các đối thủ iOS, Android và Windows Phone.
Thậm chí, Công ty Jolla (Phần Lan) cũng theo đuổi một hệ điều hành di động hoàn toàn mới có tên là Sailfish. Jolla đã được các đối tác đầu tư 200 triệu USD để phát triển và sớm ra mắt Sailfish OS dựa trên nền tảng Meego OS.
Ngoài ra, Jolla cũng xác nhận rằng công ty đã sẵn sàng trong việc cấp giấy phép sử dụng Sailfish OS dành cho các hãng OEMs, tập trung hơn vào thị trường Trung Quốc, bởi đây là một mảnh đất béo bở với dân số rất đông và những trung tâm cơ sở dữ liệu của công ty đều được đặt tại Hồng Kông.
Ngay cả Samsung đang làm việc với Intel để phát triển hệ điều hành riêng mang tên Tizen. Với việc đầu tư Tizen OS, Samsung thể hiện rõ quyết tâm muốn phát triển độc lập để trở thành một nhà sản xuất lớn, có thể tự cung cấp các sản phẩm cho người dùng di động.
Đây không phải là lần đầu tiên Samsung ấp ủ phát triển hệ sinh thái cho mình. Cũng giống như Nokia hợp tác Intel để phát triển Meego, Samsung cũng có Bada. Tuy nhiên, cả Meego và Bada đều sớm thất bại khi không thể theo kịp sự thay đổi của thị trường công nghệ.
Việc Samsung đưa Tizen vào thị trường hệ sinh thái di động được coi là mạo hiểm, chưa kể phải đối mặt với nền tảng mới Firefox OS và có thể ảnh hưởng tới cả kế hoạch sản xuất phần cứng của hãng...
Tuy nhiên, các nhà phát triển hệ điều hành Firefox OS hay Ubuntu đều nhận ra là thị trường còn quá nhiều tiềm năng và không có gì phải lo lắng.
Kleiner Perkins Caufield & Byers, một công ty đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon, ước tính rằng smartphone chỉ chiếm 17% thuê bao di động của thế giới trong năm ngoái. Trong khi những nền kinh tế lớn mới nổi như Ấn Độ, Indonesia và Nga chia sẻ một thị phần dưới 10%. Ngay cả những thị trường như Brazil, Mexico, Ba Lan và Tây Ban Nha cũng là một trong những mục tiêu cho Mozilla.
Tất nhiên, sẽ không dễ dàng khi đối đầu với những người khổng lồ như Apple và Google. Số lượng tuyệt đối của các ứng dụng dành cho Apple và Android là một trở ngại lớn cho bất cứ đối thủ nào.
Tuy nhiên, các nhà khai thác di động đang quan tâm tới những hệ điều hành mới, mở và rẻ hơn, chứ không muốn bị khóa trong hệ sinh thái khép kín nào. Mong muốn này chính là mảnh đất để Android vươn lên như ngày nay ngay cả khi phải đối mặt với iOS, Symbian hay Windows Phone.
Những OS non trẻ mới có nên đặt ra hy vọng tương tự?
Firefox
Firefox OS được phát triển hoàn toàn trên các chuẩn HTML5 để cho phép phát triển ứng dụng và công cụ sẽ hoạt động như một trang web đa phương tiện. Danh bạ, camera, tin nhắn... đều hoạt động bên trong framework của HTML5 tương tự các ứng dụng web Google Docs và Dropbox.
Không đầy đủ tính năng như iOS nhưng Firefox OS dễ hoàn thiện, dễ triển khai, không bị giới hạn bản quyền hay phải chia sẻ lợi nhuận như Apple. Các đối tác đầu tiên sản xuất smartphone chạy Firefox OS là ZTE và TCL nhắm vào thị trường smartphone giá rẻ.
Ubuntu
Ubuntu và một môi trường tùy biến, được thiết kế dành riêng cho điện thoại di động, hướng đến các chức năng điện thoại thông minh (smartphone). Lõi (kernel) được cấu hình để có thể sử dụng các trình điều khiển Linux/Android BSP, giúp các nhà sản xuất thiết bị dễ dàng tích hợp hệ điều hành lên sản phẩm.
Ubuntu có thể thích hợp cho tất cả các phân khúc điện thoại di động, bao gồm cả phân khúc cao cấp. Quan trọng hơn, nền tảng này tương thích cả hai dạng chip xử lý ARM và x86 (Intel Atom). Dự kiến, thiết bị dùng Ubuntu bản hoàn thiện sẽ có mặt trên thị trường vào cuối năm 2013 hoặc đầu năm 2014.
Tizen
Tizen là hệ điều hành được Samsung phát triển cùng với Intel, và được hợp nhất với nền tảng Bada cũ của hãng. Engadget đánh giá, Tizen là hệ điều hành có nhiều điểm chung với đối thủ Ubuntu, sở hữu tính năng tốt như việc camera đã có sẵn chế độ chụp hình liên tục với tốc độ cao.
Màn hình chủ đơn giản với giao diện là các icon lớn được sắp xếp ngay trên màn hình, không có các Widget. Giống với Firefox OS, Tizen sử dụng phần lớn là các ứng dụng được viết trên nền HTML5, song song với các ứng dụng Native...
Sailfish OS
Sailfish OS được xem là nền tảng kế thừa từ MeeGo được hỗ trợ trực tiếp từ Nokia, Intel và Linux Foundation. Sailfish OS hỗ trợ các mạng xã hội như Facebook, Twitter và hỗ trợ Feed, RSS. Do "kế thừa" hệ sinh thái của MeeGo, nên những ứng dụng chạy trên MeeGo sẽ tương thích với Sailfish nên người dùng không phải lo lắng thiếu thốn ứng dụng như đã gặp phải trên Windows Phone hay BlackBerry.
Theo Doanh nhân Sài Gòn