Khắc phục những hạn chế trong dạy học trực tuyến

Nguyệt Hằng 11:19, 06/04/2020

Dạy học trực tuyến, học qua truyền hình, giao bài nhận bài qua mạng, e-learning... là giải pháp tình huống của ngành giáo dục và đào tạo trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19.

Hữu ích nhưng còn nhiều khó khăn

Theo em Trần Thị Diễm, học sinh lớp 12, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Lê Quý Đôn, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, học trực tuyến là hình thức học tập hợp lý trong bối cảnh thầy và trò không thể đến trường, giúp chúng em không quên kiến thức khi nghỉ học quá lâu.

Tuy vậy, việc học online cũng có những hạn chế nhất định. Thầy cô rất sợ học sinh quên bài nên thường gửi bài tập cho cả lớp nhưng có người tập trung sẽ hoàn thành hết, nhiều bạn chỉ hỏi xin đáp án. Hơn nữa, học gián tiếp, giáo viên và học sinh khó tương tác bài giảng, nhiều bạn có tâm lý nghỉ học nên đưa ra nhiều lý do không xem, không nhận được bài.

"Tuy nhiên, khi nhà trường ra thông báo đây là chương trình học chính thức, tất cả các bạn đều bắt buộc phải học nghiêm túc. Nói chung, học online đòi hỏi phải tập trung và thật sự nghiêm túc như lúc học ở trường mới hiệu quả được", Diễm chia sẻ.

Đó là tâm lý của học sinh cuối cấp. Đối với Nguyễn Thanh Vũ, sinh viên lớp Cao đẳng ô tô, Khoa Cơ khí Động lực, Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng, việc học trực tuyến còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để.

Các trường đang khắc phục hạn chế của hình thức dạy học trực tuyến để dần hình thành xu hướng đào tạo mới trong thời gian tới.

Theo Vũ, việc học trực tuyến tạo thuận lợi cho sinh viên có thể duy trì việc học lý thuyết trong thời gian phải nghỉ học tập trung tại trường. Sinh viên có thể học ngay cả khi ở quê, không phải vào thành phố. Tuy nhiên, do học ở nhà, nhiều lúc, Vũ cũng không tập trung hoàn toàn vào việc học.

"Thông thường sinh viên ngành kỹ thuật tụi em học lý thuyết đến đâu sẽ thực hành đến đó. Thế nhưng, học online chỉ học được lý thuyết, còn thực hành theo dõi qua video của các thầy làm mẫu. Do vậy, bọn em không tự tin là sẽ thực hành tốt như khi được học tại xưởng", Vũ nói.

Ở góc độ giáo viên, cô N.H.Th, giáo viên một trường Trung học Cơ sở ở Quận 1 cho rằng, việc dạy học online là cần thiết, kịp thời trong mùa dịch kéo dài như hiện nay. Hình thức này giúp thầy cô và học trò tương tác trực tuyến, các em sẽ nắm kiến thức quan trọng của học kỳ 2. Tuy nhiên, do nghỉ ở nhà lâu, học sinh khó tự học, cần giáo viên theo sát, nhắc nhở đồng hành giúp các em không bị xao nhãng việc học. Dạy online, giáo viên cũng khó đánh giá và quản lý giờ dạy.

Ông Nguyễn Quốc Văn, Trưởng Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng cho biết, đào tạo trực tuyến giúp sinh viên có thể duy trì việc học, củng cố kiến thức cũ và tiếp thu thêm kiến thức mới, tránh tình trạng nghỉ học quá dài khiến các em quên mất kiến thức đã học. Về phía nhà trường, giải pháp này sẽ đảm bảo được kế hoạch giảng dạy tổng thể, không bị kéo lệch khung thời gian kết thúc năm học. Dạy học trực tuyến cũng là cơ hội để giảng viên làm quen, chuẩn bị kỹ năng và thói quen sử dụng các phần mềm hỗ trợ nhằm triển khai đào tạo online trong thời gian tới. Đây thực sự là cơ hội để cả thầy và trò trải nghiệm hình thức dạy - học mới.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Văn, hạn chế của hình thức đào tạo này là thời gian triển khai quá gấp. Một số giảng viên lớn tuổi, khả năng thích nghi với công nghệ chậm sẽ vất vả hơn dạy trực tiếp. Nhiều giảng viên còn khá bỡ ngỡ trong việc áp dụng phương pháp mới này. Thêm vào đó, khả năng tương tác giữa thầy và trò thông qua phần mềm trực tuyến chưa cao. Giảng viên có tâm lý sợ sinh viên nhàm chán hoặc giảng dồn dập khiến các em bị đuối, không nắm bắt hết nội dung kiến thức.

Nỗ lực khắc phục hạn chế

Theo TTXVN, giữa tháng 3/2020, nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chính thức triển khai phương pháp dạy học online (còn gọi là trực tuyến) cho học sinh như một xu hướng đào tạo mới hiện nay. Trước đó, các trường vẫn gửi bài tập đều đặn cho học sinh ôn tập kể từ khi phải nghỉ học do dịch COVID-19.

Mục đích của việc dạy học trực tuyến hiện nay chủ yếu là để duy trì nếp học tập cho học sinh, sinh viên, duy trì mối liên hệ với thầy cô và tạo sự yên tâm cho phụ huynh. Đáng chú ý, nhiều cơ sở giáo dục khác trên địa bàn thành phố đã có những giải pháp cụ thể để khắc phục phần nào hạn chế trong đào tạo trực tuyến hiện nay.

Tại Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du (Quận 10), Ban Giám hiệu Nhà trường đã tổ chức tập huấn các giáo viên nhằm thống nhất cách dạy trực tuyến cho học sinh. Theo đó, hình thức dạy trực tuyến được tập trung chủ yếu vào các môn chính như: Toán, Lý, Hóa, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và Địa lý, bao gồm cả bài học và bài tập về nhà. Nội dung các môn học được triển khai đến học sinh từng lớp thông qua phần mềm dạy học trực tuyến 789.vn của trường, trang Facebook của trường và Zalo từng lớp.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du cho biết, trước đây, Nhà trường đã từng tổ chức hình thức dạy học trực tuyến nhưng chưa đồng bộ. Học sinh phải nghỉ học dài ngày do dịch COVID-19 là dịp để nhà trường đẩy mạnh, tận dụng tối đa lợi thế của công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ việc học tập, giảng dạy của cả thầy và trò. Qua triển khai, kết quả cho thấy, hầu hết học sinh đều tương tác tốt với giáo viên.

Đối với những trường thiên về thực hành như Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, để khắc phục hạn chế trong dạy học trực tuyến, trong quá trình dạy - học, Nhà trường đã khảo sát ý kiến của người dạy và người học để điều chỉnh, hoàn thiện phương thức đào tạo này. Là trường đào tạo nghề, thiên về thực hành, Nhà trường có mở các phòng đa phương tiện để giảng viên thao tác mẫu, quay video cho sinh viên theo dõi.

"Hiện nay, Nhà trường tập trung dạy online lý thuyết, đến khi hết dịch bệnh sẽ dành toàn bộ thời gian cho sinh viên thực hành. Tuy nhiên, hiệu quả dạy học trực tuyến vẫn chưa thể bằng dạy học trực tiếp. Do đó, để đảm bảo chất lượng đào tạo, Nhà trường sẵn sàng tăng thêm 30% thời lượng dạy học khi việc học trở lại bình thường", thầy Nguyễn Quốc Văn, đại diện Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng cho biết.

Tại Trường Trung cấp Việt Á, thầy Lê Hồng Việt, Hiệu trưởng Nhà trường cho hay, Nhà trường đã bố trí các thầy cô dạy trực tuyến cho sinh viên và hướng dẫn các em cách tự học ở nhà trong thời gian này. Đến khi trở lại học tập trung, thầy cô sẽ rà soát kiến thức một lần nữa cho sinh viên, sau đó đưa các em đi kiến tập tại các cơ sở theo mỗi ngành đào tạo.

Để tổ chức dạy học trực tuyến hiệu quả, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã có văn bản hướng dẫn đến các trường trong việc tổ chức thực hiện. Đồng thời, giới thiệu phần mềm, đường truyền, hỗ trợ băng đĩa ghi hình cho các trường. Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp với Đài Truyền hình thành phố phát sóng các chương trình học trên HTV key.

Sở chỉ đạo Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục giám sát quá trình thực hiện của giáo viên. Mỗi trường phải có kế hoạch triển khai dạy học cũng như theo dõi, kiểm tra, đánh giá từng môn học, từng thời điểm để đảm bảo việc dạy và học hiệu quả.

TS Phạm Công Hiệp - giảng viên cấp cao khoa kinh doanh và quản trị ĐH RMIT Việt Nam

Trao đổi với Tuổi trẻ, để dạy và học trực tuyến hiệu quả, theo TS Phạm Công Hiệp - giảng viên cấp cao khoa kinh doanh và quản trị ĐH RMIT Việt Nam, người dạy và người học cần phát huy ưu điểm của hình thức này, đồng thời hạn chế những nhược điểm.

Ưu điểm lớn nhất của học trực tuyến chính là nhờ việc tài liệu học tập, câu hỏi thảo luận, bài kiểm tra đều được lưu trữ trên nền tảng trực tuyến, người học có thể dễ dàng truy cập những nội dung này vào bất kỳ thời gian nào, ở bất cứ đâu. Bài giảng sẽ được phát trực tiếp để người học tham gia ngay tại thời điểm đó, đồng thời cũng được ghi hình lại làm tài liệu hỗ trợ để sử dụng khi cần.

Tuy nhiên, học trực tuyến cũng có một số nhược điểm, nổi bật nhất là trong môi trường học trực tuyến, người học sẽ không được ai nhắc nhở cũng như không có thời gian biểu cụ thể để tuân theo. 

Điều này có thể khiến người học mất tập trung nếu bản thân họ chưa biết tự kỷ luật cũng như chưa có khả năng sắp xếp thời lượng học tập. Ngoài ra, còn một số rào cản khác như thiết bị, đường truyền, tương tác giữa người học và người dạy...

PV/TH