Khám phá “Ao tiên” có phép lạ trên vùng cao Tây Bắc

14:00, 20/07/2023

Giữa vùng đất khô hạn được bao bọc bởi bốn bề núi đá, hạt mưa rơi ngang lưng trời đã bốc hơi, bỗng xuất hiện những chiếc ao đầy nước quanh năm. Đó là huyền tích đầy kỳ bí ở xứ sở núi đá huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai ít người biết đến.

Những ao nước kỳ bí

Xã Dìn Chin, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai từ lâu đã được ví như “Trường Sa cạn” của Tây Bắc bởi ở vùng này thời tiết 9/12 tháng khô hạn, luôn thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Đặc điểm địa chất ở đây chủ yếu là đá xít, không giữ được nước nên trời cứ mưa đến đâu là nước ngấm hết đến đó. Vậy mà “điều kỳ diệu” đã đến với bà con nơi đây khi trên địa bàn có ba ao nước không bao giờ cạn, người dân nơi đây gọi là “Ao tiên”. 

Theo truyền thuyết các cụ cao niên trong xã kể lại, trước đây vùng đất này luôn khô hạn, thiếu nước quanh năm khiến đời sống nhân dân gặp nhiều bất lợi. Người dân dù chăm chỉ, chịu khó nhưng trồng cây thì cây chết, gieo ngô, cấy lúa hạt không thể nảy mầm, chăn nuôi gà lợn trâu không béo được chỉ vì thiếu nước. Người dân thường phải đi rất xa mới gùi được chút nước về sinh hoạt, bởi thế người dân coi nước quý hơn vàng. 

Năm đó trời khô hạn khốc liệt, cỏ cây hoa lá héo khô đến mức đi khắp vùng không còn chút màu xanh. Giữa một buổi trưa hè trời nóng như đổ lửa, có một đôi vợ chồng trẻ từ phương xa đến. Người đàn ông cao to, bảnh bao, người phụ nữ da trắng, thanh tú. Đi đường xa nhiều ngày, thời tiết lại nóng bức, họ gần như kiệt sức bèn ghé vào nhà dân bên đường xin nước uống. Chủ nhà là một bà lão đơn thân, bà ân cần rót nước mời khách, bát thứ nhất, bát thứ hai, rồi bát thứ ba mà hai vị khách vẫn chưa hết khát vẫn đưa bát xin thêm. Chỉ vào chum nước đã cạn đáy ở góc nhà, chủ nhà nói với khách: Do nhiều tháng nay cả vùng không có mưa, lượng nước dự trữ đã cạn kiệt, đó là chút nước cuối cùng còn lại của già đấy. Mong anh chị thông cảm cho già. 

Hai vị khách hỏi thăm bà lão về vùng đất này, họ nói từ phương xa đến và muốn định cư lâu dài ở đây. Bà lão thật thà nói với hai vợ chồng nọ rằng đây là vùng đất khô hạn, thiếu nước quanh năm rất khó sinh sống, khuyên họ hãy đi nơi khác. 

Hai vợ chồng cảm ơn bà lão rồi tạm biệt rời đi. Nửa đêm hôm đó, bỗng có cơn dông kéo đến, trời đổ mưa rào. Cơn “mưa vàng” giữa những tháng khô hạn nhất năm đã cứu sống người dân và gia súc trong vùng trong niềm vui sướng vô bờ bến. Đặc biệt, sáng hôm sau người dân ngỡ ngàng khi thấy xuất hiện ba cái ao đầy nước chia đều tại 3 bản. Qua câu chuyện của bà lão kể lại, người dân cho rằng, ba ao nước đó là do đôi vợ chồng tiên ban tặng do cảm động trước tấm lòng và sự chân tình của người dân nơi đây. Điều này cũng trùng hợp với việc bà lão mời đôi vợ chồng kia 3 bát nước cuối cùng. Từ đó người dân đặt tên cho các ao nước là “Ao tiên”.

 

 Để mục sở thị Ao tiên, chúng tôi đã đi đến thôn Ngải Thầu, nơi có một Ao tiên để thăm quan. Vượt qua quãng đường đất lởm chởm đá, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy một ao nước mờ ảo trong sương sớm. Thật kỳ lạ, ở nơi đây xung quanh không có lấy một con suối, khe hay mạch nước chảy mà lại có một ao nước sâu như thế. Ông Giàng Seo Chang, hơn 70 tuổi, già làng, người uy tín trong thôn Ngải Thầu khẳng định rằng, từ thời ông bà mình trồng ngô, cấy lúa ở đây đã thấy cái ao tiên này, ao chưa bao giờ cạn nước, kể cả những năm khô hạn nhất. 

Do đặc điểm địa chất của xã Dìn Chin chủ yếu là đồi, núi đá, thời tiết quanh năm khô hạn nên việc sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nhờ có ba Ao tiên kỳ bí này đã cung cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi, nước tưới cho hàng trăm héc ta ruộng cấy lúa và hàng nghìn ha trồng ngô. Nhờ nguồn nước từ các ao tiên đã đảm bảo cuộc sống no ấm của nhân dân nơi đây. 

Nhiều điều chưa lý giải được

Xung quanh truyền thuyết về Ao tiên ở Dìn Chin vẫn còn rất nhiều điều kỳ bí hấp dẫn. Chẳng hạn như việc ao tiên rất kị những thứ có mùi hôi thối như là xác động vật, rác thải. Chuyện kể rằng, năm đó ở thôn Lùng Sán Chồ, một gia đình nọ có cậu con trai đi chăn trâu, giữa trưa nắng đã xuống ao tắm, không biết bơi cậu ta đã bị chết đuối. Gia đình nọ cho rằng ao tiên đã giết con họ nên đã lén đem xác chó chết vứt xuống ao để trả thù. Trưa hôm đó trời đang nắng chang chang, vậy mà chẳng bao lâu mây đen vần vũ kéo đến kín trời, rồi giông bão, sấm chớp nổi lên đùng đùng như trời nổi cơn thịnh nộ. Trong ao xuất hiện một hố sâu, rút hết nước khiến ao cạn trơ đáy. Rồi nhiều tháng sau đó thời tiết nắng nóng, khô hạn khiến cây cỏ héo khô, các con vật cũng không thể tìm được nước uống. 

Nhận thấy tội lỗi do mình gây ra, gia đình đó đã chủ động mang lễ vật đến gần ao để khấn xin thần tiên tha thứ. Họ quỳ lạy suốt ba ngày ba đêm. Đến ngày thứ tư, từ trên hang núi xuất hiện hai con cóc to, cóc vừa chạy ra thì đất đá trên núi đổ xuống, lấp đầy hố sâu trong ao. Sau đó trời đổ mưa rào suốt một tuần, nước trong ao tiên lại đầy miệng. Từ đó người dân trong vùng bảo nhau không ai được làm thần tiên nổi giận, đặc biệt không được vứt những thứ dơ bẩn xuống ao tiên. 


Ao tiên dự báo thời tiết rất chính xác 

Từ trên cao nhìn xuống ao tiên tại thôn Ngải Thầu giống như vầng trăng khuyết, ao tiên tại thôn Lùng Sán Chồ giống hình giọt lệ, hai ao này nước trong xanh quanh năm. Còn ao tiên ở thôn Dìn Chin lại giống như lòng thúng, nằm lọt thỏm giữa xung quanh là rừng cây. Ba ao tạo thành thế chân kiêng với ba góc tam giác vững chắc chở che cho người dân khắp vùng. Không chỉ có chức năng giữ nước, các ao tiên từ lâu đã được người dân quan sát để dự báo thời tiết rất chuẩn xác. 

Theo các cụ cao niên trong xã, dựa vào sự thay đổi của nước trong ao tiên có thể dự báo thời tiết. Khi nước trong ao bỗng dưng chuyển màu sang đục, có gợn sóng thì báo hiệu trời sắp có mưa rào to. Dựa theo đó người dân bảo nhau chuẩn bị dụng cụ trữ nước sinh hoạt và sẵn sàng chuẩn bị trâu để ra ruộng cày bừa bất kể ngày đêm. Thường thì khi ao tiên dự báo buổi chiều thì đêm đó trời sẽ mưa. 


Được biết, thời tiết ở Dìn Chin có đến 9/12 tháng mùa khô, gần như không có lấy một hạt mưa. Trên địa bàn cũng chỉ có vài mạch nước nhỏ để phục vụ sinh hoạt của người dân và các trường học. Mùa đông thì sương muối, giá lạnh cắt da cắt thịt. Vậy nên để bảo vệ đàn gia súc trong mùa khô cũng như mùa đông là nỗi lo lớn của người dân địa phương. Nhờ có các ao tiên trữ nguồn nước quanh năm mà chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn xã phát triển mạnh. Vào những tháng mùa khô, người dân chăn thả gia súc trên những nương đồi, đến trưa nắng gia súc sẽ tự tìm đến ao tiên để uống nước và tắm. 

Những kết quả trù phú về sự phát triển kinh tế đang hiện hữu trên miền đất khó Dìn Chin nhờ nguồn nước từ các Ao tiên khiến bất kỳ ai đến đây cũng đều có những cảm nhận rất khó lý giải về truyền thuyết kỳ bí này. 

Tác giả: Đoàn Thị Kim Liên- Trường Chính trị Hoàng Đình Giong, Cao Bằng

Theo Tạp chí in số tháng 4+5+6/2023