Ứng dụng công nghệ trong logistics: Hướng đi tất yếu
Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong logistics giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn, cắt giảm chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.
Logistics là hoạt động theo chuỗi dịch vụ, từ giai đoạn tiền sản xuất cho đến khi hàng hóa tới tay người tiêu dùng cuối cùng, liên quan trực tiếp đến hoạt động vận tải, giao nhận, kho bãi, các thủ tục dịch vụ hành chính, phân phối, bán lẻ…
Logistics - ngành kinh tế quan trọng
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội xác định logistics là một ngành kinh tế quan trọng, vừa trực tiếp tạo ra tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và việc làm, vừa gián tiếp thúc đẩy kinh tế thông qua nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp.
Thời gian qua, dịch vụ logistics tại Hà Nội phát triển nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống của hơn 10 triệu dân cùng hạ tầng thương mại với 26 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 809 điểm kinh doanh trái cây an toàn; trên 1.000 cửa hàng tiện lợi, hệ thống cửa hàng tạp hóa… Hệ thống logistics còn đáp ứng yêu cầu nguyên phụ liệu và lưu chuyển hàng hóa của 9 khu công nghiệp, gần 100 cụm công nghiệp, 1.350 làng nghề và làng có nghề… Không những thế, Hà Nội còn là đầu mối giao thông, đầu mối logistics đi và đến vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Dây chuyền phân loại hàng hóa của Shopee tại Trung tâm Hateco Logistics
Mới đây, thống kê tại Diễn đàn logistics Việt Nam 2020 cho thấy, thị trường logistics Việt Nam đang thu hút khoảng trên 30.000 doanh nghiệp. Trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp vận tải đường sắt, đường bộ và đường sông (59,02%); doanh nghiệp kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải (33,26%); còn lại là nhóm doanh nghiệp vận tải đường biển, hàng không và bưu chính chuyển phát.
Hạ tầng logistics Hà Nội đang ngày càng hoàn thiện. Theo đó, nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố đã tự tổ chức hoạt động logistics. Nói đến hạ tầng logistics phải nói tới hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông, bến cảng, sân bay… Có thể thấy, giao thông Hà Nội hiện rất phát triển, nhiều dự án nâng cấp, cải tạo đường bộ đã được thực hiện và làm thay đổi đáng kể bộ mặt giao thông Thủ đô. Hiện có 5 tuyến đường sắt kết nối Hà Nội với các địa phương... Với hệ thống sông, trên địa bàn Hà Nội hiện có 9 cảng sông có hệ thống kho bãi và công trình phụ trợ... Bên cạnh đó, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng ngày càng hỗ trợ cho hoạt động logistics.
Gia tăng các giải pháp ứng dụng công nghệ trong logistics
Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ trong logistics đã có những bước phát triển đáng kể, thể hiện qua việc gia tăng các giải pháp ứng dụng công nghệ, nhất là sự xuất hiện các giải pháp tổng thể có tính tích hợp hệ thống, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ứng dụng công nghệ trong logistics giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả, cắt giảm được chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, hệ thống thông tin là bộ phận quan trọng nhất của hoạt động logistics. Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội ứng dụng các phần mềm kiểm soát quá trình vận chuyển hàng hóa để thông tin về tiến độ, thời gian, lịch trình vận chuyển cho khách hàng ngày càng phổ biến.
“Việc ứng dụng công nghệ trong trao đổi thông tin, xếp dỡ; ứng dụng công nghệ vận tải, công nghệ lưu kho còn giúp tăng tải trọng vận chuyển hai chiều, bảo đảm không nhầm lẫn, thất lạc, thiếu thừa hàng hóa; hàng hóa không bị hỏng hóc, giảm chất lượng, nhất là với hàng hóa đặc biệt (hóa chất, hàng hóa dễ cháy, nổ)...”, ông Hải nhấn mạnh.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp người nhận, người gửi hàng hóa luôn biết hàng của mình đang ở đâu, bao giờ đến…; đồng thời việc thông quan được thuận tiện, dễ dàng hơn.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hải, theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội có 1 trung tâm logistics hạng I tại phía Bắc Hà Nội, 1 trung tâm hạng II tại phía Nam Hà Nội. Ngoài ra, Hà Nội có 1 trung tâm logistics chuyên dụng hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài hoặc có đường giao thông thuận tiện kết nối trực tiếp đến cảng hàng không và có khả năng kết nối với vận tải đa phương thức với quy mô trên 7ha (giai đoạn đến năm 2025).
Thực hiện quy hoạch này, Hà Nội đã định hướng triển khai 10 trung tâm logistics, trong đó, 6 trung tâm đã có chủ trương đầu tư, 3 trung tâm đang nghiên cứu và 1 trung tâm tiếp tục kêu gọi đầu tư. Tới đây, Hà Nội tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống kho bãi đặt tại các khu, cụm công nghiệp cũng như tại các quận nhằm phục vụ tốt nhất cho hoạt động giao thương cũng như sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo http://thanglong.chinhphu.vn/