Khai mạc Hội thảo Khoa học Quốc tế về Mật mã và An toàn thông tin lần thứ I - VCRIS 2024
Ngày 03/12/2024, tại khuôn viên Học viện Kỹ thuật mật mã đã diễn ra Lễ khai mạc Hội thảo khoa học Quốc tế về “Mật mã và An toàn thông tin lần thứ I”. Đây là Hội thảo khoa học quốc tế có uy tín, thu hút được sự chú ý đặc biệt của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nghiên cứu sinh trong lĩnh vực Mật mã và An toàn thông tin.
VCRIS 2024 do Ban Cơ yếu Chính phủ bảo trợ và được tổ chức bởi Học viện Kỹ thuật mật mã cùng các đơn vị: Câu lạc bộ Khoa - Trường - Viện Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam (FISU Việt Nam); Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM); Tạp chí An toàn Thông tin (ISJ) và phối hợp với Đại học Lorraine – Pháp và Viện Khoa học Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST).
Tham dự tại Hội thảo VCRIS 2024, TS. Nguyễn Hữu Hùng – Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; cùng đại diện Lãnh đạo các cơ quan đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ; các Hệ Cơ yếu cùng một số thành viên của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước ngành Công nghệ thông tin và đại diện Lãnh đạo của các Trường Đại học, học viện đào tạo hàng đầu về Mật mã và An toàn thông tin.
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học Quốc tế về “Mật mã và An toàn thông tin lần thứ I”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. TS. Nguyễn Hiếu Minh – Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo VCRIS 2024 chia sẻ: “Hội thảo VCRIS 2024 được kỳ vọng là nơi kết nối và hình thành cộng đồng các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học, viện nghiên cứu và tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu ở trong và ngoài nước về lĩnh vực Mật mã và An toàn thông tin. Đây sẽ là một diễn đàn học thuật, nơi thúc đẩy năng lực sáng tạo, bứt phá trong nghiên cứu khoa học của những nhà khoa học trẻ. Tại Hội thảo, các nhà khoa học sẽ trình bày những thành quả học thuật, được lắng nghe những ý kiến phản biện và được trao đổi với các chuyên gia đến từ nhiều quốc gia trên thế giới về ứng dụng của Mật mã và An toàn thông tin trong thực tiễn”.
GS.TS. Nguyễn Hiếu Minh – Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo VCRIS 2024 phát biểu khai mạc Hội thảo.
Tại Hội thảo, PGS.TS Bùi Thu Lâm - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký FISU Việt Nam, kiêm Trưởng ban chương trình đã có trình bày về mục tiêu và chủ đề của VCRIS2024. Theo đó, VCRIS2024 sẽ thúc đẩy một nền tảng trao đổi học thuật quốc tế để thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng về mật mã và an toàn thông tin; Xây dựng một cộng đồng nghiên cứu sôi động bằng cách thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học, các chuyên gia và nhà khoa học cả trong nước và quốc tế trong lĩnh vực mật mã và an toàn thông tin.
PGS.TS Bùi Thu Lâm - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký FISU Việt Nam trình bày tại Hội thảo.
Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ nhất về “Mật mã và An toàn Thông tin – VCRIS 2024” đã nhận được hơn 50 bài báo khoa học chất lượng từ các nhà nghiên cứu và học giả uy tín trong nước và quốc tế. Sau quá trình phản biện chặt chẽ và khách quan do Ban Chương trình thực hiện, hơn 30 báo cáo xuất sắc nhất đã được lựa chọn để trình bày tại hai phiên chuyên đề của Hội thảo.
Tất cả các bài viết được chấp nhận trình bày tại VCRIS 2024 đều được xuất bản chính thức trực tuyến thông qua Thư viện số IEEE Xplore, được lập chỉ mục theo tiêu chuẩn IEEE, đảm bảo khả năng hiển thị rộng rãi và được công nhận toàn cầu. Lợi ích cho tác giả: Phạm vi tiếp cận toàn cầu (quyền truy cập của các nhà nghiên cứu, người thực hành và tổ chức trên toàn thế giới); Được lập chỉ mục trong cơ sở dữ liệu hàng đầu để có tiềm năng trích dẫn tối đa; Tiêu chuẩn IEEE: Đảm bảo chất lượng và tuân thủ các quy trình xuất bản được quốc tế công nhận.
Đặc biệt, Hội thảo VCRIS 2024 có sự chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học nổi tiếng quốc tế, cụ thể:
1. Giáo sư Edgar Weippl (Áo) – một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bảo mật, hiện đang giảng dạy tại Đại học Vienna, Ông là Trưởng phòng thí nghiệm Christian Doppler về Cải tiến Chất lượng và Bảo mật trong Hệ thống Sản xuất. Giáo sư Weippl đã trình bày với chủ đề: “Exposing Network Vulnerabilities: Security Insights from Tor, VoWiFi, and Cellular Networks”.
Với chủ đề này, Giáo sư Edgar Weippl đã đưa ra một bức tranh toàn diện về tình trạng an ninh mạng hiện nay. Ông tập trung vào các lỗ hổng trong mạng Tor, VoWiFi và mạng di động, bao gồm: Tấn công phi danh hóa trên mạng Tor (phân tích nguy cơ từ các đối thủ cấp độ hệ thống tự trị (AS-level adversaries) và tác động của IPv6 đến an ninh); Lỗ hổng từ VoWiFi (những điểm yếu trong trao đổi khóa Diffie-Hellman, bao gồm việc sử dụng các nhóm Diffie-Hellman yếu và chia sẻ khóa riêng giữa các nhà cung cấp dịch vụ); MobileAtlas (giới thiệu khung đo lường chi phí thấp nhằm phát hiện các vấn đề như cấu hình tường lửa IPv6 không an toàn và lưu lượng không nhất quán. Những kết quả nghiên cứu này không chỉ cung cấp phương pháp mới để phát hiện và giảm thiểu rủi ro mà còn đóng góp vào sự hiểu biết sâu sắc về các nguy cơ an ninh trong hệ thống mạng hiện đại).
Giáo sư Edgar Weippl (Áo) trình bày tại Hội thảo.
2. Giáo sư Kwangjo Kim (Hàn Quốc) – Đại diện KAIST, là người Hàn Quốc đầu tiên được vinh danh là IACR Fellow (2017) – một danh hiệu cao quý dành cho các nhà nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực mật mã. Giáo sư Kim sẽ chia sẻ về chủ đề: “SOLMAE: Faster and simpler quantum-safe signature based on NTRU-lattices”.
Trong báo cáo này, Giáo sư Kwangjo Kim trình bày cơ chế chữ ký số SOLMAE – một bước tiến lớn trong mật mã an toàn lượng tử. SOLMAE kết hợp các ưu điểm của các thuật toán nổi bật như Falcon và Mitaka: Hiệu suất vượt trội như giảm thiểu độ phức tạp trong thiết kế, cải thiện tốc độ và tối ưu hóa tính song song; Mức độ an toàn vượt trội khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an ninh của NIST, đặc biệt tại các cấp độ I và V.
Báo cáo của Giáo sư Kim không chỉ mang lại các giải pháp kỹ thuật tối ưu mà còn mở ra những hướng đi mới cho việc phát triển các hệ thống mật mã an toàn trước thách thức của công nghệ lượng tử.
3. Giáo sư Sylvain Guilley (Pháp) – CTO tại Secure-IC, một chuyên gia hàng đầu về bảo mật hệ thống nhúng, Ông là thành viên của IACR, thành viên cao cấp của IEEE và câu lạc bộ CryptArchi. Ông sẽ trao đổi về chủ đề: “Secure Implementation of Post-Quantum Cryptography”.
Giáo sư Guilley tập trung vào các phương pháp triển khai thực tế mật mã hậu lượng tử (PQC) trên các hệ thống nhúng. Ông nhấn mạnh: Tối ưu hóa hiệu năng, công suất và diện tích (PPA) khi đưa ra các giải pháp tối ưu giữa tài nguyên hệ thống và yêu cầu an toàn; An toàn tối ưu, đối phó với các tấn công từ rò rỉ thông tin (thời gian, năng lượng tiêu thụ) bằng cách áp dụng các kỹ thuật hình thức và tăng tốc phần cứng.
Báo cáo đã làm rõ mối tương quan giữa yêu cầu chứng nhận và hiệu quả triển khai, giúp cải thiện độ tin cậy cho các ứng dụng mật mã trong môi trường phức tạp.
4. Giáo sư Jean-Yves Marion (Đại học Lorraine, Pháp) là một chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thông tin, đặc biệt tập trung vào phân tích phần mềm mã độc. Tại hội thảo lần này ông chia sẻ chủ đề: “A comprehensive view of the malware ecosystem is essential”.
Bài thuyết trình của Giáo sư Jean-Yves Marion mang đến những phân tích toàn diện về hệ sinh thái malware. Các nội dung chính đáng chú ý: Phân tích kỹ thuật malware, từ các phương pháp đảo ngược mã (reverse engineering) đến phát hiện và xác định nguồn gốc của các cuộc tấn công; Xây dựng chiến lược phòng thủ toàn diện từ kết hợp linh hoạt giữa các phương pháp tổ chức và kỹ thuật nhằm nâng cao khả năng đối phó với các mối đe dọa phức tạp.
Bài thuyết trình này là một đóng góp quan trọng, giúp định hình và phát triển các hệ thống phòng thủ hiện đại, đáp ứng hiệu quả trước các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi.
5. Tiến sĩ Nguyễn Bùi Cương (Việt Nam) – Chuyên gia về mật mã của Ban Cơ yếu Chính phủ đã giới thiệu về chủ đề: MKV: “A New Block Cipher of Vietnam for the Post-Quantum Cryptography Transition”, một thuật toán mã khối mới của Việt Nam.
Những điểm nổi bật của MKV bao gồm: Tính bảo mật cao khi được tối ưu để chống lại các mối đe dọa từ tính toán lượng tử, cùng với khả năng kháng các tấn công liên quan đến khóa; thiết kế hiện đại dựa trên cấu trúc Four-Leaf-Clover với khả năng chống tấn công tuyến tính và vi sai; Tối ưu hóa cho các ứng dụng phần cứng và phần mềm; Khả năng ứng dụng linh hoạt với hỗ trợ các kích thước khối và độ dài khóa khác nhau, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Tiến sĩ Nguyễn Bùi Cương (Việt Nam) – Chuyên gia về mật mã của Ban Cơ yếu Chính phủ giới thiệu về chủ đề: MKV: “A New Block Cipher of Vietnam for the Post-Quantum Cryptography Transition”.
Đây là bước tiến quan trọng giúp Việt Nam nói chung, Ban Cơ yếu chính phủ nói riêng xây dựng tiêu chuẩn mật mã riêng, đáp ứng nhu cầu bảo mật trong thời kỳ chuyển đổi hậu lượng tử.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo VCRIS 2024.
VCRIS 2024 được tổ chức lần đầu mang tầm quốc tế là minh chứng cho sự quan tâm và đóng góp to lớn từ các nhà nghiên cứu, đồng thời củng cố niềm tin cho Ban Tổ chức rằng Hội thảo VCRIS 2024 sẽ đạt được thành công vượt bậc, không chỉ ở khía cạnh nội dung học thuật mà còn về chất lượng toàn diện của chương trình.
Các báo cáo tại Hội thảo VCRIS 2024 đã cung cấp những đóng góp khoa học có giá trị nền tảng, đồng thời mở ra các hướng nghiên cứu mới nhằm giải quyết những bài toán phức tạp trong lĩnh vực Mật mã và An toàn thông tin. Thành công của hội thảo minh chứng cho sự hợp tác khoa học sâu rộng giữa các học giả trong nước và quốc tế, góp phần định hướng cho những nghiên cứu tiên tiến trong tương lai.
Hội thảo VCRIS 2024 diễn ra trong 2 ngày: 03 - 04/12/2024.