Khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển vùng dân tộc thiểu số

08:29, 09/10/2020

Những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhiều dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi đã được triển khai thực hiện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kết quả thực hiện các dự án này thực sự tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực cho các địa phương, góp phần nâng cao trình độ sản xuất, dân trí và cải thiện đời sống nhân dân.

Ngày 30/9/2020, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc (HĐDT) Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Vai trò Khoa học và Công nghệ (KHCN) thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào (dân tộc thiểu số và miền núi) DTTS & MN giai đoạn 2021-2030”.


Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại Hội thảo

Ông Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐDT của Quốc hội, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch HĐDT của Quốc hội và ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KHCN đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự có đại diện các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương vùng DTTS & MN, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các viện nghiên cứu. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông tham dự Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch HĐDT của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho biết: Thực hiện Chương trình hoạt động giám sát năm 2020, trong hai tháng 8 và 9, HĐDT tổ chức giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về KHCN phục vụ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS & MN giai đoạn 2011-2020” trên phạm vi toàn quốc. Qua giám sát thực tế, HĐDT nhận thấy Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách chung cũng như chính sách, pháp luật về KHCN ưu tiên phát triển vùng DTTS & MN. Từ năm 2011-2020 các bộ, ngành, địa phương đã triển khai 719 dự án KHCN tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó, có 441 dự án triển khai tại 34 tỉnh, thành phố vùng DTTS & MN. Kết quả đạt được từ các chương trình KHCN khá toàn diện, đã tác động tốt đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước, làm chuyển biến mọi mặt vùng DTTS & MN. Một số sản phẩm đã trở thành hàng hóa được phân phối trên các thị trường, đã có nhiều mô hình ứng dụng KHCN tiên tiến điển hình trong sản xuất nông lâm nghiệp.

Hiệu quả tích cực

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều tiềm năng và lợi thế về nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch... Tuy nhiên, đây cũng là vùng đặc biệt khó khăn, thường xảy ra thiên tai.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, xác định rõ những vấn đề ưu tiên để bảo đảm phát triển bền vững đối với khu vực này, đặc biệt nhấn mạnh vào vai trò của khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Toàn cảnh Hội thảo “Vai trò của khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”. ( Ảnh : Hanoimoi )

Tại hội thảo "Vai trò của khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030" tổ chức cuối tháng 9 tại Hà Nội, ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, từ năm 2011-2020, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai 719 dự án khoa học và công nghệ tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 441 dự án triển khai tại 34 tỉnh, thành phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nhiều dự án đã mang lại hiệu quả tích cực góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất theo chuỗi sản phẩm.

Cụ thể, Chương trình nông thôn miền núi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011-2020 đã đem lại hiệu quả kinh tế đa dạng thuộc nhiều lĩnh vực nhờ các giải pháp khoa học và công nghệ trong quy hoạch, kiến trúc, xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường cảnh quan; đầu tư khai thác các công trình nước sạch, thủy lợi; chuyển đổi cơ cấu sản xuất; thay đổi cơ cấu mùa vụ, quy trình thâm canh, giảm chi phí…

Qua 10 năm thực hiện, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã trực tiếp làm thay đổi diện mạo đời sống, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với hơn 4.300 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ được hình thành, phát huy hiệu quả, quy mô phù hợp với điều kiện sinh thái của các địa phương.

Có thể kể đến một số mô hình hiệu quả, như: Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình ươm nuôi cá chình hoa giống và thương phẩm đạt năng suất, hiệu quả cao tại Thanh Hóa; ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nâng cao chất lượng chè nguyên liệu cho chế biến chè ô long, chè xanh chất lượng cao tại tỉnh Lai Châu; ứng dụng công nghệ mới trong sấy gỗ rừng trồng tại tỉnh Phú Thọ; ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất chè xanh chất lượng cao tại tỉnh Cao Bằng…

Ứng dụng khoa học và công nghệ dựa trên lợi thế vùng

Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá, Chương trình nông thôn miền núi đã mang lại kết quả lớn, thể hiện được vai trò của khoa học và công nghệ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập, điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách cần khắc phục, đặc biệt là việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn cán bộ là người dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ.

Để hoạt động khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển các sản phẩm hàng hóa theo chuỗi liên kết gắn với thị trường, góp phần tạo bước đột phá trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ cùng các bộ, ngành xây dựng, điều chỉnh các chính sách để triển khai tốt nhiệm vụ của Nghị quyết số 88/2019/QH14 "Tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phục vụ công tác dự báo, hoạch định, quản lý thực hiện chính sách dân tộc" và Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15-2-2020 của Chính phủ về các giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ trong thực hiện các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ có những nghiên cứu, điều chỉnh các chỉ tiêu, số lượng, chất lượng các đề tài khoa học và công nghệ phù hợp với thực tiễn.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho rằng: Căn cứ kết quả giám sát ở các địa phương và ý kiến của đại biểu, Bộ KHCN, Bộ Tài chính sẽ có căn cứ xây dựng, điều chỉnh các chính sách cho giai đoạn mới 2021-2030. Trước mắt, Bộ KH&CN sẽ cùng với các bộ, ngành xây dựng, triển khai tốt nhiệm vụ của Nghị quyết 88/2019/QH14 “Tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng đồng bào DTTS & MN để phục vụ công tác dự báo, hoạch định, quản lý thực hiện chính sách dân tộc”

Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch HĐDT của Quốc hội đánh giá cao những kết quả đạt được của hoạt động KHCN trong thời gian qua, từ xây dựng thể chế, chính sách, kết quả thực hiện, xây dựng các mô hình, Các hoạt động KHCN đã đóng góp cho sự phát triển của vùng DTTS & MN. Nhiều mô hình đã được áp dụng vào thực tiễn, minh chứng điển hình cho những thành tựu KHCN vùng DTTS & MN. Bên cạnh những kết quả đạt được, số lượng đề tài KHCN còn ít, hàm lượng khoa học chưa cao. Thời gian tới, cần có những nghiên cứu, điều chỉnh các chỉ tiêu, số lượng, chất lượng các đề tài KHCN cho sát với thực tiễn. Ưu tiên phân bổ kinh phí, tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao vai trò của các cấp, ngành trong hoạt động KHCN.

Đồng thời, trong giai đoạn tới cần khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, đứt đoạn, thiếu sự kết nối “4 nhà” trong hoạt động KHCN; đẩy mạnh các hoạt động liên kết KHCN, đặc biệt các hoạt động KHCN liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc; tập trung nhiều hơn cho hoạt động khoa học ứng dụng, sản xuất hàng hóa theo hướng công nghệ cao. Lấy thước đo là mức sống, thu nhập của người dân; tạo được sức mạnh của miền núi trong nền kinh tế thị trường.

Minh Hà (T/h)