Khởi nghiệp Fintech và ứng dụng ở vùng nông thôn: Tiềm năng lớn, cần ý tưởng khác biệt

07:19, 19/07/2023

Khởi nghiệp công nghệ tài chính (Fintech) và ứng dụng ở vùng nông thôn còn rất nhiều dư địa, tiềm năng lớn, nhưng cũng mạo hiểm đòi hỏi các start-up phải có ý tưởng tốt, khác biệt cũng như hành lang pháp lý chặt chẽ, chính sách hỗ trợ thuận lợi hơn.

Hội nghị "Thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ tài chính Fintech và ứng dụng ở vùng nông thôn" - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Đây là ý kiến các chuyên gia chia sẻ tại Hội nghị "Thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ tài chính Fintech và ứng dụng ở vùng nông thôn" do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ KH&CN) tổ chức ngày 18/7.

Theo Báo cáo thị trường Fintech Việt Nam 2021, số lượng công ty Fintech đã tăng lên 4 lần, từ 39 công ty vào cuối năm 2015 lên đến hơn 154 công ty vào cuối năm 2021. Trong số các công ty Fintech tại Việt Nam, có khoảng 70% là công ty khởi nghiệp.

Fintech là một trong số gần 30 làng công nghệ chủ chốt tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest) năm nay, góp phần tạo ra cộng đồng công nghệ bền vững trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện việc phát triển thị trường fintech Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề như hầu hết các công ty Fintech còn khá trẻ; ứng dụng Fintech mới đang phổ biến ở thành phố lớn, còn ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn gặp những khó khăn. Bên cạnh đó, hệ sinh thái Fintech chưa có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể (cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tài chính, công ty khởi nghiệp Fintech, công ty phát triển công nghệ...) cũng như khuôn khổ pháp lý quản lý lĩnh vực Fintech chưa được đồng bộ.

Ông Trần Duy Khanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC cho biết, bức tranh tổng thể về khởi nghiệp nói chung ở Việt Nam đang rất sôi động, trên các lĩnh vực.

"Chúng ta từng đặt kỳ vọng có 1 triệu doanh nghiệp, hiện nay mới có trên 800.000 doanh nghiệp. Như vậy, dư địa cho khởi nghiệp rất lớn. Trong khi đó, Nhà nước có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp", ông Trần Duy Khanh nói.

Theo ông Trần Duy Khanh, khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech lại càng khó. Start-up trong lĩnh vực này cần có kiến thức về công nghệ, về tài chính, tín dụng ngân hàng và thực sự đam mê. 

Nhắc tới câu chuyện của Tập đoàn Viettel, ông Trần Duy Khanh cho rằng chính sự khác biệt, sự sáng tạo về mặt tư duy đã giúp Viettel gặt hái thành công lớn như hiện nay. Thay vì hướng tới các khách hàng tại khu vực thành thị như cách làm của các "ông lớn" thời bấy giờ là Vinaphone hay Mobiphone thì Viettel lại chọn nông thôn là thị trường chính để phát triển. Bởi lẽ, đa số người trẻ ở thành phố đều cần liên lạc với gia đình, người thân ở nông thôn. Đối với khởi nghiệp cũng thế, không có sự khác biệt rất khó thành công, đây là bài học cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Cần "bàn tay" hỗ trợ 

Cũng theo ông Trần Duy Khanh, khu vực nông thôn chiếm trên 70% dân số cả nước. Đây là dư địa cực kỳ lớn cho các start-up.

Tuy nhiên, vấn đề về vốn vẫn là khó khăn chung của các start-up. Một doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ mất từ một đến hai năm đầu để xây dựng, hoàn thiện, thử nghiệm sản phẩm và lợi nhuận thường chỉ có ở năm thứ ba trở đi. Vì thế, các doanh nghiệp khởi nghiệp có nhu cầu rất lớn về vốn. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng thường không dám cho vay vì không có gì bảo đảm. 

Do vậy, để khởi nghiệp Fintech, ngoài ý chí, ý tưởng tốt của các bạn trẻ thì cần cơ chế, chính sách hỗ trợ. Bên cạnh sự tham gia, vào cuộc của Nhà nước, cần có thêm quỹ hỗ trợ khởi nghiệp từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, từ các tổ chức khác để giúp các start-up có thêm niềm tin, sức mạnh ở những bước đi khó khăn ban đầu.

"Nếu không có sự "ươm mầm", bàn tay hỗ trợ ban đầu của Nhà nước, của các doanh nghiệp thì các start-up mặc dù ý tưởng tốt cũng rất khó thành công", ông Trần Duy Khanh nhấn mạnh.

Còn PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, các công ty Fintech mới chủ yếu tập trung vào khu vực thành thị mà chưa khai thác nhiều ở vùng nông thôn, trong khi vùng nông thôn là thị trường rộng lớn. Muốn mở rộng ở khu vực nông thôn, các công ty Fintech cần có đánh giá thật kỹ về thị trường, đối tượng sử dụng...

Hiện nay, quy định pháp lý về Fintech trên thực tế đã có, tuy nhiên hầu hết thể hiện ở dạng các chính sách mang tính gợi ý, như các quyết định phê duyệt các đề án mà chưa có hành lang pháp lý chặt chẽ. Các sandbox thử nghiệm sản phẩm mới, lĩnh vực mới cũng chưa triển khai được. Ngoài ra, vấn đề chia sẻ thông tin, bảo mật thông tin rất quan trọng nhưng chưa có quy định về chia sẻ thông tin giữa các bên; vai trò, nhiệm vụ của các bộ, ngành trong lĩnh vực Fintech cũng chưa rõ... Đó là những khó khăn về mặt pháp lý.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cũng không thể nóng vội, đòi hỏi hoàn thiện chính sách ngay, mà cần có thời gian cũng như một "nhạc trưởng", "tổng chỉ huy" trong lĩnh vực này.

Các chuyên gia cũng mong muốn những người trẻ hãy mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm và dám chấp nhận thất bại trong khởi nghiệp. Đối với khởi nghiệp lĩnh vực Fintech, đây là lĩnh vực rất tiềm năng nhưng cũng vô cùng mạo hiểm. Tuy nhiên càng mạo hiểm thì thành công sẽ càng lớn. 

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

(https://baochinhphu.vn/khoi-nghiep-fintech-va-ung-dung-o-vung-nong-thon-tiem-nang-lon-can-y-tuong-khac-biet-102230718162952285.htm)