Kịch bản nào cho mạng di động ảo?

08:49, 15/03/2011

Cho dù giấy phép cung cấp mạng di động ảo đã được Bộ TT&TT cấp từ năm 2009, nhưng đến nay, ngoài Đông Dương Telecom gần như đã chắc chắn tham gia thị trường này - còn các mạng khác chưa có bất cứ động thái gì. 

VTC “án binh bất động” với mạng ảo

Ngày 22/6/2010, Bộ TT&TT đã tổ chức lễ cấp phép mạng di động ảo cho VTC. Theo giấy phép, VTC sẽ cung cấp dịch vụ thông tin di động trên hạ tầng 3G của EVN Telecom và roaming với các mạng 2G trong nước. VTC Digicom (công ty con của VTC) cho biết, VTC sẽ cung cấp dịch vụ thông tin di động trên hạ tầng 3G của EVN Telecom. Ngoài EVN Telecom, VTC sẽ nghiên cứu các phương án roaming với các mạng di động khác để mở rộng vùng phủ sóng cung cấp dịch vụ cho khách hàng những nơi mà mạng 3G của EVN Telecom chưa vươn đến được. Ngay tại buổi cấp phép, VTC dự kiến sẽ chính thức cung cấp dịch vụ thông tin di động ảo vào cuối năm 2010 trên phạm vi toàn quốc với đầu số 11 số.


Thế nhưng đến thời điểm này, “mối lương duyên” của EVN Telecom và VTC Digicom vẫn “án binh bất động” - cho dù thời điểm dự kiến cung cấp dịch vụ đã đi qua. Trong buổi làm việc mới đây với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, phía VTC cho biết dự án hợp tác để triển khai mạng di động ảo giữa VTC và EVN Telecom vẫn “chưa có tiến triển gì”. VTC cũng không đả động thêm bất cứ thông tin gì với EVN về vấn đề triển khai mạng di động ảo với EVN Telecom mà lại đưa ra ý tưởng muốn cùng đơn vị này thành lập công ty chuyên về khai thác và cho thuê hạ tầng. Những động thái này của VTC cho thấy, dường như mạng di động ảo không còn là mục tiêu quan trọng của doanh nghiệp này. Hơn nữa, việc EVN có chủ trương cổ phần hoá EVN Telecom và bán cổ phần cho FPT thì vấn đề đi đến đàm phán có lợi cho VTC trong sử dụng hạ tầng của EVN Telecom để cung cấp dịch vụ sẽ không phải là chuyện dễ dàng. Nếu việc mua bán cổ phần giữa EVN Telecom và FPT thành công, chắc chắn FPT cũng không muốn có thêm đối thủ “kỳ đà cản mũi” trong môi trường vốn đã bị cạnh tranh quyết liệt.

Giới phân tích cho rằng, với tình hình kinh tế hiện nay - việc phải bỏ ra từ vài trăm tỷ đồng, thậm chí đến cả nghìn tỷ đồng để đầu tư cho mạng ảo mà cơ hội thành công lại tương đối mơ hồ thì quả là quyết định khó. Trong khi đó, giá cước dịch vụ di động cộng thêm khuyến mãi đã đẩy giá dịch vụ gần sát giá thành nên cơ hội đàm phán với nhà cung cấp có hạ tầng để có mức bán buôn lưu lượng “dễ thở” là điều vô cùng khó khăn.

Cho đến thời điểm này, chưa có bất kỳ mạng di động nào tuyên bố giảm cước và một số mạng đưa ra chính sách “thắt lưng buộc bụng” để chống chọi với tình hình kinh tế đang đối mặt với “bão giá”. Giới phân tích cho rằng, nếu xét trên khía cạnh thị trường thuần túy thì chưa có “cửa” cho mạng di động ảo. Vì vậy, chưa thể kỳ vọng gì ở việc gia nhập thị trường di động của VTC. Với thực tế thị trường di động hiện nay, không có nhiều ý kiến lạc quan về khả năng phát triển của mạng di động ảo tại Việt Nam.

Hai kịch bản cho Đông Dương Telecom

Trái ngược với VTC, Đông Dương Telecom có vẻ đầy quyết tâm để gia nhập thị trường này sau một năm “lỗi hẹn”. Một lãnh đạo của Đông Dương Telecom tiết lộ, mạng này sẽ chính thức cung cấp dịch vụ vào khoảng giữa năm 2011. Cho dù là “trâu chậm” nhưng Đông Đương Telecom vẫn chiếm được những lợi thế nhất định khi tham gia thị trường này. Đông Dương Telecom cũng có được đầu số “vàng” 0998 và 0999. Rất có thể Đông Dương Telecom có thêm được dải số nữa trong đầu số “vàng này”. Đây là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp này khi khách hàng đang “chê” đầu số 11 số. Không dừng lại ở đó, Đông Dương Telecom được sử dụng hạ tầng di động của Viettel để cung cấp dịch vụ ảo.

Cho đến thời điểm này, Viettel đang là mạng có hạ tầng 2G và 3G lớn nhất. Thậm chí mạng 3G của Viettel được đánh giá là lớn nhất trong ASEAN. Như vậy, Đông Dương Telecom khắc phục được nhược điểm của mạng mới là vùng phủ sóng hẹp và đầu số dài 11 số. Vì vậy, chỉ cần một yếu tố nữa để đảm bảo cho khả năng đứng trên thị trường của Đông Dương Telecom là khả năng đàm phán mua buôn lưu lượng với Viettel để có mức bán lẻ ra thị trường mà có lợi nhuận tốt.

Những lợi thế của Đông Dương Telecom là không thể phủ nhận, nhưng biến đó thành thuê bao sinh lời vẫn là ẩn số. Giới chuyên môn cho rằng, nếu Đông Dương Telecom đầu tư hệ thống vận hành mạng ảo cũng sẽ phải chi vài nghìn tỷ đồng. Như vậy, buộc doanh nghiệp này không thể không tính toán kỹ. Tuy nhiên, cũng có giải pháp an toàn hơn là mạng này chỉ cần đưa ra thương hiệu và “tầm gửi” sang hệ thống của Viettel mà không phải đầu tư. Thế nhưng, giải pháp này lại có nhược điểm là lợi nhuận sẽ thấp và sẽ không bao giờ trở thành “đại gia” di động được.

Như vậy, việc “tấn công” hay “phòng thủ” của Đông Dương Telecom phụ thuộc vào khát vọng của lãnh đạo, “thuyền trưởng” doanh nghiệp này.

 

Không hạn chế triển khai mạng di động ảo

Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, thị trường viễn thông Việt Nam hiện nay đã có cạnh tranh, vì vậy Bộ không hạn chế việc triển khai mạng di động ảo. Việc triển khai mạng ảo có hiệu quả hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp. Bộ TT&TT đã tham khảo nhiều chuyên gia quốc tế trước khi triển khai cấp phép mạng di động ảo. Các chuyên gia quốc tế khuyến cáo đối với thị trường Việt Nam, nên cho phép và để cơ chế của thị trường quyết định chứ không phải cố để cho ra mạng ảo.

Ông Lê Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc VNPT cho rằng, sự ra đời của mạng di động ảo đúng vào lúc thế giới khủng hoảng kinh tế, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Thứ 2 là nền tảng pháp lý, văn hóa phong cách làm việc ở Việt Nam chưa quen với cách hợp tác nên vừa qua chưa phát triển được và cần phải một thời gian nữa.


(theo
ICTnews)