Khoa học, công nghệ là xu thế tất yếu của ngành Nông nghiệp và Môi trường

12:09, 12/05/2025

Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là xu hướng toàn cầu, mà còn là yêu cầu sống còn để ngành nông nghiệp và môi trường vượt qua những thách thức ngày càng lớn như biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và yêu cầu phát triển xanh.

Tại Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong nông nghiệp và môi trường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Long chỉ ra rằng, ngành nông nghiệp và môi trường sở hữu hơn 11.400 nhà khoa học, mạng lưới 21 tổ chức nghiên cứu và hơn 16.000 ha đất, nhưng hiệu quả khai thác vẫn còn rất khiêm tốn. Một trong những nguyên nhân chính là thiếu các chính sách trọng dụng có tính cạnh tranh và khuyến khích đổi mới sáng tạo. 

Do đó, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là xu hướng toàn cầu, mà còn là yêu cầu sống còn để ngành nông nghiệp và môi trường vượt qua những thách thức ngày càng lớn như biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và yêu cầu phát triển xanh.

Do vậy, để đạt mục tiêu phát triển bền vững và hiện đại hóa ngành, cần đặt khoa học công nghệ ở vị trí trung tâm của quá trình chuyển đổi.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Trường, Tổng Giám đốc Công ty Đại Thành, đã chia sẻ về hiệu quả của việc áp dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Các công nghệ như drone nông nghiệp, thiết bị dẫn đường không người lái đã giúp tăng năng suất từ 15-20% và tiết kiệm từ 15-25% chi phí đầu vào, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường. Những kết quả này chứng minh rõ rệt vai trò của công nghệ trong việc nâng cao năng suất và giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.

Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Hạt giống Việt, cũng chia sẻ về mong muốn được giao nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể từ các bộ, ngành. Ông cho rằng, trước đây, doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình nghiên cứu lớn. Với Nghị quyết 57, sự thay đổi về thể chế và chính sách khuyến khích hợp tác công - tư sẽ tạo ra môi trường thuận lợi, giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa nguồn lực nghiên cứu và phát huy khả năng sáng tạo trong việc phát triển các sản phẩm nông sản chất lượng cao.

Theo TS Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội), nhấn mạnh tiềm năng đưa Việt Nam vào Top 50 quốc gia dẫn đầu về năng lực cạnh tranh khoa học công nghệ là hoàn toàn khả thi nếu biết tận dụng tốt cơ hội. Đồng thời, đánh giá cao vai trò then chốt của nông nghiệp và môi trường trong phát triển bền vững, nhất là khi Việt Nam đã trở thành một trong 15 quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

TS Dũng khẳng định, không có quốc gia nào phát triển bền vững nếu không sở hữu nền khoa học công nghệ hiện đại. Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, còn nhà khoa học là lực lượng chủ lực sẽ giúp thực thi hiệu quả các mục tiêu lớn.

TS Lưu Thành Trung (ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho rằng, Nghị quyết 57 tạo ra cơ hội lớn để Việt Nam xây dựng đội ngũ nhà khoa học trình độ cao. Ông nhấn mạnh việc đào tạo ra những nhà khoa học có khả năng sáng tạo công nghệ lõi và tự chủ công nghệ là một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam đối mặt với các thách thức toàn cầu và quá trình chuyển đổi xanh. Sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ nhân lực trong ngành khoa học công nghệ sẽ giúp tạo ra những công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi và cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề xuất từ năm 2026, các nhiệm vụ khoa học công nghệ cần được đặt hàng dựa trên thực tiễn, nhu cầu doanh nghiệp và cơ quan chuyên môn, thay vì chỉ do viện nghiên cứu tự đề xuất. Không để chính sách trở thành rào cản cho đổi mới sáng tạo. Cần tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, mở rộng cơ chế thử nghiệm công nghệ, tạo điều kiện để các sáng kiến có thể bước ra khỏi phòng thí nghiệm và đi vào cuộc sống.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường cũng nhấn mạnh, chuyển đổi số cần được triển khai toàn diện, từ quy trình quản lý, xây dựng văn bản đến hoạt động sản xuất. Đây không chỉ là công cụ mà còn là phương thức vận hành mới, giúp ngành nông nghiệp và môi trường tăng năng suất, minh bạch và nâng cao hiệu quả quản trị.