Kết nối Thực - Số tăng cường công tác bảo tồn và quảng bá di sản Huế ra Thế giới

11:28, 13/10/2023

Thiết thực triển khai hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, sáng ngày 12/10, tại Khách sạn White Lotus (05 - 07 Hoàng Hoa Thám, Tp. Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội Tin học Việt Nam, Phygital Labs và Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo Kết nối Thực - Số tỉnh Thừa Thiên Huế với chủ đề “Chuyển đổi số, công nghệ mới hỗ trợ công tác Bảo tồn và Lễ hội”.

Tham dự và điều hành Hội thảo có KTS. Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế; TS. Nguyễn Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội tin học Việt Nam; TS. Hoàng Bảo Hùng - Giám đốc Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế; Ông Huy Nguyễn - Nhà sáng lập và CEO Phygital Labs Công ty Vật Lý Số; Ông Đỗ Hoài Nam - Nhà đồng sáng lập Phygital Labs Công ty Vật Lý Số cùng hơn 130 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Sở ban ngành cấp tỉnh, đại diện doanh nghiệp CNTT, các bảo tàng công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, các startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Huế và đông đảo cán bộ chuyên trách CNTT các cấp trên địa bàn quan tâm, tham dự.

Với chủ đề “Chuyển đổi số, công nghệ mới hỗ trợ công tác Bảo tồn và Lễ hội”, Hội thảo Kết nối Thực - Số tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm giới thiệu về xu hướng công nghệ mới như: NFT, Blockchain, Web 3 và kết nối Thực - Số trong công tác số hoá cổ vật, kết nối thử nghiệm lên không gian Thực - Số một số hiện vật quý. Đồng thời, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số gắn với công tác bảo tồn di tích, di sản từ các chuyên gia trong nước và quốc tế. 

Phát biểu khai mạc và đề dẫn tại Hội thảo, KTS. Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Là đơn vị có nhiệm vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản triều Nguyễn và cảnh quan môi trường gắn liền với quần thể di tích, những năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã xác định công tác Chuyển đổi số là nhiệm vụ xuyên suốt để phát huy các giá trị di sản hiện có mà Trung tâm đang thực hiện quản lý. Việc ứng dụng CNTT đưa chuyển đổi số, số hóa dữ liệu các lĩnh vực đã và đang được thực hiện tại đơn vị và bước đầu đã gặt hái được những kết quả nhất định. Với tinh thần cầu thị, Trung tâm mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tư vấn đến từ các chuyên gia, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT, góp phần tăng cường công tác bảo tồn và quảng bá di sản Huế ra Thế giới.

TS. Nguyễn Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam phát biểu chào mừng tại Hội thảo

TS. Nguyễn Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam cho biết thêm: Được sự quan tâm, tạo điều kiện của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, sự kết nối của Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế và sự chủ động, sẵn sàng của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Hội thảo Kết nối Thực - Số tỉnh Thừa Thiên Huế đã được thống nhất và triển khai tổ chức hết sức nhanh chóng. Tại Hội thảo này, lần đầu tiên mọi người sẽ được tiếp cận, được xem và được trao đổi với các chuyên gia CNTT qua các sản phẩm công nghệ số của nhóm các chuyên gia đến từ Phygital Labs qua sự kết nối của Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế. Thông qua các sản phẩm này, các chuyên gia CNTT mong muốn được mang trí tuệ, kinh nghiệm, các công nghệ mới như blockchain để tạo lập, định danh, xác thực và minh bạch đến Bảo tàng Huế đặc biệt với các bảo vật quốc gia ở Huế, qua đó quảng bá rộng rãi hơn để mọi người có thể được tận hưởng, được khai thác và được sở hữu những cái phiên bản của mình thích mà vẫn thuộc quản lý của Thừa Thiên Huế, giúp mọi người có thể nhận thấy khả năng khai thác dữ liệu bảo tồn và lễ hội có thể kết nối thực của Thừa Thiên Huế lên không gian số. Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là ý tưởng, dự án điển hình không phải đầu tiên của Việt Nam mà của cả Đông Nam Á và Châu Á; Đồng thời mong muốn không chỉ công tác bảo tồn, bảo tàng mà tất cả những gì thuộc về sản vật, tài nguyên khác của Thừa Thiên Huế sẽ cùng tham gia để lan tỏa những giá trị thực của Thừa Thiên Huế trên không gian số và mang lại giá trị khai thác tài nguyên số.

Tại Hội thảo, các đại biểu, khách mời đã được nghe các tham luận: Tài sản số - Kinh tế số và thực tiễn Việt Nam (PGS.TS Nguyễn Bình Minh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số, Đại học Bách Khoa Hà Nội); Dữ liệu và Di sản (PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quốc tế - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông); Một số kết quả của đề án chuyển đổi số tại TTBTDT Cố đô Huế: Thành tựu và Khuyến nghị (TS. Hoàng Bảo Hùng, Giám đốc Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế).

PGS.TS Nguyễn Bình Minh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số, Đại học Bách Khoa Hà Nội trình bày tham luận về Tài sản số tại chương trình

Dữ liệu và Di sản - Tham luận của PGS. TS Hoàng Hữu Hạnh tại chương trình Hội thảo

TS. Hoàng Bảo Hùng, Giám đốc Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo kết quả thực hiện đề án chuyển đổi số tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sau 01 năm thực hiện

Trong tháng 07-09/2023, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội Tin học Việt Nam đã mời các chuyên gia từ Google về công nghệ mới như: NFT, Blockchain, Web 3 và kết nối Thực - Số giới thiệu công nghệ và tìm hiểu công tác số hoá của Bảo tàng cung đình Huế đồng thời kết nối thử nghiệm lên không gian Thực - Số một số hiện vật quý của Cung đình Huế. Tại Hội thảo, ông Đỗ Hoài Nam, Nhà đồng sáng lập Phygital Labs Công ty Vật Lý Số đã có bài chia sẻ về tiềm năng của công nghệ vật lý số và trình diễn các giải pháp để có thể đưa các công nghệ mới vào việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của Cố đô Huế.

Ông Đỗ Hoài Nam, Nhà đồng sáng lập Phygital Labs Công ty Vật Lý Số với bài chia sẻ về tiềm năng của công nghệ vật lý số và trình diễn các giải pháp để có thể đưa các công nghệ mới vào việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của Cố đô Huế

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mong muốn nhận được sự quan tâm, tư vấn đến từ các chuyên gia, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT, góp phần tăng cường công tác bảo tồn và quảng bá di sản Huế ra Thế giới

Cũng tại Hội thảo lần này còn diễn ra Lễ ký kết các hợp tác Chuyển đổi số giữa Hội Tin học Việt Nam, Công ty Cổ phần Phygital Labs với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây được xem là cam kết cụ thể nhằm tăng cường hợp tác trao đổi trong việc chia sẻ kiến thức kinh nghiệm về các xu hướng công nghệ mới như: Vật lý số, Web 3 và kết nối Thực - Số, giới thiệu công nghệ và tìm hiểu công tác số hoá để ứng dụng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản trong thời gian tới; đồng thời phát huy nguồn lực, thế mạnh về nhân lực và nền tảng công nghệ do các Hội viên thuộc Hội Tin học Việt Nam, được đại diện bởi nhóm Chuyên gia Công nghệ từ Câu lạc bộ ExIO trực thuộc Hội Tin học Việt Nam và Công ty Cổ phần Phygital Labs triển khai, làm chủ, sở hữu bản quyền trong việc hợp tác với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số và trọng tâm đưa vào thử nghiệm xây dựng các nền tảng công nghệ Thực – Số ứng dụng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản.

Một số hình ảnh tại Hội thảo Kết nối Thực - Số tỉnh Thừa Thiên Huế:

Tiết mục nghệ thuật nhã nhạc cung đình Huế mở màn chương trình Hội thảo

Chương trình nhận được sự theo dõi, quan tâm của các đại biểu tham dự

Công tác số hóa dữ liệu, số hóa di sản và ứng dụng CNTT trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản triều Nguyễn đã và đang được tiến hành mạnh mẽ

Hoạt động Trao đổi - Thảo luận tại chương trình

Chương trình nhận được sự quan tâm, trao đổi, đề xuất đến từ các chuyên gia CNTT tham dự Hội thảo

Hoạt động ký kết các hợp tác Chuyển đổi số giữa Hội Tin học Việt Nam, Công ty Cổ phần Phygital Labs với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế

Các đại biểu tham dự chụp hình lưu niệm cùng BTC Hội thảo sau chương trình.

Theo huedita.vn

(https://huedita.vn/Dien-dan/tid/Ket-noi-Thuc-So-tang-cuong-cong-tac-bao-ton-va-quang-ba-di-san-Hue-ra-The-gioi.html/pid/237/cid/1)