Khắc phục tối đa tính "luật khung, luật ống"
Sáng nay, 13.2, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 20. Nội dung thứ nhất mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến việc tiếp thu, chỉnh lý 3 dự án luật gồm: Luật Phòng thủ dân sự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Trong đó, Luật Phòng thủ dân sự được nâng cấp từ Nghị định lên Luật, có cơ sở chính trị rất quan trọng là Nghị quyết của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự, trong bối cảnh yêu cầu cấp bách của nước ta trong phòng, chống thiên tai, địch họa. Tại Kỳ họp thứ Tư (tháng 10.2022) vừa qua, Quốc hội đã tập trung cho ý kiến đối với nội dung của dự án Luật này. Các cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra có nhiều nỗ lực, cố gắng nghiên cứu tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, đối với dự án Luật này khó tránh khỏi có một số quy định mang tính nguyên tắc, những vấn đề chung, và cũng rất khó có một đạo luật hoàn chỉnh, chi tiết đến từng điều khoản. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan nghiên cứu cho ý kiến một cách chi tiết đối với các nội dung của dự thảo Luật, khắc phục tối đa tính "luật khung", "luật ống".
Đối với dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Giao dịch điện tử đều là những luật đã được ban hành từ lâu. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội khóa XII ban hành từ năm 2010, đến nay cũng đã 13 năm. Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội Khóa XI ban hành từ năm 2005. Với yêu cầu mới thì việc sửa đổi đối với 2 lĩnh vực nêu trên là rất cấp bách. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về những nội dung tiếp thu và những nội dung nào tiếp tục giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội đóng góp trong kỳ họp vừa qua.
Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở về việc có cần xin ý kiến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách về 3 dự án Luật nêu trên trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua hay không và nếu có sẽ xin ý kiến những nội dung nào?
Thành Nam (T/h)