Kích hoạt chuyển đổi số ngành logistics

10:06, 23/12/2020

Chuyển đổi số được xem là phương thức hữu hiệu, giúp doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số cần được triển khai đồng bộ, với mục tiêu cuối cùng là đem lại hiệu quả, giảm chi phí…

Được coi là hoạt động nền tảng của nền kinh tế, logistics đang phát triển mạnh mẽ và tích hợp vào nhiều lĩnh vực. Do vậy, việc chuyển đổi số có ý nghĩa thiết thực, giúp cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi cho mọi hoạt động của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, ngành logistics cũng được coi là xương sống của nền kinh tế, đồng hành với tất cả các lĩnh vực hoạt động, từ sản xuất, phân phối, lưu thông cho đến tiêu thụ. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, trong đó có ngành logistics.

1852-anh-bai-chinh

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp giảm chi phí.

Từ góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết: Trong năm 2020, những từ khóa "hot" nhất là chuyển đổi số và Covid-19, đều có liên quan đến logistics. Giãn cách xã hội khiến con người phải ở trong nhà, nhưng hàng hóa thì ngược lại, được vận chuyển đi khắp nơi nhờ các dịch vụ logistics trên toàn cầu. Covid-19 cũng là cú huých để mọi lĩnh vực của đời sống được số hóa, thúc đẩy chuyển đổi số… "Với vị trí trung tâm của chuỗi cung ứng, chuyển đổi số trong logistics sẽ tác dụng kích hoạt việc chuyển đổi số của nhiều thành phần khác" - ông Trần Thanh Hải nhận định.

Theo các chuyên gia, tương lai của logistics thông minh không nằm ở những cải tiến đơn lẻ mà đòi hỏi chiến lược, kế hoạch tổng thể, với sự tham gia của công nghệ, điện toán đám mây. Sự chuyển đổi này giúp DN, dịch vụ logistics hướng tới phục vụ khách hàng tốt hơn, kiểm soát luồng thông tin, tối ưu tự động hóa theo module, thứ tự của khách hàng.

Thông qua việc sử dụng công nghệ mới, sự xuất hiện của các tác nhân cũng như mô hình kinh doanh mới, logistics thông minh đang phát triển thành quy trình tự kiểm soát linh hoạt, giá thành thấp, phi tập trung, ghi nhận và "truy vết" thông tin trong thời gian thực. Mục tiêu của logistics thông minh hướng tới sự hợp tác minh bạch, đồng bộ giữa các bộ phận trong tổ chức, cũng như đối tác, nhằm đáp ứng mong đợi của khách hàng.

Đề cập đến chủ đề chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics, ông Nguyễn Tương - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam - cho rằng: Thị trường có khoảng 4.000 đơn vị cung cấp dịch vụ logistics quốc tế và nội địa, trong đó hơn 90% là DN vừa và nhỏ. Cùng với đặc thù riêng của thị trường Việt Nam, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực này đang gặp khá nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, đó là sự hạn chế tài chính đầu tư ban đầu, khó khăn trong lựa chọn công nghệ phù hợp với hoạt động dịch vụ của mỗi DN. Khoảng 40% các ứng dụng công nghệ thông tin đang được sử dụng tại DN logistics là giải pháp cơ bản và chưa có nhiều DN ứng dụng các phần mềm có tính tích hợp cao, cũng như phần mềm tiêu chuẩn quốc tế.

"Cùng đó là tâm lý chưa thực sự tin tưởng vào công nghệ và thói quen ngại thay đổi của DN" - ông Nguyễn Tương nhận định; đồng thời chia sẻ, để khắc phục rào cản, ngoài quyết tâm và tập trung nguồn lực đầu tư của DN, cần có sự hợp tác giữa DN chủ hàng và đơn vị cung cấp dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ của nhà nước trong cải cách thủ tục hành chính liên quan, hỗ trợ nguồn vốn, nhất là với DN đi đầu trong chuyển đổi số.

Thiên Thanh (T/h)