Cần tách biệt vai trò nền tảng công nghệ số trung gian trong giao dịch dịch vụ vận tải
Grab, Gojek, Be,…được định danh là loại hình kinh doanh vận tải hay là đơn vị cung cấp phần mềm công nghệ hỗ trợ dịch vụ vận chuyển vẫn còn là vấn đề chưa được xác định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật.
Vẫn còn một số nội dung, nội hàm còn chồng chéo, đan xen về trách nhiệm và thẩm quyền giữa Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Ảnh minh họa.
Dự án Luật Đường bộ (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tháng 10/2020 cùng với dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tại Kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lấy phiếu xin ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo luật, xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Sau hơn 2 năm tập trung nghiên cứu, chuẩn bị, ngày 28/2/2023, Chính phủ có Tờ trình xây dựng dự án Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2023.
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, theo đó đã đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, cùng trình Quốc hội cho ý kiến đồng thời tại Kỳ họp thứ 6, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 24/11 mới đây, hầu hết các đại biểu đều tán thành tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai Luật nhằm điều chỉnh hai lĩnh vực quan trọng khác nhau. Gồm: trật tự, an toàn giao thông đường bộ thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn, xã hội và xây dựng, phát triển quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý vận tải dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật nhằm cụ thể hóa và thể chế hóa tinh thần của Chỉ thị 23 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, nhiều đại biểu cho rằng vẫn còn một số nội dung, nội hàm còn chồng chéo, đan xen lẫn nhau về trách nhiệm và thẩm quyền giữa Luật Đường bộ và Luật TTATGTĐB.
Đang có sự chồng lấn giữa các chủ thể
Về một số nội dung được quy định đồng thời trong hai dự thảo Luật như việc vận chuyển hành khách bằng xe ô tô và việc vận tải, đưa đón học sinh bằng xe ô tô, trách nhiệm của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận chuyển hành khách..., đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) đề nghị đối với việc tổ chức thực hiện mà phải áp dụng cả hai Luật dẫn đến khó theo dõi và khó thực hiện, cần phải tích cực rà soát hai dự án Luật này để xử lý các vướng mắc nêu trên, đảm bảo thuận tiện trong việc áp dụng pháp luật cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tại kỳ họp tháng 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hai Luật này, đặc biệt là Luật Giao dịch điện tử, đã đưa ra quy định về nền tảng số trung gian. Đây là một loại nền tảng số mà chủ quản nền tảng số độc lập với các bên thực hiện giao dịch. Quy định này cho thấy sự tách biệt rõ rệt giữa các chủ thể khác nhau trong một giao dịch thương mại điện tử diễn ra trên môi trường mạng: chủ quản nền tảng số trung gian, người cung cấp hàng hóa/dịch vụ và khách hàng.
Tuy nhiên, theo đại biểu tại khoản 2 Điều 71 Dự thảo Luật đường bộ về quản lý dịch vụ vận tải hành khách, hàng hoá bằng xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự thông qua phần mềm/ nền tảng số kết nối với hành khách đang có sự nhầm lẫn giữa các chủ thể trong giao dịch dịch vụ vận tải.
Việc cung cung cấp dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe 2, 3 bánh qua phần mềm trung gian kết nối có 3 chủ thể khác nhau: doanh nghiệp cung cấp ứng dụng công nghệ số kết nối, tài xế xe 2, 3 bánh (xe ôm) và hành khách. Tài xế xe 2, 3 bánh trực tiếp vận chuyển hành khách, còn doanh nghiệp cung cấp ứng dụng công nghệ số kết nối chỉ chuyển yêu cầu vận chuyển của hành khách tới tài xế.
“Vai trò của từng chủ thể trong giao dịch, cũng như nghĩa vụ tương ứng, hoàn toàn khác biệt”, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương nêu.
Chỉ "nền tảng công nghệ số" - bản chất trung gian mới có thể ghi nhận yêu cầu của một chủ thể trong giao dịch là hành khách và chuyển yêu cầu đó tới một chủ thể khác. Ảnh minh họa.
Đại biểu cũng cho rằng, trong khi chủ thể chịu sự điều chỉnh bởi quy định tại khoản 2 Điều 71 là “Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ vận tải hành khách, hàng hoá bằng xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự thông qua phần mềm kết nối với hành khách”, nghĩa là các tài xế xe ôm, những yêu cầu nêu ra tại điểm a – h khoản 2 lại chỉ có thể được áp dụng với chủ quản nền tảng số trung gian.
Ví dụ, các tài xế xe ôm không thể nào ghi nhận yêu cầu vận tải của khách hàng và chuyển yêu cầu vận tải đến người lái xe. Trong khi đó, chỉ "nền tảng công nghệ số" - bản chất trung gian mới có thể ghi nhận yêu cầu của một chủ thể trong giao dịch là hành khách và chuyển yêu cầu đó tới một chủ thể khác.
Điều này cũng giống như với nền tảng công nghệ số kết nối giữa tài xế xe 4 bánh (taxi công nghệ) với khách hàng quy định tại khoản 6 Điều 61, khi dự thảo Luật đang sử dụng hai tiêu chí “điều hành phương tiện, lái xe” và “quyết định giá cước vận tải” để xác định doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Theo quy định này, tất cả mọi doanh nghiệp cung cấp phần mềm, ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải như Grab, Be, Gojek… sẽ bị coi là doanh nghiệp vận tải và sẽ phải đáp ứng những điều kiện kinh doanh đối với kinh doanh vận tải.
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát và điều chỉnh Điều 71 để đảm bảo rằng những nghĩa vụ được nêu tại điều này là phù hợp với đối tượng chịu sự điều chỉnh.
“Điều 71 chỉ nên quy định trách nhiệm, nghĩa vụ đối với các đối tượng trực tiếp thực hiện vận chuyển hành khách. Còn trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ quản nền tảng công nghệ số trung gian có thể được đưa vào một nội dung khác phù hợp hơn trong Dự thảo Luật”, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương kiến nghị.
Chưa đề cập đến loại hình kinh doanh vận tải bằng xe công nghệ
Cơ bản đồng tình với việc ban hành dự thảo Luật Đường bộ (sửa đổi) trên cơ sở có sự kế thừa của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, song ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) còn băn khoăn về kinh doanh vận tải bằng ôtô từ khoản 5 đến khoản 14 Điều 61 của dự thảo Luật.
Dự thảo nêu rõ: Kinh doanh vận tải bằng xe ôtô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải, trực tiếp điều hành phương tiện lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.
Kinh doanh vận tải bằng xe ôtô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bao gồm kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ôtô trong nước, quốc tế. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô bao gồm kinh doanh vận tải hành khách bằng xe bus, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi và kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Tương ứng với các loại hình kinh doanh vận tải hành khách, dự thảo mô tả cụ thể từng hoạt động kinh doanh, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể về kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.
Trên cơ sở những nội dung đưa ra tại Dự thảo, đại biểu Thạch Phước Bình nhận thấy, dự thảo Luật Đường bộ vẫn chưa đề cập rõ ràng đến loại hình kinh doanh vận tải bằng xe công nghệ. Đây được xem là loại hình kinh doanh mang tính chất đặc thù ngoài các loại hình kinh doanh đã được quy định như trong dự thảo Luật, để tạo cơ sở pháp lý trong luật nhằm điều chỉnh loại hình kinh doanh vận tải này.
Tránh trùng lắp nội dung giữa các luật
Liên quan đến ý kiến của các đại biểu nêu về hoạt động vận tải đường bộ, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, tại Điều 77 dự thảo Luật Đường bộ quy định như sau: “Dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ gồm kinh doanh dịch vụ bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, đại lý vận tải hàng hóa, đại lý bán vé, dịch vụ thu gom hàng, dịch vụ chuyển tải, dịch vụ kho bãi hàng hoá, dịch vụ xếp dỡ hàng hoá trên phương tiện, dịch vụ cho thuê phương tiện, dịch vụ cứu hộ giao thông đường bộ, ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô”, theo đó ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, không phải là hoạt động kinh doanh vận tải.
Chỉ trong trường hợp tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô thực hiện ít nhất một trong các công đoạn gồm: điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi) thì sẽ xác định là kinh doanh vận tải theo quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 61 dự thảo Luật Đường bộ.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng: Đặc điểm giao thông đường bộ Việt Nam là giao thông hỗn hợp, toàn dân là chủ thể tham gia, tâm lý tập quán nhận thức cũng còn khác nhau. Dự thảo luật Đường bộ đồng ý có sự giao thoa giữa các nội dung song tránh trùng lắp. Do vậy, các cơ quan xây dựng Luật cần phân tích rõ hơn các yếu tố tĩnh và động để vừa giải quyết mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng đường bộ và các cấu trúc có tính thượng tầng trong bảo đảm an toàn giao thông đường bộ để không chồng chéo, mâu thuẫn.
Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận tranh luận gửi các đại biểu Quốc hội theo dõi và chuyển các cơ quan chuyên môn để nghiên cứu, tiếp thu giải trình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp đại biểu chuyên trách để thảo luận dự án luật này và sẽ báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp sau.
Theo Báo điện tử Chính phủ