IPO Đông Nam Á gọi vốn hơn 1,4 tỷ USD nửa đầu năm 2025, Việt Nam vẫn vắng bóng
Dù số lượng đợt IPO giảm so với cùng kỳ, thị trường chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Đông Nam Á vẫn ghi nhận sự phục hồi đáng kể trong nửa đầu năm 2025…
Malaysia và Indonesia đang là hai quốc gia có hoạt động IPO sôi động nhất khu vực Đông Nam Á trong nửa đầu năm nay.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, thị trường Đông Nam Á chứng kiến tổng cộng 53 thương vụ IPO huy động được hơn 1,4 tỷ USD, theo báo cáo từ Deloitte công bố ngày 11/7.
Malaysia và Indonesia tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt, trong khi Việt Nam vẫn chưa có thương vụ IPO nào được ghi nhận trong kỳ.
THỊ TRƯỜNG IPO TẠI KHU VỰC CÓ THỂ SÔI ĐỘNG HƠN VỀ CUỐI NĂM
Tổng giá trị vốn hóa thị trường từ các đợt IPO đạt 7,7 tỷ USD, tăng mạnh 33% so với cùng kỳ năm ngoái, dù tổng số thương vụ giảm 21% (67 IPO trong nửa đầu 2024). Số vốn huy động cũng nhỉnh hơn năm trước, chỉ đạt gần 1,4 tỷ USD.
Đáng chú ý, khu vực ghi nhận ba thương vụ IPO quy mô lớn (megadeal) trong nửa đầu năm, cao hơn so với chỉ một vụ cùng kỳ 2024. Sự gia tăng này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đang quay trở lại, đặc biệt với các tổ chức phát hành lớn, khi môi trường kinh tế vĩ mô dần ổn định và các thị trường lớn mở cửa trở lại.
Sự gia tăng đáng chú ý này phản ánh niềm tin mới của nhà đầu tư và việc mở cửa dần dần thị trường vốn cho các tổ chức phát hành lớn hơn.
Deloitte cho rằng nếu đà này tiếp tục được duy trì, thị trường IPO khu vực có thể sôi động hơn trong nửa cuối năm. Hiện đã có nhiều hồ sơ chuẩn bị niêm yết, trong đó tại Sở giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) có một quỹ đầu tư bất động sản (REIT) niêm yết chính thức, một doanh nghiệp trên bảng chính và hai doanh nghiệp thuộc sàn Catalist. Ngoài ra, Sở giao dịch Bursa Malaysia cũng đang tiếp nhận hai hồ sơ IPO mới.
“Nửa đầu năm 2025 cho thấy sự khởi sắc rõ rệt trên thị trường vốn Đông Nam Á, nhờ vào bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định và sự trở lại của các thương vụ IPO lớn, nhất là tại Malaysia và Indonesia”, bà Tay Hwee Ling, Trưởng bộ phận Đảm bảo Kế toán & Báo cáo khu vực Đông Nam Á của Deloitte, nhận định.
Theo Deloitte, dòng vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân và quỹ mạo hiểm vẫn đóng vai trò quan trọng, nhưng các nhà đầu tư đang chuyển hướng sang tìm kiếm cơ hội thoái vốn.
Khi thị trường ổn định hơn, những kế hoạch IPO hiện đang tạm dừng do lo ngại về định giá hoặc thời điểm có thể được khởi động lại, nhằm đón đầu nhu cầu lớn từ phía nhà đầu tư.
TÍN HIỆU TỐT TỪ SINGAPORE, MALAYSIA VÀ INDONESIA
Tại Singapore, các dấu hiệu phục hồi cũng bắt đầu rõ ràng hơn, nhờ những đề xuất cải cách mới theo khuyến nghị từ Nhóm Đánh giá Thị trường Cổ phiếu của Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS).
Hai thương vụ đáng chú ý gần đây là Info-tech Systems Ltd và NTT DC REIT, với thương vụ sau dự kiến huy động khoảng 864 triệu USD, cho thấy sự quan tâm trở lại từ các doanh nghiệp toàn cầu và củng cố vị thế của Singapore như một trung tâm huy động vốn quốc tế.
Trong khi đó, Malaysia chiếm tới 66% tổng số vốn huy động từ IPO trong khu vực, tương đương khoảng 940 triệu USD. Thương vụ đáng chú ý nhất là chuỗi bán lẻ đồ gia dụng Eco-Shop Marketing Berhad, với giá cổ phiếu tăng 6,19% ngay trong ngày đầu lên sàn.
Trong sáu tháng đầu năm, Malaysia ghi nhận 32 doanh nghiệp niêm yết, trong đó có 6 thương vụ nằm trong top 10 IPO lớn nhất khu vực. Đặc biệt, Malaysia hiện đang giữ kỷ lục về thương vụ IPO có giá trị lớn nhất tại Đông Nam Á trong năm nay với một chuỗi cửa hàng giá rẻ đã gọi vốn thành công 230 triệu USD.
So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng doanh nghiệp niêm yết tại Malaysia tăng 48%, trong khi số tiền huy động qua IPO tăng tới 109%. Tổng vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp IPO cũng tăng vọt 165%, đạt hơn 4 tỷ USD.
Ông Wong Kar Choon, đối tác tại Deloitte Malaysia, cho biết triển vọng IPO tại nước này vẫn tích cực trong nửa cuối năm. Tính đến hết tháng 6, Malaysia đã có 32 doanh nghiệp lên sàn, tiến sát mục tiêu cả năm là 60 thương vụ IPO.
Dù vậy, ông cũng cảnh báo rằng căng thẳng thương mại và tình hình địa chính trị, đặc biệt là từ phía Mỹ, đang tạo ra nhiều rủi ro và có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.
Cũng theo ông Wong, một số doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty xuất khẩu, có thể sẽ trì hoãn kế hoạch IPO vì lo ngại về biến động thị trường, gián đoạn chuỗi cung ứng hoặc áp lực chi phí gia tăng.
Tại Indonesia, sau thời gian trầm lắng vì bất ổn hậu bầu cử, thị trường IPO đã nhanh chóng khởi sắc trở lại. Dù số lượng doanh nghiệp lên sàn giảm, nhưng giá trị vốn huy động và vốn hóa thị trường lại tăng vọt.
Sàn giao dịch chứng khoán Indonesia (IDX) chỉ ghi nhận 14 thương vụ IPO trong nửa đầu năm 2025, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái (25 thương vụ). Tuy nhiên, vốn hóa thị trường từ các đợt IPO đã tăng gần gấp ba, từ 1,2 tỷ USD lên 3,5 tỷ USD. Tổng số tiền gọi vốn cũng tăng 1,7 lần, từ 247 triệu USD lên 427 triệu USD.
Quy mô trung bình mỗi thương vụ IPO cũng được cải thiện đáng kể, từ 10 triệu USD lên 30 triệu USD, cho thấy các doanh nghiệp lớn, từng tạm hoãn kế hoạch niêm yết trong giai đoạn chính trị bất ổn năm 2024, nay đã tự tin quay trở lại.
Trong khi đó, Thái Lan lại ghi nhận mức hoạt động IPO thấp nhất trong vòng 25 năm qua. Chỉ có 5 công ty huy động được vốn thành công trong nửa đầu năm 2025, tổng cộng chỉ khoảng 30 triệu USD.
Bà Wilasinee Krishnamra, chuyên gia từ Deloitte Thái Lan, chỉ ra hoạt động huy động vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nhiều yếu tố: căng thẳng thương mại toàn cầu, xung đột quốc tế và bất ổn chính trị trong nước.
Tại Việt Nam, trong nửa đầu năm 2025 vẫn chưa có thương vụ IPO nào diễn ra. Tuy nhiên, thị trường vẫn có vài chuyển động nhất định: bốn doanh nghiệp đã chuyển từ sàn UPCoM lên sàn giao dịch chính thức (HOSE và HNX), và thêm hai công ty chưa niêm yết đã hoàn tất thủ tục để đưa cổ phiếu lên các sàn chính thức.