Khai mạc Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam - Make in Viet Nam 2023

12:39, 12/12/2023

Ngày 11/12/2023, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ TT&TT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam - Make in Viet Nam 2023 lần thứ V, với chủ đề “Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại sự kiện

Sự kiện có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cùng nhiều đại biểu cấp cao đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; đại diện các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; đại diện một số cơ quan ngoại giao tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư, các hội, hiệp hội; và đặc biệt là hàng trăm chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp công nghệ uy tín trong nước và quốc tế cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số tại Việt Nam.

Diễn đàn là sự kiện lớn của Ngành nhằm tổng kết, đánh giá sự phát triển của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong 04 năm qua; truyền tải những tư tưởng cốt lõi về phát triển công nghệ số, tinh thần Make in Viet Nam, ứng dụng số để giúp tăng doanh thu, lợi nhuận và năng suất lao động; phát triển doanh nghiệp công nghệ số góp phần phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển.

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần tiên phong trong đổi mới sáng tạo

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhận định: Chủ đề của Diễn đàn năm nay khẳng định tinh thần Việt Nam luôn đổi mới sáng tạo không ngừng và các doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ số chính là những người đi tiên phong trong đổi mới sáng tạo. Do đó, các doanh nghiệp số cần nắm bắt cơ hội này, không ngừng làm mới mình, mang tới sự thay đổi lớn để Việt Nam có sản phẩm khác biệt, của riêng Việt Nam.

Ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết thể hiện ước vọng vươn lên của đại diện các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng nêu rõ hai xu thế chuyển đổi hiện nay là chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức và chuyển đổi xanh.

Theo Phó Thủ tướng, đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam phải có cách tiếp cận hoàn toàn mới. Đây là cơ hội hiếm hoi để nước đi sau đuổi kịp, đi tắt đón đầu thành công trong lĩnh vực viễn thông và chuyển đổi số. Chính phủ Việt Nam xác định khoa học công nghệ số là không gian mới, lực lượng sản xuất mới, nguồn tài nguyên mới để tăng năng suất lao động, động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Toàn-cảnh_1.jpg

Toàn cảnh sự kiện

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chúc mừng các doanh nghiệp nhận Giải thưởng Make in Viet Nam năm 2023 bởi họ đã có lực lượng doanh nhân kinh tế số phát triển nhanh, hùng hậu. Có thể gọi đây là những tinh hoa, mang đến động lực, tinh thần và đóng góp vật chất trong ứng dụng công nghệ số.

Nhắc lại phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại diễn đàn Make in Viet Nam 2021 rằng "nếu kinh tế số Việt Nam không phát triển, không làm cho Việt Nam hạnh phúc, hùng cường thì đó là trách nhiệm Bộ trưởng". Kết quả sau 2 năm cho thấy Bộ trưởng đã cùng với các doanh nhân và lực lượng của mình làm được điều này, Phó Thủ tướng biểu dương.

thamquan-viptuor.jpg

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng các đại biểu tham quan gian triển lãm trưng bày, giới thiệu, các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Chính phủ sẽ dẫn dắt, khởi tạo cho kinh tế số, trở thành “nhà đặt hàng lớn nhất” để tạo đầu ra cho doanh nghiệp và yêu cầu Bộ TT&TT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tìm kiếm giải pháp đồng bộ nhằm tạo ra thị trường, đầu ra cho các sản phẩm của doanh nghiệp. Song song đó, cần có những sản phẩm số quốc gia, đủ chất lượng để “mang chuông đi đánh xứ người”. Bên cạnh việc tìm ra các đặc điểm riêng, 1.400 doanh nghiệp cần xây dựng được hạ tầng kỹ thuật chung, tạo bệ đỡ cho sự phát triển.

Việc phát triển thị trường nước ngoài cũng cần đánh giá đúng mực. Phát triển sản phẩm ở các quốc gia phát triển có thể giúp Việt Nam giải bài toán về kinh tế, nhưng sâu xa hơn là học hỏi mô hình về quản trị, giao dịch. Phó Thủ tướng cam kết, Chính phủ sẽ lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp, để cùng nhau đi và cùng nhau đến, hoàn thành được mục tiêu chuyển đổi số.

Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: "Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam được tổ chức vào tháng 12 hằng năm, là dịp kỷ niệm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số, ngày Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 12/12”.

Nhìn lại chặng đường 4 năm vừa qua, từ năm 2019 đến nay, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những bước phát triển và trưởng thành rất đáng khích lệ. “Số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 30%, doanh thu công nghiệp công nghệ số tăng 32%, tỷ trọng Make in Vietnam của các sản phẩm công nghiệp công nghệ số tăng từ 21% lên 29%. Riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng trưởng 43%, và chúng ta hiện có tới trên 1.400 doanh nghiệp loại này, với doanh thu đang tiến dần đến mốc 10 tỷ USD”.

BT-NMH-111223.jpg

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện

Cho biết chủ đề của diễn đàn năm nay cũng là chủ đề của năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, phát triển kinh tế số thì quan trọng nhất là những ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành. Lực lượng làm việc này chính là các nhà mạng, các doanh nghiệp công nghệ số.

Bộ trưởng dẫn chứng số liệu về tiềm năng phát triển của thị trường ứng dụng cho 5G mà nhà mạng China Mobile của Trung Quốc thu được từ đầu tư phát triển ứng dụng số cho các ngành công nghiệp, đồng thời nhấn mạnh: “Phát triển ứng dụng số cho các ngành  cũng chính là sáng tạo sản phẩm, cũng chính là Make in Viet Nam. Các nhà mạng, các doanh nghiệp công nghệ số phải coi đây là hoạt động nghiên cứu, phát triển”.

Bộ trưởng kêu gọi: “Hàng chục nghìn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy đi vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo các ứng dụng số, giúp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho các ngành và lĩnh vực. Và đây cũng chính là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam từ nay có một sứ mệnh mới là công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số, chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực.

Phát triển kinh tế số các ngành cũng chính là cách để tăng năng suất lao động của các ngành này. Chúng ta nhiều năm nay đều không đạt mục tiêu tăng năng suất lao động, thì nay, lời giải của chúng ta về vấn đề nan giải này là sáng tạo các ứng dụng số để phát triển kinh tế số các ngành”.

trao-giải-thưởng-toàn-cảnh.jpg

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại diện đạt giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam 2023

Bộ trưởng cũng chia sẻ, năm 2024 cũng sẽ là năm thương mại hóa, phát triển 5G trên phạm vi toàn quốc để tạo ra hạ tầng cho các ứng dụng công nghiệp. Năm 2024 còn là năm phát triển AI hẹp, tạo ra các ứng dụng AI cho từng lĩnh vực.

Năm 2024 cũng là năm đầu tiên thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, không chỉ có vậy, nó còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30 - 50 năm tới.

Phát triển công nghiệp bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà (như thiết điện tử tiêu dùng, thiết bị điện tử y tế, thiết bị điện tử công nghiệp,...), nhất là khi ngành này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử AI, thiết bị IoT.

Công nghiệp bán dẫn cũng là cốt lõi của công nghiệp chuyển đổi số. Việt Nam có tới 100 triệu dân, là một thị trường lớn, lại đang ở giai đoạn phát triển nhanh, công nghiệp hóa nhanh, chuyển đổi số nhanh, tiêu dùng điện tử nhiều, nên sẽ là một bối cảnh thuận lợi cho ngành công nghiệp bán dẫn nước nhà.

“Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Viet Nam chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể hùng cường thịnh vượng” - Bộ trưởng khẳng định.

Quảng Ninh chuẩn bị năng lực sẵn sàng tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Là địa phương được Bộ TT&TT lựa chọn để tổ chức Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ V, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay, cùng với phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin. Có thể khẳng định đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Ninh bước đầu đã có những tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng, chuẩn bị năng lực sẵn sàng tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

LĐ-Quảng-Ninh.jpg

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại sự kiện

Theo ông Cao Tường Huy, Diễn đàn này là cơ hội để các chuyên gia, các nhà hoạch định chiến lược, chính sách, các doanh nghiệp cùng đông đảo các đại biểu thảo luận, chia sẻ nhận thức, xu thế, tầm nhìn và tìm ra các định hướng, giải pháp nhằm phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Make in Việt Nam.

Chương trình Diễn đàn Make in Viet Nam bao gồm 1 phiên chính và các phiên chuyên đề. Tại phiên chính buổi sáng, các diễn giả chia sẻ các câu chuyện thành công trong việc ứng dụng số tạo ra các sản phẩm số ứng dụng trong thực tiễn, giúp thay đổi Việt Nam, thay đổi thế giới.

Tại các phiên chuyên đề vào buổi chiều, các diễn giả trao đổi, thảo luận về việc phát triển các sản phẩm dựa trên công nghệ mới như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn và việc đưa chúng ra thị trường trong nước và quốc tế. Các diễn giả cũng trao đổi, thảo luận về những rào cản, thách thức và giải pháp đột phá để cung cấp ngày càng nhiều sản phẩm, giải pháp, dịch vụ trên nền tảng các công nghệ số mới cho thị trường.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Bộ TT&TT đã công bố và trao Giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2023 ở các hạng mục: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, sản phẩm công nghệ số tiềm năng và sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài, nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam có sản phẩm, giải pháp và dịch vụ công nghệ số xuất sắc./.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông

(https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/162386/Khai-mac-Dien-dan-quoc-gia-phat-trien-doanh-nghiep-cong-nghe-so-Viet-Nam---Make-in-Viet-Nam-2023.html)