Khai mạc diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020
Sáng ngày 17/9, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp đồng Năng lượng Thế giới tổ chức Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam năm 2020.
Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng là hoạt động được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thường niên từ năm 2017. Năm nay, chương trình được tổ chức với mong muốn gắn kết các nhà quản lý, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ năng lượng, kinh tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực công nghệ trong việc phát triển bền vững kinh tế đất nước cũng như vấn đề an ninh năng lượng, hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả thông qua con người và công nghệ.
Chủ trì diễn đàn có ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ KH&CN, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Tạ Việt Dũng – Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ KH&CN).
Diễn đàn là hoạt động nằm trong định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, đặt ưu tiên cao cho việc đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 – 2030.
Toàn cảnh diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020.
Trước đấy, nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã đặt ra các mục tiêu cụ thể. Trong đó, năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175 - 195 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2045, đạt khoảng 320 - 350 triệu TOE; Tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125 - 130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỉ KWh, tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045. Mục tiêu là hướng tới phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng, đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc diễn đàn "Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020".
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, trong giai đoạn vừa qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực, bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu đáng ghi nhận: Cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện, chỉ số tiếp cận điện năng đứng thứ 27/190 quốc gia/vùng lãnh thổ; công nghiệp khai thác dầu khí và lọc hoá dầu phát triển mạnh sản lượng khai thác than thương phẩm tăng; thuỷ điện phát triển nhanh, gần đây điện gió và điện mặt trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao; Huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, ngành năng lượng trở thành ngành đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế như các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi; cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ; trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao, việc nội địa hoá và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hoá cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế,…
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) trình bày tham luận tại diễn đàn
Tại diễn dàn, ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương cho biết, trong giai đoạn vừa qua, ngành năng lượng nước ta đã có bước phát triển mạnh, tương đối đồng bộ trong tất cả các lĩnh vực và phân ngành năng lượng về cơ bản đã bám sát định hướng phát triển năng lượng của Đảng và đạt được nhiều mục tiêu cụ thể. Tuy nhiên, năng lượng quốc gia vẫn còn nhiều hạn chế, mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối mặt với nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; một số chỉ tiêu đảm bảo an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi. Công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn một số hạn chế. Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp. Cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn nhiều bất cập; trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao; chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động trong một số lĩnh vực còn thấp.
Ông Lê Đình Chiến trình bày nghiên cứu “Hydro trong xu hướng chuyển dịch năng lượng và khả năng sản xuất hydro từ nguồn năng lượng tái tạo”.
Đại diện PVN, ông Lê Đình Chiến - Ban Công nghiệp khí và Lọc hóa dầu đã giới thiệu về nghiên cứu với chủ đề “Hydro trong xu hướng chuyển dịch năng lượng và khả năng sản xuất hydro từ nguồn năng lượng tái tạo”.
Nhằm mục đích đón đầu xu hướng chuyển dịch năng lượng đang xảy ra trên thế giới và tại Việt Nam, PVN lập Báo cáo nghiên cứu nhanh với mục tiêu: Đánh giá sơ bộ vai trò của hydro trong bức tranh chuyển dịch năng lượng; khảo sát sơ bộ và đánh giá khả năng sản xuất hydro từ các nguồn tái tạo; xác định sự cần thiết để triển khai các nghiên cứu chi tiết hơn nhằm đón đầu xu hướng công nghệ và đánh giá tính khả thi của việc đầu tư dự án sản xuất hydro tại Việt Nam.
Theo xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch hơn như khí tự nhiên, năng lượng gió, mặt trời. Đặc biệt là tình trạng nóng lên của trái đất đang diễn ra khá nghiêm trọng khiến xu hướng đầu tư cũng đang hướng tới các ngành năng lượng tái tạo. Đến 2050, điện được dự báo sẽ chiếm trên 50% tổng nhu cầu năng lượng, trong đó 63% sẽ đến từ điện mặt trời và điện gió với hiệu suất và giá thành ngày càng cải thiện.
Công nghệ sản xuất hydro từ điện phân nước đã được thương mại hóa và triển khai ở nhiều nơi trên thế giới. Chi phí sản xuất H2 bằng phương pháp điện phân nước có thể cạnh tranh với phương pháp truyền thống (reforming hơi nước khí tự nhiên) nếu có thể giảm được chi phí đầu tư (capex) và giảm giá thành điện đầu vào. Nhờ những cải tiến về kỹ thuật, chi phí sản xuất bằng công nghệ PEM và Alkaline ngày càng trở nên cạnh tranh hơn trong khi các chi phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng cũng được dự báo sẽ giảm đáng kể (từ 50-80%).
Sự phát triển của sản xuất điện từ năng lượng tái tạo thậm chí còn có thể dẫn đến giá điện âm. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho giải pháp sản xuất H2 từ điện, để giúp cân bằng hệ thống điện lưới, tận dụng các thời điểm giá điện thấp (thấp điểm). Công nghệ điện phân nước biển hiện vẫn chưa được thương mại hóa do khó khăn về kỹ thuật và chi phí rất cao. Các nghiên cứu xoay quanh vấn đề này nhằm giải quyết các vấn đề kỹ thuật và giảm chi phí vẫn đang được triển khai.
Đối với trường hợp của Nhà máy Đạm Cà Mau, việc đầu tư sản xuất hydro từ điện phân nước để tăng công suất của nhà máy, hay từng bước bổ sung nguồn khí thiếu hụt trong tương lai, sẽ cần được xem xét, tính toán cụ thể hiệu quả kinh tế mang lại, trên cơ sở đặc thù giá khí và điều kiện tự nhiên của khu vực.
Bên cạnh đó, đại diện nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ chia sẻ các nội dung liên quan tới chính sách phát triển hạ tầng bền vững và nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ về năng lượng; Chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển năng lượng bền vững; Xu hướng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng trên thế giới và khả năng ứng dụng tại Việt Nam; Thúc đẩy hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực hoạch định chính sách phục vụ phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam; Phát triển hệ thống điện gắn với an ninh năng lượng quốc gia; Hydro trong xu hướng chuyển dịch năng lượng và khả năng sản xuất Hydro từ nguồn năng lượng tái tạo; Ưu tiên tín dụng cho các dự án năng lượng công nghệ cao,…
Đại diện các Bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu đổi mới công nghệ sẽ cùng đại biểu tham dự chia sẻ, thảo luận về các chính sách, giải pháp, kinh nghiệm nghiên cứu làm chủ, ứng dụng công nghệ và triển khai các dự án trong lĩnh vực năng lượng.
Diễn đàn sẽ là cơ hội để các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực năng lượng trao đổi, chia sẻ, kết nối nhằm phát triển bền vững, góp phần hiện thực hóa Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam.
Thanh Tùng